Những vấn đề cơ bản của tướng học

Tướng tự tâm sinh,
Tướng tùy tâm diệt...

Đây là câu cách ngôn căn bản của người xem tướng, vì nó gói ghém đầy đủ tinh thần, nền tảng, và giá trị đạo đức của nhân tướng học.

Một trong những nền tảng của nhân tướng học là: cái gì bên trong tất lộ ra bên ngoài. Đây chính là mối quan hệ mật thiết giữa nội tâm và ngoại tướng. Thuật xem tướng chính là nghiên cứu những biểu hiện bên ngoài như mặt mũi, tay chân, thần khí, khí phách,.... để hiểu về nội tâm bên trong, từ đó luận đoán về sự thành bại của con người.


Cũng chính mối quan hệ giữa tâm thức (cái bên trong) và ngoại tướng, tinh thần của tướng học phải căn cứ trên tâm thức của con người. Khi cho rằng ngoại tướng và tâm thức có mối quan hệ mật thiết với nhau nghĩa là chấp nhận một nguyên tắc là tướng không bao giờ cố định mà thay đổi biến chuyển khi tâm thay đổi. Khi xem tướng mà không dựa vào cái biến dịch của tâm là chưa thấy được bề sâu, nên không tránh được sự phiến diện, sai lầm.

Mệnh đề này cũng thể hiện giá trị đạo đức của khoa nhân tướng học. Chính sự thay đổi của tâm hàm chứa một sự cái thiện cái tâm. Khi tâm thay đổi, số mệnh của con người sẽ thay đổi. Điều này chứng tỏ rằng, số mệnh của con người không phải được quy định tiền định mà có thể cải thiện một mức nào đó. Đây cũng là sự cảnh báo cho những ai tạo nghiệp ác, mà khuyến khích những người làm nghiệp thiện. Sự cải thiện của tâm con người là động lực tiến hoá của xã hội loài người. Con người không sống một cách thụ động theo bản năng mà là một thực thể có tránh nhiệm và chịu trách nhiệm với những hành động của mình khi họ được hướng dẫn bởi cái tâm. Bằng cái tâm, con người có thể bồi bổ những yếu tố di truyền từ bố mẹ và từ môi trường.

Chính vì thế, xem tướng mà không thấy được lý biến dịch của tâm thì chưa đạt đến sự cứu cánh, chưa đến đích
Đặt cho nhân tướng học một giá trị đạo đức là xem tướng học như một bộ môn phục vụ nhân sinh. Tướng người chỉ có thể hướng dẫn con người chứ không phải chỉ chụp ảnh con người. Tướng học chỉ bổ ích cho người học khi họ biết sử dụng kiến thức của mình vào việc phát triển nhân sinh. Việc học tướng pháp sẽ thiếu sót nếu không ứng dụng được tướng học vào cuộc sống. Để hiểu rõ hơn, ta có thể định nghĩa dụng tướng là phát huy giá trị của khoa tướng học về hai mặt: đạo đức và ứng dụng để hoàn thiện cá nhân.

Chiều hướng ứng dụng của nhân tướng học trước hết đặt cho người xem tướng nhiều nghĩa vụ cao quý có thể xem là một thiên chức đối với họ. Xem tướng là phải biết khuyến khích nhân đức. Người xem tướng không nên và không bao giờ cả quyết rằng tướng cách xấu thì hậu quả sẽ xấu. Tính cách động của tướng, tâm năng sinh tướng hàm ý nói rằng: tu tâm sẽ cải thiện được tướng và từ đó có thể thay đổi vận mạng. Người xem tướng phải cận trọng trong lúc phát ngôn, đồng thời phải có thiện ý thanh nhân chi mỹ, cải nhân chi ác cho thân chủ. Khẳng định một cách cố chấp chẳng những đi sai tinh thần của khoa nhân tướng mà đôi khi còn gieo hoạ cho cả đời người. Người có tướng tốt sẽ ỷ lại rồi sinh ra kiêu ngạo mà không phát huy được thiện tâm. Rồi kẻ có tướng cách xấu đâm ra tuyệt vọng, phó mặc cho số phận, không màng phấn đấu và cải thiện nghịch cảnh bằng ý chí cá nhân.

