Năm bầu cử, nói chuyện tòa Bạch Ốc

Năm bầu cử, nói chuyện tòa Bạch Ốc

Tòa Bạch Ốc bắt đầu được xây dựng từ năm 1792, và hoàn tất vào cuối năm 1800, do chính TT George Washington lựa chọn đồ án thiết kế. Tòa nhà này nằm tại gần trung tâm của Thủ đô Washington, tọa chính NAM, hướng chính BẮC (tức 0 độ).

Phía trước có sân rộng, rồi đến đại lộ Pennsylvania chạy ngang qua. Bên kia đường là công viên Lafayette nhỏ, chiều ngang khoảng gần 200m. Phía BẮC công viên này có con đường số 16 rất dài đâm thẳng tới.


Phía sau tòa Bạch Ốc cũng là 1 sân cỏ lớn, có thể làm bãi cho máy bay trực thăng (helicopter) lên xuống. Gần cuối khoảng sân này là 1 fountain (bồn phun nước) lớn (phía trước tòa Bạch Ốc cũng có 1 cái nhưng nhỏ hơn). Sau đó là khu sân cỏ hình tròn (The Ellipse), rồi đến 1 khoảng đất trống. Ngay sau bãi đất này là con sông Potomac mở rộng để nhập với con sông Anacostia rồi chảy về phía NAM ra biển. Từ sau Tòa bạch ốc tới con sông Potomac chỉ không đầy 1 mile nếu tính theo đường thẳng.

Vì phía trước tòa Bạch Ốc bị con đường dài đâm thẳng tới, còn phía sau chỉ là vùng đất trống, lại gần chỗ thủy giao hội giữa 2 con sông (còn gọi là thủy tam thoa), nên vận khí của tòa Bạch Ốc bị ảnh hưởng rất lớn bởi 2 phía trước, sau, nhất là vào năm có nhiều hung sát khí đến những khu vực đó.



Tuy nhiên, muốn biết được vận khí của tòa Bạch Ốc thì trước hết cần phải biết đến Tam Nguyên Cửu Vận, sự vận chuyển của Phi tinh, cũng như vị trí các Thần sát, nhất là Tuế Phá và Tam sát như sau:

1/ TAM NGUYÊN CỬU VẬN: là 1 chu kỳ 180 năm, được lập đi, lập lại không ngừng. Mỗi chu kỳ này được chia thành 3 (Tam) Nguyên, mỗi Nguyên là một giai đoạn 60 năm, từ năm GIÁP TÝ đến năm QUÝ HỢI, và được đặt theo thứ tự là Thượng Nguyên, Trung Nguyên và Hạ Nguyên. Mỗi Nguyên lại được chia làm 3 Vận: các Vận 1, 2, 3 thuộc Thượng Nguyên; 4, 5, 6 thuộc Trung Nguyên; 7, 8, 9 thuộc Hạ Nguyên. Mỗi Vận như thế là 1 giai đoạn dài 20 năm.

Dưới đây là bảng Tam Nguyên-Cửu Vận của 360 năm trở lại đây.



Chú ý: những năm trong bảng trên đều là những năm khởi đầu của mỗi Vận, như năm 1684 là năm khởi đầu của Vận 1, nên từ năm đó cho đến năm 1703 đều nằm trong Vận 1, rồi đến năm 1704 mới bước vào Vận 2....

2/ SỰ VẬN CHUYỂN CỦA PHI TINH: là sự di chuyển của 9 sao (tức Cửu tinh hay 9 số trong Lạc thư) theo từng năm. Muốn xác định được điều này thì trước hết phải biết sao nào sẽ nhập trung cung vào mỗi năm, dựa vào bảng dưới đây.



- Thí dụ: muốn biết số nào nhập trung cung trong năm 2008 (MẬU TÝ) thì trước hết phải dựa vào BẢNG TRA TAM NGUYÊN - CỬU VẬN, sẽ thấy năm đó thuộc vận 8 Hạ Nguyên. Kế đó, tìm năm MẬU TÝ trong bảng trên, rồi kéo sang cột Hạ nguyên bên tay phải sẽ thấy số 1. Đó chính là số nhập trung cung trong năm 2008.

