Trung ấm - tu luyện để vãng sinh về miền tịnh độ

Sau khi con người chết đi, nếu như ý thức không nhận thức được về các ánh sáng và ảnh hiện trong các giai đoạn trung ấm, sẽ phải rơi vào sáu cõi tái sinh, chịu đủ nỗi đau khổ của luân hồi. Người tu hành ngày thường phải thường xuyên tu luyện giáo pháp trung ấm để nhận thức được ánh sáng và các cảnh tượng trung ấm, đồng thời phải ghi nhớ sâu sắc trong lòng, có như vậy đến khi thực sự bước vào cõi trung ấm, mới không bị mê lầm.

Trong Mật Tông Tây Tạng, khái niệm trung ấm còn được gọi là "trung hữu", chỉ quãng thời gian từ sau khi con người chết đi cho đến khi đầu thai chuyển kiếp, trong giai đoạn đó, con người được tồn tại dưới trạng thái thân ý thức. Có rất nhiều cách phân loại trung ấm, theo giả thuyết "sáu phép trung ấm" của "Đạo ca Milarepa", có thể chia làm sáu loại trung ấm, đó là trung ấm sống chết, trung ấm luân hồi Niết bàn, trung ấm đạo thượng, trung ấm trung hữu, trung ấm giấc mộng và trung ấm sinh hữu.

Lịch trình của cái chết
Thế giới trung ấm xuất hiện từ lúc con người lâm chung cho đến khi đầu thai chuyển kiếp, có thể chia làm ba giai đoạn:
1. Giai đoạn thứ nhất: Trung ấm sống chết hay trung ấm chết
Trong giai đoạn này, bốn đại bắt đầu co lại, mọi nghiệp thức phiền não tạm thời đều được giải thoát, xuất hiện "ánh sáng của cái chết", nếu như có thể nhận ra ánh sáng này là ánh sáng pháp thân, ánh sáng thực tướng mà bản tâm đã chứng ngộ được lúc sinh thời là ánh sáng con, còn ánh sáng của cái chết xuất hiện trong trung ấm lâm chung là ánh sáng mẹ, thì sự kết hợp giữa hai ánh sáng này trở thành sự tụ hợp giữa mẹ và con, như vậy, sẽ đạt được giải thoát từ trong ánh sáng này.
Nếu không nhận thức được ánh sáng, linh hồn sẽ phải rơi vào cõi luân hồi. Bởi vậy, giai đoạn này chính là khoảng trung gian giữa luân hồi và Niết bàn, nên còn được gọi là trung ấm luân hồi Niết bàn. Để nhận thức được về trung ấm này, cần phải chứng ngộ được thực tướng của bản tâm ngay từ khi còn sống, hoặc tích cực tu luyện các giáo pháp Đại thủ ấn, phép ánh sáng và phép Du Già giấc mộng. Nếu như không thể nhận thức được về "ánh sáng của cái chết" này, sẽ phải rời khỏi trạng thái sống của kiếp này, bước vào giai đoạn trung ấm trung hữu.
2. Giai đoạn giữa: Trung ấm trung hữu hay trung ấm thế gian
Trong giai đoạn này, sẽ xuất hiện thân trung ấm và vô số các cảnh tượng hết sức khủng khiếp. Cái thân ý thức trong giai đoạn này cũng tương tự như cái thân khí tập trong những giấc mộng khi còn sống, nên lúc sinh thời, cần phải chăm chỉ luyện tập phép giấc mộng, để có thể nhận ra được thân ý thức từ trong giấc mộng, để tiến hành biến đổi. Phương pháp quán tưởng thần Bản tôn trong giai đoạn phát khởi có thể biến đổi thân khí tập trở thành báo thân. Đây cũng chính là pháp môn chuyển hoá trung ấm thành cõi đạo.
3. Giai đoạn cuối cùng: Trung ấm sinh
Thân trung ấm, trước sự bức bách, thúc giục của gió nghiệp, cuống cuồng tìm chốn đầu thai. Bởi vậy, giai đoạn này còn được gọi là trung ấm đầu thai. Nếu như lúc này, vong linh có thể nhớ lại được các giáo huấn của Thượng sư, để sinh khởi nên cảm giác không lạc bẩm sinh, như vậy, sẽ có thể chuyển hoá thân ý thức trở thành thân cụ sinh đại lạc, để được đầu thai bằng phương thức hoá thân, hoặc áp dụng được phương pháp đóng cửa đầu thai.
Trên đây chúng tôi chỉ trình bày một cách khái quát, còn về biện pháp tu luyện thực tế, cần phải căn cứ theo chỉ dẫn của Thượng sư. Về nội dung cụ thể của phần này, có thể tham khảo cuốn "Tây Tạng sinh tử kỳ thư" đã xuất bản.

"Tây Tạng sinh tử kỳ thư"
.

thaylinh.com

http://www.tayphuongtinhdo.com/vs/images/stories/briaskthumb_footer_lotus.jpg