Đối với người xem tướng, tư tưởng khuyến thiện của châm ngôn: tướng tuỳ tâm sinh, tướng tùy tâm diệt, càng có tác dụng mạnh mẽ hơn nữa. Họ phải biết sử dụng tướng học để luyện đức. Họ phải hiểu rằng, tướng cách tiên khởi xấu không nhất thiết phải dẫn tới hậu quả xấu một cách đương nhiên trong tương lai. Trái lại, đó chỉ là những dấu hiệu báo trước, có thể trách được ít nhiều nếu họ quyết tâm cải sửa. Tu tâm dưỡng tánh giúp cho mình thiện tâm, đó là sự đảm bảo tốt nhất giúp cho tướng cách tốt được phát huy và tướng xấu được giảm thiểu hay mất hẳn. Tư tưởng khuyến thiện đó được thể hiện không những trong đạo học mà còn bao trùm hết các tư tưởng triết lý phương Đông.
Khác với một số bộ môn khoa học nhân văn nghiên cứu con người một cách riêng lẻ như tâm lý học, hành vi học, hay phân tâm học, nhân tướng học nghiên cứu con người một cách toàn diện. Nhân tướng học không chỉ phân tích một con người ở khía cạnh giàu nghèo, sang hèn, thọ yểu,... mà còn đi xa hơn nữa, đó là phân tích những yếu tố liên quan đến đời người: vợ, con, cha, mẹ, anh chị em,... Khoa tướng học không chỉ dừng lại ở việc luận giải các vấn đề nhân sinh ở trong hiện tại, mà còn luận đoán cả trong quá khứ và tương lai.

Về mặt quan niệm, khoa nhân tướng học được đa số người cho là khoa học nhân bản, hoàn toàn không có yếu tố thần bí. Khoa này dựa trên nền tảng: cái gì có ở bên trong, ắt phải lộ ra bên ngoài. Đồng thời, nhân tướng học dựa trên những đặc điểm của chính con người, và nghiên cứu tính tương quan giữa các yếu tố nhân sinh: hình tướng, tương quan thọ yểu, sang hèn,...

Về mặt phương pháp: Đa số người cho rằng, nhân tướng học là phương pháp quan sát trực tiếp con người. Dựa vào những đặc tính, những hiện tượng cụ thể của từng con người chứ không dựa vào những yếu tố huyền bí. Từ những hiện tượng về khuôn mặt, hình dáng, giọng nói,... người ta rút ra những tính cách của từng cá nhân.

Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là làm thế nào, và bằng cách nào để suy diễn từ những đặc trưng cụ thể của con người liên quan đến tính cách của họ. Chẳng hạn, tại sao người ta nói mắt sáng thì thông minh, trán đẹp thì đường công danh tốt,... Đây là một vấn đề phức tạp. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, khoa nhân tướng là kết quả của một quá trình thống kê, quy nạp, diễn dịch lâu dài của lịch sử. Bằng cách quan sát từng đặc trưng cụ thể của con người qua một thời gian dài, người ta rút ra những kết luận về nhân tướng học.

Đến đây, một kết luận có thể rút ra là nhân tướng học phải tiếp tục được hoàn thiện và đổi mới. Cũng như các khoa học về nhân sinh, khi môi trường cuộc sống thay đổi, khi hoàn cảnh thay đổi, khi xã hội thay đổi, nhân tướng học cũng phải được hoàn thiện tương ứng với xã hội đó.

Rõ ràng, khoa nhân tướng học không chỉ xét đến phần tĩnh, mà còn đến những phần động của con người. Qua thời gian, một số nét tướng sẽ thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh nhân sinh. Đây là phần căn bản khi nghiên cứu về tướng pháp
Như vậy, nhìn chung thì khoa nhân tướng học được chia thành hai phần: phần tĩnh và phần động. Phần tĩnh có thể được gọi bằng những cái tên khác nhau: hình tướng, nét tướng và loại tướng,... Phần này nghiên cứu con người ở dạng tĩnh. Đó là lĩnh vực nghiên cứu con người thông qua các bộ vị thân thể, như đầu, mặt, chân, tay, thân thể,... để suy ra các tính cách của con người. Chẳng hạn, khi xem tướng, người ta nói rằng, lưỡng quyền cao đối với con trai: có uy quyền, mũi của phụ nữ đẹp: chồng tốt,...