Sau khi đã tìm được số nhập trung cung rồi mới xoay chuyển 8 số còn lại để xác định vị trí của mỗi số (hay mỗi sao) trong năm. Vấn đề này nếu trình bày sẽ rất dài dòng, nên ở đây chỉ chú trọng đến những năm có các sao Ngũ Hoàng (số 5) và Nhị Hắc (số 2) tới phía NAM (phương tọa) và phía BẮC (tức hướng) của tòa Bạch Ốc mà thôi. Vì trong 9 sao, Ngũ Hoàng là sao tối độc và nguy hiểm nhất, nếu tới tọa hoặc hướng đều sẽ gây tai họa cho người, nếu tới hướng sẽ gây khó khăn, trở ngại cho công việc. Còn Nhị Hắc là sao gây nhiều bệnh tật, tai họa, nếu nặng cũng có thể làm chết người. Do đó, việc tìm những năm có Ngũ Hoàng, Nhị Hắc tới tọa hay hướng của tòa Bạch Ốc là quan trọng, và dựa vào những bảng dưới đây.



Với 2 bảng bên trên, ta thấy năm số 1 nhập trung cung (nằm ở ô chính giữa) thì Ngũ Hoàng tới phía NAM; còn năm số 9 nhập trung cung thì Ngũ Hoàng sẽ tới phía BẮC. Với 2 bảng bên dưới, năm số 7 nhập trung cung thì sao Nhị Hắc tới phía NAM, năm số 6 nhập trung cung thì Nhị Hắc sẽ đến phía BẮC.

3/ VỊ TRÍ CỦA TUẾ PHÁ VÀ TAM SÁT:

a/ TUẾ PHÁ: là những vị trí đối nghịch với Thái Tuế trong năm. Cho nên:
- Năm TÝ thì Tuế Phá đến phía NAM
- Các năm SỬU–DẦN thì Tuế Phá đến TÂY NAM
- Năm MÃO thì Tuế Phá đến phía TÂY
- Các năm THÌN–TỴ thì Tuế Phá đến TÂY BẮC
- Năm NGỌ thì Tuế Phá đến phía BẮC
- Các năm MÙI–THÂN thì Tuế Phá đến ĐÔNG BẮC
- Năm DẬU thì Tuế Phá đến phía ĐÔNG
- Các năm TUẤT–HỢI thì Tuế Phá đến ĐÔNG NAM

b/ TAM SÁT: là 3 vị trí TUYỆT–THAI–DƯỠNG trong tam hợp Thái Tuế. Vì vậy vào các năm:
- THÂN–TÝ–THÌN thì Tam sát ở 3 phương TỴ–NGỌ–MÙI phía NAM
- DẦN–NGỌ–TUẤT thì Tam sát ở 3 phương HỢI -TÝ–SỬU phía BẮC
- HỢI–MÃO–MÙI thì Tam sát ở 3 phương THÂN–DẬU–TUẤT phía TÂY
- TỴ–DẬU–SỬU thì Tam sát ở 3 phương DẦN–MÃO–THÌN phía ĐÔNG

Hình dưới đây là để xác định phương vị của Tuế Phá và Tam sát trên la bàn.



- Thí dụ: vào năm TÝ, Thái Tuế đến phía BẮC, nên Tuế Phá sẽ đến phía NAM, còn Tam sát nằm ở 3 phương TỴ - NGỌ - MÙI, bao gồm từ phần cuối (tức 1/3) của phía ĐÔNG NAM (cung TỴ) qua hết phía NAM, rồi hết phần đầu (1/3) của phía TÂY NAM mới hết (tức khoảng giữa 2 mũi tên như hình trên).

