Hoằng Dương Phật Pháp để cứu vãn thời cuộc

http://phatgiao.vn/images/news/rice3.jpg

Đọc đoạn đầu bài luận-thuyết của Giả Nghị trong Hán thư, tôi thấy có đoạn nói về “Cách Trị An” mà suốt đời ông theo đuổi. Ông Giả Nghị có than thở như sau:

“Tôi trộm nghĩ đến sự đời thì thật là đau đớn! Tôi thấy đáng khóc một phần, đáng rưng rưng nước mắt hai phần, và đáng thở dài chán ngán đến sáu phần. Người đời toàn làm những điều trái lẽ, tổn thương đến Đạo-lý, không kể sao cho xiết”.

Ông Giả Nghị sinh về thời Tây-Hán, đời Hán-Văn-Đế, đường lối chính trị thưở ấy thực là đôn phác, thung dung và thư thới. Vấn đề trị vì trong hai mươi ba năm, năm giống lúa được mùa, dân gian phú túc, người mắc trọng tội tử hình không quá số trăm. Tiếp đến đời Văn Cảnh mà người ta cho là đời Đạo. Sống vào những đời Trị, có Đạo như thế mà ông Giả Nghị trông thấy cảnh đời còn cảm thương đến rưng rưng hai hàng lệ và thở dài. Nếu Giả Nghị sống ở thời nay, mục kích những cảnh tượng bất lương thì chắc rằng Ông sẽ phải đau lòng đến trào máu, chứ không chỉ có nước mắt và thở dài mà thôi đâu.

Xã hội ngày nay nói chung ra sao?

Cứ nhìn vào Báo chí là chúng ta đã đủ thấy vì Báo chí là tấm gương phản ảnh thực trạng xã hội.

Báo chí ngày nay đã phản ảnh những gì?

Ngoài những tin tức Quốc gia đại sự, còn đầy trang là những tin tức về vụ giết người, đánh nhau, lừa đảo, cướp giật, côn đồ, đầu độc, rượu chè, cờ bạc, dâm loạn, rồi đến cuộc đời kỳ dị, quái lạ của các nữ tài tử “Chiếu bóng”.

Qua vô vàn những tội lỗi như đã kể trên, còn có những truyện thật là ngoài sức tưởng tượng: vợ chồng đầu gối tay ấp, trai gái yêu nhau thề non hẹn biển mà đến giết nhau; trẻ con dùng súng bắn mẹ cha, cha mẹ đâm giết con. Trộm cắp, cướp giật giết người lấy của; là những hành động trộm cướp trực tiếp. Còn những hành động trộm cướp gián tiếp như tham ô, biển thủ, lường gạt. Rồi đến những chuyện dâm loạn, như trai suốt ngày đi theo gái, gái thì trèo cây vượt tường trốn gia đình theo trai, bậc anh bậc thầy làm “ẩu” cả những con em vị thành niên, ông già sáu bảy mươi cưới cháu gái là thiếp. Ngoài ra còn vô số những chuyện tương tự đã xảy ra hàng ngày và một phần đã được đăng tải trên Báo chương. Mỗi lần dở báo ra đọc thấy những chuyện như thế mà xót thương cho cảnh đời nay, phải chăng là cái đời loạn nhất, đáng thương xót nhất!

Những thói bất lương ấy nếu không cấp kỳ cải thiện thì rồi đây chắc rằng kết quả tai hại không thể nào lường nổi.

Cải thiện ra sao, là một vấn đề trước mắt rất cần thiết.

Cải thiện thế nào để thấy được điều Nhân điều Nghĩa biểu hiện ở trong đời sống Gia đình – xã hội?

Có người chủ trương Pháp trị nghĩa là lấy sức mạnh để trị an, dùng những hình luật thật nghiêm khắc để trừng trị phạm nhân.

Có người chủ trương dùng Giáo dục để cải hóa nhân tâm, tìm ra những nguyên nhân sâu xa của những bệnh trạng Xã hội rồi tùy nghi mà đối chứng lập phương nếu cứ đau đâu chữa đấy thì bệnh khó mà lui được.