Phần này không chỉ dừng lại đó mà còn xem xét các hình tướng. Chẳng hạn, người ta chia hình tướng mường tượng theo tướng cầm thú: tướng khỉ, tướng hạc, tướng rồng,... và người ta có thể ứng dụng Ngũ hành để chia ra các loại tướng: Tướng mộc, tướng thuỷ, tướng hoả, tướng kim.

Phần thứ hai của tướng học là phần động, hay còn gọi là lý tướng và pháp tướng. Phần này nghiên cứu những phần động của con người như thần khi, âm thanh, khí sắc, khí phách, ... để suy đoán tính cách con người. Đây chính là phần quan
Như tên của topic này, tôi chỉ giới thiệu những vấn đề cơ bản của tướng pháp. Những vấn đề tranh luận có tính chuyên sâu nên trích ra ở một mục khác. Vì làm như thế sẽ dễ dàng hơn cho những người mới học.

Tiếp theo, tôi xin trình bày một số vấn đề cơ bản của tướng học dưới 3 phần chính: Tướng tĩnh (nét tướng và loại tướng), tướng động (lý tướng và pháp tướng) và một số ý kiến cơ bản trong việc xem tướng.

Tài liệu tôi sử dụng chủ yếu là cuốn Nhân tướng học của Hy Trương, Sài gòn 1973. Một số chổ, tôi sử dụng thêm một phần của sách Tướng mệnh khảo luận của Vũ Tài Lục. Đây là 2 cuốn sách căn bản, khá dễ đọc.

Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều sách và tài liệu khác: Chẳng hạn như Tướng pháp áo bí, Ma Y thần tướng, Người đàn ông trong tướng mệnh học, người đàn bà trong tướng mệnh học,...

Phần thứ nhất: Phần tướng tĩnh hay nét tướng và loại tướng, tôi xin giới thiệu sơ lược về nét tướng: tướng mặt, các bộ vị trên khuôn mặt như mắt, mũi, lông mày, miệng,... và loại tướng (chủ yếu là Ngũ hành hình tướng).

Phần thứ 2: Phần tướng động: Tôi sẽ giới thiệu sơ lược về thần khí, khí phách và khí sắc, và nguyên tắc phối hợp.

Phần luận bàn: Phần này tôi giới thiệu sơ lược về một số nguyên tắc căn bản trong việc xem tướng.
"
Phần tướng tĩnh:

Phần giới thiệu về nét tướng
I. Tướng khuôn mặt

Khuôn mặt được xem là vị trí trung tâm trong việc nghiên cứu, học và xem tướng. Chính vì sự quan trọng của nó, mà rất nhiều người khi nói đến xem tướng, thì chủ yếu xem tướng mặt. Tất nhiên, điều này không đầy đủ nên thiếu phần chính xác.

Khi nhìn vào một khuôn mặt, người ta trước hết xem xét toàn diện nó từ tóc cho đến cằm. Đặc biệt trong đó, người ta chú ý vào Tam đình, Ngũ nhạc, Lục Phủ, Tứ đậu, Ngũ Quan (sẽ được giải thích sau) và những bộ vị (cung). Xem Tam đình, Ngũ nhạc, Lục phủ giúp cho ta biết khái quát về khuôn mặt, để từ đó đưa ra những ý niệm ban đầu về đối tượng xem tướng.

Nếu muốn biết chi tiết (chỉ nói về phần tướng tĩnh), chúng ta cần nghiên cứu thêm Tứ đậu, Ngũ quan và 13 bộ vị quan trọng trên khuôn mặt. Mỗi bộ phận cho ta biết một số tính cách về nhân vật.