Việc xác định vị trí của Tuế Phá và Tam sát trong mỗi năm là 1 vấn đề quan trọng, và cần phải đặc biệt lưu tâm tới. Lý do vì Thái Tuế (tức Mộc tinh) là hành tinh lớn nhất trong Thái dương hệ (có trọng lượng gấp 318 lần trái đất, hay gấp 2 lần rưỡi trọng lượng của tất cả mọi hành tinh khác trong Thái dương hệ cộng lại), cho nên khi nó di chuyển đến đâu sẽ cuốn hút hầu hết mọi từ lực trong không gian (còn gọi là dương khí) về phía đó. Còn những nơi có Tuế Phá và Tam sát vì bao giờ cũng nằm đối nghịch với Thái Tuế hoặc tam hợp Thái Tuế, nên những nơi này chỉ có toàn âm khí, vì vậy bao giờ cũng chủ tai họa, chết chóc, bệnh tật, nhất là khi chúng lại đến phương tọa của 1 căn nhà.

Đối với Phong thủy, những yếu tố kể trên có ảnh hưởng lớn đến vận khí của mọi nhà cửa, dinh thự, như chúng ta sẽ thấy khi điểm qua 1 số Tổng Thống Hoa Kỳ đã từng sống và làm việc trong tòa Bạch Ốc.


4/ ẢNH HƯỞNG CỦA NGŨ HOÀNG, TUẾ PHÁ VÀ TAM SÁT ĐỐI VỚI TÒA BẠCH ỐC:

Như đã nói ở phần đầu, tòa Bạch Ốc được hoàn thành vào cuối năm 1800 (tức năm CANH THÂN, vận 6), và John Adams (người kế vị Washington) là TT đầu tiên cư trú trong tòa nhà này. Vì nội dung bài viết chỉ có hạn, nên ở đây chỉ xin nhắc tới những diễn biến nổi bật trong lịch sử, bắt đầu từ TT William Harrison, rồi đi dần đến những thời TT gần đây nhất mà thôi.

- Wlliam Harrison là TT thứ 9 của Hoa Kỳ, đắc cử vào năm 1840 (tức năm CANH TÝ, thuộc vận 8 Hạ nguyên). Vì là năm TÝ, nên phía NAM (tức phương tọa của tòa Bạch Ốc) bị cả Tuế phá và Tam Sát chiếu đến. Còn nếu tính theo Phi tinh thì năm đó số 7 nhập trung cung, nên sao Nhị Hắc cũng tới phía NAM. Do Tuế Phá và Tam Sát đều là những khu vực có âm khí cực nặng, còn sao Nhị Hắc cũng là chúa tể của âm tinh, nên khi chúng gặp nhau sẽ chủ bệnh tật, chết chóc. Vì vậy, sau khi tuyên thệ nhậïn chức thì ông bắt đầu bị bệnh, rồi qua năm 1841 (tức năm TÂN SỬU), khi sao Nhị Hắc chiếu đến phía trước (tức phía BẮC) của tòa Bạch Ốc thì qua đời.

- Vào năm 1848 (tức năm MẬU THÂN, vận 9), Zachary Taylor đắc cử TT. Năm đó có Tam sát tới phương tọa của tòa Bạch Ốc, nên đã là 1 điều xấu về nhân sự (con người). Liên tiếp 2 năm sau đó (1849 - 1850, tức các năm KỶ DẬU - CANH TUẤT, vận 8), sao Nhị Hắc liên tiếp tới tọa rồi hướng của tòa Bạch Ốc, nên ông mắc bệnh rồi qua đời trong năm 1850.

- Đến năm 1860 (năm CANH THÂN, vận 9), Abraham Lincoln đắc cử TT, và tuy gặp rất nhiều khó khăn vì cuộc nội chiến Hoa kỳ (1861 - 1865), nhưng vẫn vượt qua được để tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 2 vào năm 1864 ( tức năm GIÁP TÝ, vận 1 Thượng nguyên). Năm đó, Tuế Phá, Tam Sát, cũng như niên tinh Ngũ Hoàng đều đến phía NAM, là điều tối nguy hiểm về nhân sự, cho nên qua năm 1865 (ẤT SỬU), khi niên tinh Ngũ Hoàng tới phía BẮC thì ông bị ám sát chết.