Căn bệnh xã hội do đâu? Tại sự quân phân tài sản ở thế gian này chưa được công bằng hợp lý chăng?

Chỉ đúng được một nửa thôi, bởi việc quân phân tài sản là việc của con người. Nếu những người có trách nhiệm đứng ra quân phân tài sản ấy vẫn có nhiều dục vọng thì chẳng bao giờ làm tròn được trách nhiệm của mình. Cội rễ vấn đề vẫn là con người với những dục vọng phóng túng hay là những con người thực sự là con người với cái tính bản nhiên sáng láng, từ bi và hỷ xả.

Nếu quả vậy thì tin rằng chỉ có Phật pháp mới là liều thuốc thần hiệu hơn cả để chữa bệnh tình trầm trọng của xã hội thời nay.

Nói thế, chắc có người phản đối và cho rằng ở thế kỷ thứ 20 này, thời đại của nguyên tử, vệ tinh và hỏa tiễn mà đề xướng ra việc Hoằng dương Phật pháp là mở đường cho mê tín hay sao?

Xin đáp rằng: Hoằng dương Phật pháp là làm sáng cái tính bản nhiên sáng láng của con người, trong đó đã đầy đủ cả những đức tính: thanh tịnh, từ bi, hỷ xả và vị tha… thì làm sao lại có thể cho rằng đưa người ta đến chỗ mê tín được.

Trước hết chúng ta hãy cùng nhau sắp xếp thành loạt các tội lỗi mà người đời thường mắc phải thì mới dễ bề tìm thấy uyên nguyên của tội lỗi trước khi tìm đến những biện pháp để sửa chữa.

Những tội lỗi mà người đời nay thường mắc phải, như trên đã nói, bất quá chỉ là đánh giết người, trộm cướp, lường gạt và dâm loạn, không ngoài bốn chữ “Sát, Đạo, Dâm, Vọng” mà Phật đã răn dạy.

“Sát, Đạo, Dâm, Vọng” là bốn hiện tượng mà nguyên nhân là do “Tham  - Sân - Si” mà ra.

Phật cũng đã dạy về Thập Thiện và Thập Ác, đó chẳng qua là có “Tham, Sân, Si” hay không “Tham, Sân, Si” mà thôi.

Về hành động, Phật dạy ba điều: đừng sát sanh, đừng trộm cướp, đừng tà dâm. Về lời nói, Phật dạy bốn điều: đừng nói lừa dối, đừng nói thêm bớt, đừng nói thô ác, đừng nói tráo trở. Tham, Sân, Si cùng với bảy điều răn dạy trên là Thập Ác. Ôi! Thời nay người làm Thập Ác thì nhiều mà người làm Thập Thiện thì ít. Đó cũng là vì cộng nghiệp của người đời mà phải gánh chịu những ác quả, khiến cho xã hội đã có ra những hạng người hung bạo, tham lam và dâm loạn.

Bây giờ ta hãy bàn tới những tội ác gây nên bởi ba ác niệm Tham, Sân, Si:

Tham là tính tham lam cố níu giữ lấy cảnh trần mà không biết chán. Hay nói theo nghĩa hẹp thì Tham đã đưa đến sự ham muốn của cải thế gian này mãi mãi chưa biết đến chừng nào mới cho là đủ, được một muốn mười. Có khi người tham dùng những phương pháp chính đáng, bỏ cả tâm hồn sức lực vào để chuốc lấy, mà tự mình không biết là mình tham lam. Lại có những người dùng mọi thủ đoạn không chính đáng để cố tìm kiếm hay bảo thủ của cải bằng cách phi lý. Nếu để cho lửa tham càng bốc cháy mãi lên, đến một độ cao là có thể đưa người ta đến chỗ trộm cướp.

Trộm cướp có trực tiếp và gián tiếp, có hữu hình và vô hình.

