Chú giải thêm về thế đất Rồng cuộn hổ ngồi


Văn Chiếu dời đô (Thiên đô chiếu) của vị vua khai sáng triều Lý, cũng là khai mở Kỷ nguyên Ðại Việt - Thái Tổ Lý Công Uẩn, cho thấy bậc quân vương - trí thức lớn uyên thâm cả Thiền học lẫn Nho học cùng kho tàng kiến thức phương Ðông đương thời, đã thấy rõ, đã thấu tỏ về mọi phương diện, rằng không đâu bằng đất Ðại La hội đủ các yếu tố của một "kinh sư của muôn đời

Con mắt nhà chính trị ở Người thấy rõ ưu thắng của Ðại La về địa - chính trị, địa - kinh tế: "ở giữa nam bắc đông tây", "đất rộng mà bằng phẳng, chỗ cao mà sáng sủa, dân cư không khổ vì ngập lụt, muôn vật rất thịnh mà phồn vinh", "chỗ hội họp của bốn phương". Và sự thấu tỏ cái thế đất nhiều ưu việt hơn so với một nhược điểm về địa - quân sự trong việc giữ thành: "có thế rồng (tức là sông-long-long mạch-Thanh Long...) cuộn, hổ (núi-Bạch Hổ...) ngồi", "hình thế núi sông sau trước", "chỗ cao mà sáng sủa" (đất kết, khí ngưng tụ), thì rõ ràng là từ con mắt của người am tường phong thủy học phương Ðông.

Những người hiểu biết về phong thủy học từ trước đến nay tham khảo tài liệu của ông cha cùng lời truyền tụng dân gian, suy ngẫm và đã bàn luận ít nhiều trên sách, báo. Xin lược thuật giúp bạn đọc tham khảo hẳn cũng là có ích.

Các đời Ðinh, Tiền Lê vun đắp nền độc lập non trẻ sau nghìn năm bị đô hộ, thế nước không thể không thiên về phòng thủ, nên lập đô ở thung lũng Hoa Lư với thế núi bốn bề vây bọc như thành cao, sông suối ngoằn ngoèo như hào sâu, là dễ hiểu. Theo phong thủy, thế đất ấy hãm nhiều hơn phát, thế đất "cường", khí tiêu tán bên trên, ngựng tụ bên dưới, thiên huyệt kết ở chỗ trũng, nên được nghiệp nhưng phúc trạch không dài - như Lý Thái Tổ viết trong Chiếu dời đô: "thế đại không dài, vận số ngắn ngủi".

Còn Ðại La thì sao? Nhìn đại cục, thì một mạch đất cực lớn (đại can long) khởi từ núi Côn Lôn xứ bắc chạy đến nước ta đã chia làm ba chi lớn, trong đó có tới 27 "ngôi đất kết" (khí ngưng tụ), có thể phát tới thiên tử, còn lại là hàng nghìn ngôi đất lớn nhỏ kết phát nhân kiệt.

Có một diễn ca nói về thế đất Ðại La thời đất ấy còn thuộc Giao Châu (vì thế hai chữ "thăng long" trong diễn ca là để chỉ "khí thăng lên từ long mạch") - miền đất mà sau đó, Lý Thái Tổ định đô, đổi gọi Thăng Long (có thể gồm cả hai nghĩa: khí Thăng từ Long mạch, và Rồng Bay dựa theo truyền thuyết bóng Rồng vàng bay lên đón ngự thuyền Lý Thái Tổ):

"Thăng long đệ nhất đại huyệt mạch, đế vương quý địa (Huyệt mạch thăng khí từ long mạch lớn nhất, đất quý phát đế vương).

Giao Châu hữu chi địa, thăng long thành tối hùng (Giao Châu có một ngôi đất như thế, khí thăng từ long mạch hùng mạnh nhất)

Tam hồng dẫn hậu mạch (Ba sông lớn dẫn hậu mạch đó là sông Thao, sông Lô, sông Ðà)

Song ngư trĩ tiền phương (Hai con cá dẫn phía trước-hẳn là hai doi đất nổi trên sông Hồng)

Tản Lĩnh trấn Kiền vị (Núi Tản Lĩnh, tức Ba Vì, trấn tại phương Càn - tây bắc)

Ðảo Sơn đương Cấn cung (Núi Tam Ðảo giữ phương Cấn - đông bắc)

Thiên phong hồi Bạch Hổ (Nghìn ngọn núi quay về Bạch Hổ)

Vạn thủy nhiễu Thanh Long (Muôn dòng nước từ ba con sông Thao, Lô, Gâm hội nhau ở Bạch Hạc rồi chảy về bao quanh Thanh Long)

Ngoại thế cực trường viễn (Thế bên ngoài cực rộng dài)

Nội thế tối sung dong (Thế bên trong rất mạnh, đầy)

Tô Giang chiếu hậu hữu (Sông Tô Lịch dẫn mạch từ phía sau, bên phải)

Nùng Sơn cư chính cung (núi Nùng đóng chính cung)

Chúng sơn giai củng hướng (Mọi núi non đều hướng đến)

Vạn thủy tận triều tông (Nơi tận cùng tụ hợp mọi dòng nước từ thượng nguồn dẫn khí mạch về)

Vị cư cửu trùng nội (Là nơi ở của đế vương)

Ức niên bảo tộ long (Bền vững tới chục vạn năm)"

Quả là thế vượng địa trường cửu, xứng đáng là "Nơi thượng đô của kinh sư muôn đời" vậy.