Đó là ý niệm về nét tướng trên khuôn mặt. Bây giờ chúng ta sẽ đi vào cụ thể từng bộ phận.
I.1. Tam Đình:

a. Vị trí của Tam Đình:

Tướng học Á Đông chia khuôn mặt thành 3 phần:

Thượng Đình: Từ dưới chân tóc đến ấn đường (giữa hai đuôi lông mày). Bộ vị quan trọng của phần này là trán.

Trung Đình: Từ ấn đường (giữa hai đuôi lông mày) đến dưới 2 cánh mũi. Những bộ vị quan trọng của phần này là Mắt, mũi, lưỡng quyền, lông mày và tai.

Hạ đình: Từ dưới hai cánh mũi đến cằm. Những bộ vị quan trọng của phần này là Nhân trung, miệng, và cằm. (ngoài ra còn có thể kể thêm là pháp lệnh và mang tai).

Vì khuôn mặt được phân chia thành Thượng, trung, hạ đình nên ba phần này gọi chung là Tam đình.

b. Ý nghĩa của Tam Đình:

b.1. Thượng đình: thể hiện cho giai đoạn đầu của cuộc đời, khoảng dưới 20 tuổi. Thượng đình con biểu hiện khả năng về trí lực của con người. Một số nhà tướng học còn áp dụng thuyết tam tài vào tướng học. Khi đó Thượng đình được tượng trưng cho thiên (Tam tài: Thiên - Địa - Nhân). Và khi đó những người này luận giải tính cách con người dựa vào ý niệm của thiên: Trời phải cao, sáng, tươi,... thì mới tốt.

Nói tóm lại, Thượng đình (đặc biệt là Trán) cần phải cao, sáng, tươi (sẽ xem xét ở phần tướng động), vuông vắn, nảy nở thì quý hiễn. Ngược lại, thượng đình xấu (nhỏ, tối, nhọn, hẹp, lồi lõm không cân xứng,...) thì hạ cách, khắc cha mẹ, bị tai nạn, hay cuộc đời khổ cực,...

b.2. Trung đình: Trung đình thể hiện giai đoạn trung niên (từ khoảng 20 đến khoảng 40 tuổi). Trung đình còn biểu hiện khí lực của con người, và đây là phần tượng trưng cho người của những nhà tướng học áp dụng thuyết tam tài. Phần Trung đình là phần rất quan trọng, chúng ta sẽ xét sau. Nhưng nhìn chung, trung đình cần phải ngay ngắn sáng sủa, tươi nhuận thì công danh, tiền tài,... mới tốt.

b.3. Hạ đình: Hạ đình biểu hiện hậu vận của đời người. Phần này cũng thể hiện hoạt lực (hoạt động) của con người, và cũng là phần địa trong thuyết tam tài.

Nhìn chung, hạ đình cần phải ngay ngắn, vuông vắn, sáng sủa thì hậu vận mới tốt. Còn nếu hạ đình cong, nhọn, tối,... thì là dấu hiệu báo trước một hậu vận khó khăn.

Một số nhà tướng học (Tô Lãng Thiên) còn cho rằng thượng đình chính là phần tiên thiên, nghĩa là phần được "trời phú", Trung đình là phần hậu thiên, thể hiện sự hoạt động của con người, và phần hạ đìnhcho ta biết về kết quả hoạt động của con người.
(Phần này được đề cập khá kỹ trong một số cuốn sách về tướng học, chẳng hạn như Nhân tướng học của Hy Trương, các bạn có thể tham khảo thêm).

Tóm lại, Tam đình cần phải ngay ngắn, sáng sủa, cân đối và tươi nhuận,.. thì mới tốt. Ngược lại, nếu tam đình cong, không cân xứng, không sáng,... thì sẽ báo trước một dấu hiệu khốn khổ của con người.

Để biết được chính xác, chúng ta cần phải nghiên cứu tiếp những bộ vị quan trọng khác của tướng học.