Trộm là lén lút lấy của người; cướp là dùng bạo lực lấy của người. Đó là trộm cướp trực tiếp. Những tham quan ô lại, ỷ vào chức vụ của mình để ăn của đút, là trộm cướp gián tiếp. Kinh doanh, làm ăn trái lẽ công bằng, mua thừa bán thiếu, là trộm cắp hữu hình; lợi dụng chức vụ để làm ăn, gián tiếp lấy uy quyền để thủ lợi, là trộm cướp vô hình. Tóm lại, dù trực tiếp hay gián tiếp, dù hữu hình hay vô hình để chiếm cho kỳ được của cải thì gọi là “Đạo”. Mà uyên nguyên của “Đạo” là do lòng tham dục đến cao độ làm cho mù quáng không còn biết liêm sỉ và đưa người ta đến chỗ trộm cướp. Đó là một trong những nhân tố gây nên tình trạng xã hội đảo điên.

SÂN là tính nóng nảy. Cầu mà chẳng được thì sinh ra oán đời, giận người. Lòng Sân phát triển đến cao độ có thể đưa đến tội đánh người, giết người, như ta thường thấy có đăng trên các Báo chương; nào trấn nước giết cả đàn con, nào chồng giết vợ, vợ giết chồng, có khi chỉ vì một lời nói không vừa ý là rút dao ra đâm v.v… và v.v… đều là do lòng “Sân” mà gây nên.

Si là chấp giả là chân, cho rằng hình hài mình là thực tại. Nhưng có biết đâu cái thân xác giả là do tứ đại giả hợp lại mà thành, do nhân duyên ở khí thế gian hòa hợp mà có; thế mà lại chấp cái thân xác giả hợp ấy là “Ta”. Do “Si” mà tâm hồn chạy theo vật dục, nghe điều Thiện thì chán, nghe điều ác thì vui, rồi làm những điều điên đảo. “Si” đã đưa đến tham dục, nảy ra dâm tính. Dâm tính phát triển đến cao độ, khiến cho tâm thần mê muội, đến nỗi con trai gặp gái điếm mà tưởng chừng đó là trinh lương thục nữ, con gái thì đi tự tình với những kẻ du đãng mà tưởng chừng đó là hiền nhân quân tử, có thể cùng nhau chỉ non thờ biển. Thanh niên thường nói với nhau với những rung cảm rất chân thành rằng: Anh thương yêu Em, Em thương anh mãi mãi chẳng bao giờ rời, thì thật là mê muội biết bao nhiêu! Thật ra ở thế gian này chẳng có cái gì là thường trụ, bất biến cả. Vũ trụ sinh diệt biến đổi không ngừng thì làm sao lại có cái vĩnh viễn được?

Nếu “Sát, Đạo, Dâm” là tóm thâu mọi bệnh trạng ở Xã hội ngày nay thì “Tham, Sân, Si” chính là cái nguyên nhân, động lực phát sinh ra vậy.

Đã tìm thấy nguyên nhân thì nên đối chứng liệu dược.

Dùng phương thuốc nào đây? Dùng hoằng dương Phật pháp để tịnh hóa lòng người chăng? Làm sao mà hoằng dương Phật pháp lại có thể tịnh hóa được lòng người?

Trước hết, thiết tưởng nên hiểu rõ chữ Phật nghĩa là gì đã.

Chữ Phật là tiếng Ấn Độ dịch âm ra, gọi cho dù âm là Phật Đà, có nghĩa là giác ngộ tới mức viên mãn, cùng tột. Mình đã giác ngộ thì phải giác ngộ cho người.

Phật dạy chúng ta giác ngộ thế nào?

-  Phật chỉ cho chúng ta nhận thấy chân tướng của vũ trụ và nhân sinh không bị những sự chướng phiền não làm cho ta khốn khổ; không bị lý chướng si mê mà chấp trược. Nói một cách khác, Phật chỉ cho ta phải làm thế nào để phát huy được nhân tính bản nhiên sáng láng.

Phật pháp nhìn vũ trụ và nhân sinh ra sao?

- Trong kinh Bát đại nhân giác nói: “Thế gian là vô thường, đất nước cũng nguy ngập; bốn đại là khổ không, năm ấm chẳng phải ta”.