Ðại La - Thăng Long vậy là nằm bên "đại can long" Nhĩ Hà - sông Hồng, khởi từ nguồn xa xứ bắc, vòng vèo uốn khúc để khi bao bọc Ðại La ở mạn bắc, mạn đông thì đã thải bớt (chứ chưa hết) khí hung, rồi xuôi nam chảy về biển cả. Ðại can long Nhĩ Hà tỏa các "chi long" (cành), "cước long" (nhánh) như Tô Lịch, Kim Ngưu (mà từ thời người Pháp lập phố xá đến giờ nhiều đoạn đã bị lấp mất tăm), cùng nhiều lạch nước nối thông chằng chịt thời ấy tạo nên thế phong thủy tuyệt vời. Thế đất này là "dương lai" (khí dương phủ xuống), "âm phụ" (khí âm ngẩng lên đón), và "nhược" (mềm), khí ngưng kết bên trên, tiêu tán bên dưới. Thế nên địa huyệt "kết" (tụ khí) ở nơi cao nhất - núi Nùng (nay vẫn đang được dò tìm, có thể suy đoán ở vị trí chính tâm Hoàng Thành chăng?).

Với vượng khí Thăng Long, nhà Lý làm chủ xã tắc 216 năm, trải 9 triều (vị) vua; nhà Trần 175 năm, với 12 triều (vị) vua; nhà Lê được 11 triều (vị) vua (1428-1527) thì bị gián đoạn bởi nhà Mạc (1527-1592), nếu cộng cả thời Lê trung hưng, sau đó là Lê mạt (chỉ có hư vị, thực quyền trong tay các chúa Trịnh) thì được 356 năm, 26 triều (vị) vua.

Ðầu thời Nguyễn, tên đất Thăng Long chưa đổi hẳn, nhưng chữ "Long" nghĩa là "Rồng" thay bằng chữ "Long" nghĩa là "thịnh", và những gì còn sót lại của Hoàng Thành sau thời quân nước ngoài phá phách cùng cơn binh lửa Hoàng Ðế Quang Trung đuổi chúng về nước, lần lượt bị các đời vua nhà Nguyễn chuyển hầu hết vào Phú Xuân để xây cất tân đô Huế. Năm 1805, Gia Long cho phá bỏ tường của Hoàng Thành cũ, xây thành mới gọi là Trấn Bắc thành, quy mô nhỏ hơn nhiều và theo kiểu vô-băng (vauban) của Pháp. Các nhà sử học đối chiếu thành Nguyễn với Hoàng Thành ngày trước, thấy rằng, thế phong thủy của thành Nguyễn đã biến dịch khi trục chính đạo của nó lệch đi 3 độ về hướng tây bắc so với Hoàng Thành.

Phong thủy học cũng lưu ý rằng, thế đất đế đô bao giờ cũng kén bậc quân vương có Ðức Sáng, "trên theo lẽ trời" (tức là am hiểu, để biến cải thích ứng chính sách trị quốc, cả luật biến thiên của trời đất lẫn lẽ thịnh suy của thời cuộc), "dưới thuận lòng người" (tức là yêu nước, thương dân, biết giữ gìn bờ cõi, chăm sóc sức dân nên được dân theo). Diễn đạt rõ hơn, thì có thể nói trong lẽ thịnh suy xoay vần muôn thuở, phong thủy gồm cả ba ngôi tam tài "Thiên-Ðịa-Nhân" trong tương tác, biến thiên theo quy luật ("lẽ trời") nằm ngoài ý muốn con người. Có "Thiên thời"- thời vận, thời cơ; có "Ðịa lợi"-lợi thế địa lý, sông núi, tài nguyên; nhưng phải có nhiều "Nhân kiệt" hết lòng vì dân vì nước mà chèo lái cơ đồ, và "Nhân hòa"- thuận lòng dân cả nước, thì nghiệp lớn mới thành, cơ đồ mới vững, hưng vượng mới bền lâu.

Lại nữa, các triều đại xưa dù thời thịnh hay thời suy đều kiêng kị không dám phạm vào phong thủy, không dám làm hư tổn long mạch Thăng Long, tránh làm phương hại hay biến dị núi non, làm úng ngập phố xá, hay làm ô uế, nghẽn tắc các dòng sông lạch muôn đời chuyển vận khí từ thượng nguồn về làm vượng khí đất này. Thắng địa Thăng Long - Hà Nội, với linh khí và tinh khí của núi sông và từ lịch sử oai hùng nghìn năm tàng ẩn, biết gìn giữ và bồi đắp, thì có thể muôn đời hưng vượng.