(còn tiếp)
I.2. Ngũ Nhạc

1. Nguồn gốc tên gọi

Khi nói đến Ngũ nhạc người ta thường liên hệ với địa lý học. Thực vậy, Ngũ Nhạc chính là tên của 5 ngọn núi trong những sách địa lý của Trung Hoa. Chính vì con người sống giữa thiên nhiên, nên những nhà khoa học cổ thường tự nhiên hoá qua hình thể con người. Hoàng Sơn, Hằng Sơn, Thái Sơn, Hoa Sơn, Tung Sơn là 5 ngọn núi nổi tiếng của Trung Hoa, được địa lý hoá thành các bộ vị trên khuôn mặt con người.

(mở ngoặc ở đây: bạn đọc nào mới học về tướng pháp thì cũng có thể biết tên của những dãy núi này trong sách của Trung hoa, đặc biệt là các bộ truyện Kiếm hiệp).

Trong phần luận về Ngũ nhạc, các nhà tướng học cổ còn ứng dụng thuyết Âm Dương Ngũ Hành trong việc luận đoán.

2. Vị trí của Ngũ nhạc

Ngũ nhạc bao gồm: Trán, mũi, 2 Lưỡng quyền, và cằm.

Trán: tượng trưng cho dãy núi phía Nam (Hoàng Sơn), nên cũng có tên gọi là Nam nhạc.

Cằm: tượng trưng cho dãy núi phía Bắc (Hằng Sơn) nên có tên gọi là Bắc Nhạc.

Mũi: tượng trưng cho dãy núi ở giữa (Tung Sơn) nên có tên là Trung Nhạc.

Lưỡng quyền trái: tượng trưng cho dãy núi phía Đông (Thái Sơn) nên cũng có tên gọi là Đông Nhạc.

Lưỡng quyền phải: tượng trưng cho dãy núi phía Tây (Hoa Sơn) nên cũng có tên gọi là Tây nhạc.

3. Điều kiện để Ngũ nhạc được gọi là tốt

Vì bị ảnh hưởng của Khoa Địa lý, Ngũ nhạc được xem là tốt khi chúng triều củng hay triều quy với nhau. Nghĩa là các dãy núi này phải tạo thành một sự liên hoàn để tụ về một điểm quan trọng nhất (điểm này có thể là điểm tưởng tượng cách xa trên khuôn mặt). Theo khoa Địa lý, khi các dãy núi này liên hoàn, triều quy với nhau thì Long mạch trở nên có thế. Cũng tương tự như vậy, khi 5 bộ phận này liên hoàn và triều quy với nhau thì con người có được ưu thế về tướng học.

Chú ý: bài học trước chúng ta đã biết là mũi có thể gọi là phần nhân của mô hình tam tài (mũi là bộ phận quan trong bậc nhất trong trung đình). Chính vì thế, ở đây, mũi cũng có thể được coi là long mạch chính của hệ thống 5 bộ phận này (5 dãy núi).

Nếu 5 nhạc tốt, người ta gọi là ngũ nhạc đắc cách.

4. Điều kiện xấu của ngũ nhạc:

Quần sơn vô chủ: Khi các dãy núi không được triều cũng với dãy núi trung ương, nghĩa là Trung nhạc quá nhỏ, thấp,... không tương ứng với 4 dãy núi còn lại.

Cô phong vô biên: Khi dãy núi ở giữa quá cao, quá lớn không tương ứng với các dãy núi còn lại. Nói cách khác các dãy núi khác quá thấp, nhỏ không tương ứng với Trung nhạc.

Hữu viện bất tiếp: Nghĩa là các dãy núi này ban đầu thì có vẻ như hỗ trợ cho nhau nhưng khi nhìn kỹ lại thì không. Nghĩa là có một vài dãy núi bị khuyến hãm làm cho tính tương ứng, hỗ trợ bị đổ vỡ.

Phần này khó nhận biết hơn các phần trên.

5. Điều kiện khuyết hãm của từng nhạc:

Phần trên, chúng ta đã nói điều kiện khuyết hãm (xấu) của hệ thống ngũ nhạc. Bây giờ chúng ta tập trung vào mỗi nhạc.