Nói tóm lại, nhìn vào vũ trụ và nhân sinh chẳng qua chỉ thấy “khổ, không và vô thường”. Tám ngàn kinh Phật là chủ ý dạy cho người đời giác ngộ, cốt sao phá bỏ được hai thứ chấp: Ngã chấp và Phá chấp và làm thế nào nhận chân được chủ quan là Ta và khách quan là Vũ trụ thì tự nhiên tới chỗ an nhiên mà giác ngộ hoàn toàn, không còn bị những huyễn ảnh, những giả tướng ở thế gian này làm mê hoặc.

Đề cập đến vũ trụ và nhân sinh là một vấn đề hết sức rộng rãi lớn lao; vài ba câu nói làm sao mà diễn tả cho rõ ràng được.

Giờ đây hãy xin trở lại bàn sơ lược đến vấn đề Nhân tâm là Tham, Sân, Si.

Tâm có niệm thì gọi là vọng tâm, bao gồm tất cả những thứ cảm giác, thành kiến, suy tưởng, nhận thức…Tất cả những cái đó chỉ là sinh giả, diệt giả, trọn ngày tùy duyên mà sinh mà diệt. Tham, Sân, Si cùng với những ác niệm đều do vọng tâm mà sinh ra.

Cái vọng tâm ấy chẳng phải là cái tâm mà chúng ta nên theo đuổi.

Cái Tâm mà chúng ta theo đuổi phải là “Chân như tâm”, còn gọi là tự tính, thường trụ, Phật tính, diệu chân như tín, Chân như, Thật tướng.

Danh từ tuy nhiều, nhưng tựu trung là đề chỉ một cái tâm Tự tính mà thôi.

Chân tâm và vọng tính bản lại chẳng phải hai. Bất quá chỉ là hai trạng thái Chân hay Vọng, Động hay Tĩnh, Tối hay Sáng, nào có cái gì để làm ranh giới cho Chân tâm và Vọng tính đâu.
 
Tự tính ví như nước, Vọng tâm ví như sóng. Nước với sóng vốn là một. Nước là Tĩnh tướng mà sóng là Động tướng. Nước lặng thì soi rõ bóng trăng. Sóng nổi lên thì bóng trăng mờ tối mà soi hình sai đi.

Trọn ngày Vọng tâm huyền sinh huyền diệt, làm cho Tự tính mê mờ mà gây nên Nghiệp, bất cứ một ý niệm, một hành vi nào cũng đều chịu sự chi phối của Vọng tâm ấy. Nếu Tự tính của chúng ta tỏ hiện, thì những cảm giác xấu không phát sinh ra được. Gió trong lòng ta đã yên, thì không còn phân biệt rằng lúc này là lúc nước lặng, chân tướng của sự vật tỏ hiện nữa.

Đức Phật dạy Giác Ngộ, mục đích là làm cho tỏ rõ Tự tâm, Chân tính mà nhà Nho gọi là Tính hay Lương tri.

Khi chúng ta đã hiểu rõ thế nào là Vọng tâm là Tự tính, hiểu rõ Phật dạy chúng ta thanh lọc Vọng niệm chuyển mê thành Ngộ rồi, trong cái khổ, cái không, cái vô thường, chúng ta bỏ cả tâm chứng thì chúng ta đạt được tới Chân lý bất sinh, bất diệt, thường trụ, tức là đạt được mức độ minh tâm kiến tánh. Minh tâm kiến tánh, chỉ là tâm sáng cái Tự tính sáng láng đã sẵn có ở mỗi con người, mỗi chúng sinh.

Chúng ta làm thế nào để chuyển cái tâm hôn mê, vọng động, thành tâm Giác ngộ? Chỉ có một biện pháp là tu tâm, lấy giác tâm đối trị vọng tâm.

Bởi tập khí của chúng sinh không giống nhau, cho nên tu tâm cũng có nhiều phương pháp khác nhau. Nhưng dù nhiều thế nào chăng nữa cũng không qua khỏi phạm vi “Lục độ”. Tức là lấy Bố thí ngừa Tham sẻn, lấy Trì giới ngừa buông lung, lấy Nhẫn nhục ngừa nóng giận, lấy Tịnh tiến ngừa biếng nhác, lấy Thiền định ngừa tán loạn, lấy Trí tuệ ngừa ngu si.