- TT William Mc Kinley đắc cử nhiệm kỳ đầu vào năm 1896 (tức năm BÍNH THÂN, vận 2), rồi tái đắc cử năm 1900 (năm CANH TÝ, cũng thuộc vận 2). Năm đó, Tuế Phá, Tam Sát, Ngũ Hoàng đều tới phương tọa của tòa Bạch Ốc, nên qua năm 1901 (TÂN SỬU), khi niên tinh Ngũ Hoàng tới hướng (phía BẮC) thì ông bị ám sát chết.

- Năm 1920 (năm CANH THÂN, vận 3) Warren Harding đắc cử TT. Năm đó, Tam Sát đến phương tọa, nên đã có tiềm ẩn tai họa về nhân sự. Rồi liên tiếp trong 2 năm 1921 - 1922 (TÂN DẬU - NHÂM TUẤT), niên tinh Nhị Hắc đến tọa và hướng của tòa Bạch Ốc, nên gây khó khăn hoặc bệnh tật nghiêm trọng. Nguyên sau khi lên làm TT, Harding đã bổ nhiệm nhiều bạn bè cũ vào những chức vụ cao cấp của chính phủ. Những người này lạm dụng quyền hành để ăn hối lộ, gây ra nhiều tai tiếng lớn cho ông. Vì quá lo buồn, sức khỏe của Harding ngày càng suy yếu. Vào năm 1923 (QUÝ HỢI, vận 3), ông lại quyết định mở 1 cuộc công du tới những tiểu bang vùng viễn TÂY. Không may cho ông, năm đó lại là năm HỢI, nên Tam Sát chiếu đến phía TÂY. Harding vừa thoát khỏi 2 năm bị sao Nhị Hắc chiếu đến tọa - hướng tòa Bạch Ốc lại mở 1 cuộc công du lâu dài về phía TÂY, tức đi về phía của Tam Sát. Cho nên khi cuộc công du gần kết thúc thì ông bị bạo bệnh và qua đời ở San Francisco, là thành phố nằm ở khu vực phía TÂY so với Thủ đô Washington và tòa Bạch Ốc.

- Franklin Roosevelt đắc cử TT lần đầu tiên vào năm 1932 (năm NHÂM THÂN, vận 4). Năm đó chỉ có Tam Sát đến phía NAM, nên tuy gặp phải khó khăn với cuộc khủng hoảng kinh tế, nhưng ông vẫn vượt qua được để tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 2 vào năm 1936 (năm BÍNH TÝ, vận 4). Năm đó, Tuế Phá, Tam Sát, Ngũ Hoàng đều đến phía NAM, là điều cực kỳ nguy hiểm về nhân sự. Nhưng Roosevelt thoát được có lẽ 1 phần vì mạng ông rất lớn, 1 phần vì trong đời ông đã từng lâm 1 cơn bệnh nặng, thập tử nhất sinh và trở thành phế nhân (ông bị bại liệt 2 chân từ trước khi làm TT). Tức là vì nhờ đã bị thương tật, tàn phế nên ông mới thoát được lưỡi hái của tử thần trong năm đó, cũng như năm 1937 khi sao Ngũ Hoàng đến hướng.

Roosevelt tiếp tục làm hết nhiệm kỳ thứ 2 rồi thứ 3. Vào năm 1944 (năm GIÁP THÂN, vận 5), ông đắc cử nhiệm kỳ thứ 4. Năm đó, Tam Sát đến phía NAM, nên đã có tiềm ẩn tai họa về nhân sự. Qua năm sau, (1945 - TÂN DẬU), niên tinh Ngũ Hoàng đến phía NAM, còn Tuế Phá và Tam Sát tới phía ĐÔNG. Đầu tháng 2 năm đó, Roosevelt tới Yalta (1 thành phố nằm trong bán đảo Crimea của Nga) để họp hội nghị thượng đỉnh với Churchill và Stalin, sau đó ghé qua Ai Cập và Algeria. Những nơi này đều nằm ở phía ĐÔNG của Washington và tòa Bạch Ốc. Vì phương tọa của tòa Bạch Ốc năm đó đã bị Ngũ Hoàng chiếu đến là điều nguy hiểm về nhân sự, ông lại đi về khu vực có Tuế Phá và Tam Sát nên phạm qúa nhiều hung sát, vì vậy chỉ hơn 1 tháng sau chuyến công du đó thì Roosevelt mắc bệnh nặng và qua đời.

