TT - TS Girish D. Patel là bác sĩ tâm lý học tại Mumbai (Ấn Độ), đã có trên 5.000 buổi thuyết trình ở 40 nước với những bài nói thu hút về “Sức khỏe trong tầm tay bạn” - những kỹ năng quản lý cuộc sống cho những cá nhân...
|
Bác sĩ Girish Patel nói chuyện ở VN - Ảnh: Hà Thanh |
Thông qua Trung tâm Các giá trị sống (TP.HCM), ông vừa có những buổi nói chuyện ở Việt Nam. Ông trao đổi về phép luyện tâm hồn như sau:
Một câu chuyện như thế này: Có một cô bé 12 tuổi bị tai nạn và mất. Người cha khóc nhiều tháng trời vẫn chưa nguôi nỗi đau. Một đêm, ông ta khóc rồi chìm vào giấc ngủ, mơ thấy rất nhiều thiên thần. Người cha mừng rỡ và vui mừng vì thấy con gái mình cũng trở thành một trong những thiên thần đó. Song niềm vui vụt tắt khi ông nhìn thấy tất cả ngọn nến trên tay các thiên thần đều sáng, chỉ riêng ngọn nến trên tay con gái ông là tắt. Ông tiếp tục buồn rầu và khóc.
Ông hỏi cô con gái: “Tại sao ngọn nến của con không sáng?”. Người con trả lời: “Cha yêu quý, những người bạn thiên thần của con rất tốt bụng, họ cứ thắp mãi cho ngọn nến của con cùng cháy. Nhưng hễ nến vừa sáng lên thì giọt nước mắt của cha nhỏ xuống lại làm nó tắt đi, không sáng được”. Người cha từ đó không khóc nữa và sống hạnh phúc.
Câu chuyện cho thấy trái tim hiểu ngôn ngữ của cảm xúc và thường bị vùi dập bởi những cảm xúc đau buồn. Còn những xung đột thường nảy ra từ cái đầu: suy đoán, tổn thương… Chỉ có tìm ra logic hợp lý mới chữa trị được cái đầu của mình. Nhưng phải biết kết hợp giữa cái đầu và trái tim để kiểm soát tâm trí. Muốn vậy phải có phương pháp luyện tâm hồn. Các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu cho thấy 70% bệnh của con người là từ tâm bệnh mà ra, 30% còn lại mới do di truyền, thể xác, môi trường…
* Ông có thể chia sẻ những cách nào để thoát khỏi tâm bệnh?
- Có bốn cách thức. Một, khi rắc rối xảy ra ta không coi nó là rắc rối mà là thử thách. Hai, đừng ta thán nữa, hãy kiểm soát bản thân bạn. Hãy ý thức mình đang sống thì hiện tại.
Thường người ta hay lo cho tương lai, u buồn về quá khứ nên lo lắng tăng cao. Khi chúng ta có phong cách sống khác đi, những bực bội, tức giận, rắc rối sẽ qua đi. Ba, cần tăng cường giao tiếp; cảm thấy người và sự kiện xung quanh thế nào nên nói ra. Bởi vì khi chia sẻ, vấn đề được mổ xẻ và trở nên nhẹ nhàng. Bốn, cần có sự hợp tác. Khi chúng ta giúp đỡ người khác giải quyết vấn đề của họ, lúc đó mình sẽ thấy rắc rối của mình là quá nhỏ.
ĐẶNG TƯƠI
thực hiện(theo tuổi trẻ online)