Nam nhạc (Trán): Trán bị coi là khuyết hãm khi mi tóc mọc quá thấp, tóc lỡm chỡm làm cho trán thấp, trán có văn bò lung tung như rắn bò, trán có vằn bất thường, trán có sát khí (sát khi có thể thấy rõ hơn ở ấn đường),...

Trung nhạc (Mũi): Mũi bị xem là khuyết hãm khi mũi bị gãy, cong, cao trơ xương, bị lệch, lỗ mũi lộ hướng lên,...

Đông và tây nhạc (Quyền trái và phải): Quyền bị xem là khuyết hãm khi bị lộ, trơ xương, bị lõm, quá thấp, quá cao, có tàn nhang,...

Bắc nhạc (Cằm): Cằm bị coi là khuyết hãm khi xương quai hàm hẹp, cằm quá dài, cằm mỏng, cằm phía dưới đưa cao hơn,...

6. Ứng dụng thuyết Âm Dương ngũ hành (hay yếu tố bù trừ)

Phần này giới thiệu sơ lược về ứng dụng thuyết ngũ hành vào ngũ nhạc. Như ta đã biết, Ngũ hành gồm 5 yếu tố: Thổ - Kim - Thủy - Mộc - Hoả. 5 yếu tố này tương tác với nhau theo luật sinh khắc: Thổ sinh Kim, Kim sinh Thuỷ, Thuỷ sinh Mộc, Mộc sinh Hoả, Hoả sinh Thổ. Quá trình tương sinh theo đó mà phát triển. Quá trình tương khắc: Thổ khắc Thuỷ, Thuỷ khắc Hoả, Hoả khắc Kim, Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ. Chính vì tương sinh tương khắc nên vạn vật mới bình hoà phát triển.

Theo phương vị, Thủy ở phương Bắc, Hoả ở phương Nam, Kim ở phương Tây, Mộc ở phương Đông, Thổ ở trung ương.

Phương Nam hoả vượng, nên người phương Nam lấy Trán (Nam nhạc) làm bộ phận trọng yếu. Tất nhiên cho dù ở phương nào đi nữa thì vẫn xét tính tương trợ của cả 5 bộ phận (ngũ nhạc), và Mũi hay Trung nhạc bao giờ cũng đóng vị trí trung tâm.

Phương Bắc Thuỷ vượng nên người phương Bắc lấy Cằm (Bắc nhạc) làm bộ phận quan trọng.

Ý này có nghĩa là người phương Nam, nếu trán tốt mà các bộ vị khác xấu một chút, hay người phương Bắc cằm xấu tốt mà các nhạc khác xấu một chút thì cũng có thể bù trừ một chút.

(Nguyên tắc tương sinh tương khắc trong thuyết Ngũ hành ứng dụng vào ngũ nhạc hơi khó nên không đề cập ở đây).

Tóm lại: 5 bộ vị này tốt khi chúng phối hợp với nhau cân đối, hài hoà, và triều cũng với nhau.

7. Ý nghĩa của ngũ nhạc:

Ý nghĩa của từng nhạc sẽ được giới thiệu trong các phần sau.
I.3. LỤC PHỦ

1. Tên gọi:

Phủ ở đây có nghĩa là cái kho chứa đựng tài vật. Lục Phủ nghĩa là 6 cái kho chứa.

2. Vị trí:

Xem hình dưới ta thấy Lục Phủ chỉ 3 cặp xương hai bên mặt, chạy dài từ trán xuống đến mang tai. 3 cặp xương này chia thành 3 bộ phận.

Phần phía trên, từ dưới chân tóc chạy đến đuôi lông mày (phần 1 trên hình) nằm ở phía trên nên có tên gọi là thiên thương thượng phủ.

Phần ở giữa (số 2 trên hình) bao gồm cặp lưỡng quyền đến tai, gọi là Quyền cốt trung phủ.

Phần dưới (phần 3 trên hình) là phần 2 bên mang tai, gọi là tai cốt hạ phủ.