Rút lại, thì Lục độ lại có thể chỉ thu vào một chữ “Giới”. Đó là mực thước mà người theo Phật phải thâm thiết noi theo. Người tu hành bậc thấp cũng có những tiêu chuẩn thấp. Nho gia lấy Tam Cương, Ngũ Thường, Tứ Duy, Bát Đức làm tin điều, tiêu chuẩn cho việc xử thế. Phật giáo thì có Ngũ Giới, Bát Giới, Thập Giới. Ngũ Giới dành cho các Phật tử tại gia làm căn bản cho sự tu tập.

Không sát sinh gần với Nhân, không Trộm cướp gần với Nghĩa, không Tà dâm gần với Lễ, không nói dối gần với Tín, không uống rượu thì trí khôn tỉnh táo gần với Trí.

Người đời đều theo đúng Ngũ giới hay Ngũ thường thì Nhân tâm thế Đạo đâu đến nỗi như cảnh tượng thường thấy thời nay. Phải Chính định – Căn bệnh của người đời chính là bởi trọn ngày bởi tâm loạn động, cho nên phải lấy Định mà đối trị. Trong sách đại học thuộc bộ Tứ thư của Nho gia có nói:

“Biết chỗ Đến thì sau mới Định, Định rồi sau mới Tĩnh, Tĩnh rồi sau mới An, An rồi sau mới Nghỉ, Nghỉ rồi sau mới có chỗ Sở đắc”.

Như thế là lấy Định và Tĩnh để tịnh hóa ý thức. Nếu Giới là mực thước cho những hành vi bên ngoài, thì Định là tịnh hóa Ý thức bên trong. Ý thức và hành vi đều tịnh hóa cả, thì Trí tuệ sẽ mặc nhiên mà biểu hiện. Bởi vậy ba phép học là Giới – Định – Tuệ thì Tuệ ở sau cùng.

Tuệ là sáng tỏ, là thế thanh tịnh của Tự tính, và là mục tiêu cao nhất mà Phật pháp theo đuổi. Giới với Định đều là phương pháp tu tập để chuẩn bị cho Tuệ. Chỉ có Trí tuệ mới diệt trừ được Vọng tâm và mê muội. Cho nên bất cứ Pháp nào mà Phật thuyết, không Pháp nào là không nhằm tới Trí tuệ.

Giới - Định - Tuệ, ba chữ tuy có chia ra, nhưng không rời nhau; nhân Giới sinh Định, nhân Định sinh Tuệ, ba cái đó giúp nhau mà thành một thế viên dung. Do chăm tu, Giới – Định – Tuệ mà Tâm chân như được tỏ hiện, vọng tâm bị tiêu đi. Tịnh hóa được những Ý dục bên trong  thì những vọng niệm Tham – Sân – Si. Những hành động Sát – Đạo – Dâm cùng những tội lỗi khác không thể phát động ra được. Làm theo Ngũ giới, Thập thiện, tu theo Tứ đế, quán Thập nhị Nhân duyên, thực hành Lục độ và Vạn Hạnh, thì sau rốt có thể viên chứng được Tự tính, tức là thành tựu được Phật quả, đạt tới cảnh giới Giác ngộ viên mãn để rồi có thể Giác ngộ cho người khác.

Phật pháp là Đệ nhất Pháp, có thể thúc đẩy việc tiến mạnh trên đường tự giác, phát huy được toàn vẹn nhân tính, khiến bên trong thì tịnh hóa được tâm hồn, bên ngoài thì nhất cử nhất động đều đâu vào đó đúng với khuôn phép.

Phải chăng chỉ có cách Hoằng dương Phật pháp là có thể cứu vãn được những ác nghiệp, vô lượng của thói đời thời nay vậy.

Thích Tuệ Đăng
(Đuốc Tuệ, số 1, 2, 1964)
Vi tính: Quỳnh Như