3. Ý nghĩa và phương pháp quan sát:

Vì phủ ở đây có nghĩa là cái kho chứa tài vật nên Lục phủ cho ta biết khái quát về tài vận.

Lục phủ lấy cốt (xương) làm gốc: xương nẫy nở cân đối, đúng cách là tốt, ngược lại nếu xương khuyết hãm, hay lệch là xấu. Tất nhiên, khi quan sát cần xem cả phần thịt bổ trợ nữa. Xương cần có thịt bổ trợ mới đầy đặn, sung mãn.

4. Thời vận
Phần trên (Thiên thương thượng phủ): chỉ thời gian lúc còn niên thiếu, có thể nhờ gia đình mà thụ hưởng. Những người có bộ phận này sung mãn nghĩa là được cha mẹ, gia đình chu cấp dồi dào.

Phần giữa (Quyền cốt trung phủ): Chỉ thời gian trung niên, phần lớn là do mình tạo ra.

Phần dưới (tai cốt hạ phủ): chỉ về tiền tài lúc hậu vận
.3. TỨ ĐẬU VÀ NGŨ QUAN

A. TỨ ĐẬU:

1. Nguồn gốc:

Đậu trong khoa tướng học (ở đây nói về xuất xứ tại Trung Hoa) có nghĩa là cái rãnh, cái mương nước. Cũng giống như Lục Phủ, Tứ đậu được tướng học hoá từ các hiện tượng thiên nhiên.

2. Vị trí:

Tứ đậu bao gồm: Mắt, Mũi, Miệng và Tai.

Mắt có tên là Hoài đậu,

Mũi có tên là Tế đậu,

Miệng có tên là Hà đậu,

và Tai có tên là Giang đậu.

Đây cũng chính là 4 con sông của Trung hoa.

(Bạn đọc không cần nhớ tên các con sông Trung hoa, ở đây chỉ nhắc lại nếu bạn nào đọc sách thì dễ nhận biết mà thôi).

3. Ý nghĩa tổng quan:

Tất nhiên khi xem bốn bộ phận trên như các dòng sông thì phải liên tưởng đến biển, vì sông thì phải đổ ra biển. Và ở đây, bộ óc con người được xem như biển. Bộ óc con người tiếp thu các cảm nhận từ tai mắt mũi miệng.

Cũng giống như ngũ nhạc, lục phủ, khi luận đoán về Tứ đậu, người ta lại hình tượng hoá thiên nhiên vào tính cách con người.

Muốn sông chảy ra biển tốt thì mặt sông phải rộng, sông phải sâu, không bị vật cản,...

Như vậy, mỗi đậu phải có những đặc trưng riêng và phải phối hợp hài hoà. Phần luận về các bộ phận xin được đề cập vào các mục riêng.

Cũng cần phải nói thêm về nhân trung. Khi luận về tứ đậu, phải nên bao gồm cả nhân trung.

B. NGŨ QUAN

1. Vị trí

Ngũ quan gồm 5 bộ phận trên khuôn mặt: Hai lông mày, hai mắt, hai tai, mũi, và miệng.

Hai lông mày gọi là Bảo thọ quan,

Cặp mắt gọi là Giám sát quan,

Hai tai gọi là Thám thính quan,

Mũi gọi là Thẩm biện quan,

Miệng gọi là Xuất nạp quan.

Trong tướng học, ngũ quan rất quan trọng. Các sách viết về tướng pháp đều tập trung rất nhiều vào ngũ quan.

2. Ý nghĩa tổng quan

Trong tướng học, khi bàn về ngũ quan, người ta tóm tắt trong một câu sau: Ngũ quan cần phải Minh lương và Đoan chính. Minh lương nói về phẩm chất còn Đoan chính nói về hình dạng.

Minh lương có nghĩa:

Thanh khiết,
Sáng sủa,
Có thần khí,
Trang nhã,

Còn Đoan chính nghĩa là:
Ngay ngắn,
Rỏ ràng,
Cân xứng và lớn nhỏ tuỳ nghi.
Các bài viết khác
  Xem tướng mặt (18/06/2011)