- John Kennedy đắc cử TT năm 1960 (năm CANH TÝ, vận 6). Năm đó, Tuế Phá, Tam Sát đều đến tọa (phía NAM) nên khá nguy hiểm. Sang năm 1963 (QUÝ MÃO), niên tinh Ngũ Hoàng đến phương tọa của tòa Bạch Ốc, còn Tuế Phá và Tam Sát đến phía TÂY. Cuối tháng 11 năm đó, Kennedy tới viếng thăm Dallas, 1 thành phố nằm về phía TÂY so với Tòa Bạch Ốc, nên bị xung phạm cả Tuế Phá và Tam Sát. Vì vậy, ông bị ám sát chết ngay khi vừa tới thành phố này.

- Richard Nixon đắc cử TT vào năm 1968 (MẬU THÂN, vận 6). Năm đó chỉ có Tam Sát đến phía NAM nên cũng không đến nỗi quá nguy hiểm. Vì vậy, tuy phải đương đầu với nhiều khó khăn, nhất là cuộc chiến tranh Việt Nam, nhưng ông vẫn vượt qua được và đắc cử nhiệm kỳ thứ 2 vào năm 1972 (NHÂM TÝ). Năm đó, Tuế Phá, Tam Sát, Ngũ Hoàng đều tới phương tọa của tòa Bạch Ốc, nên là điều cực nguy hiểm về nhân sự, nên mặc dù không bị bệnh hoặc ám sát, nhưng ông lại bị vụ Watergate làm cho điêu đứng trong suốt năm 1973 (QUÝ SỬU - Ngũ Hoàng tới hướng), khiến cho nhiều nhân vật trong chính phủ bị kết án hoặc từ chức (trong đó có phó TT Spiro Agnew). Rồi đến giữa năm 1974, chính TT Nixon cũng phải từ chức để làm lắng đọng sự phẫn nộ của dân chúng Hoa Kỳ.

- Ronald Reagan đắc cử TT vào năm 1980 (CANH THÂN, vận 6). Năm đó, Tam Sát đến phương tọa, nên họa về nhân sự đã tiềm ẩn. Qua năm 1981 (TÂN DẬU), niên tinh Ngũ Hoàng đến tọa, nên ông bị ám sát, nhưng chỉ bị thương chứ không chết. Sang năm 1982 (NHÂM TUẤT), niên tinh Ngũ Hoàng đến hướng, nên ông vẫn gặp rất nhiều khó khăn và chống đối về cả 2 mặt đối nội lẫn đối ngoại. Phải sau 2 năm đó thì tình hình mới bắt đầu sáng sủa và ổn định hơn, nhờ vậy mà ông mới tái đắc cử nhiệm kỳ 2 vào năm 1984 (GIÁP TÝ, vận 7). Năm đó, Tuế Phá, Tam Sát, Nhị Hắc đều tới tọa, là dấu hiệu nguy hiểm về nhân sự, nên qua năm 1985 (ẤT SỬU, Nhị Hắc tới hướng), ông bị bệnh phải mổ đường ruột, cũng như sau đó chính phủ của ông bị phát giác về việc bán vũ khí cho Iran, khiến cho nhiều viên chức cao cấp bị mất chức hoặc kết án.

- George H. Bush đắc cử TT vào năm 1988 (MẬU THÌN, vận 7). Năm đó, Tam Sát đến phương tọa, nên họa đã tiềm ẩn. Qua các năm 1990 - 1991 (CANH NGỌ - TÂN MÙI), Ngũ Hoàng liên tiếp đến tọa - hướng của tòa Bạch Ốc, nên xảy ra cuộc chiến tranh vùng vịnh lần thứ nhất, cũng như tình hình kinh tế trì trệ trong suốt 2 năm đó. Điều này khiến cho người dân Mỹ trở nên bất mãn, và là nguyên nhân thất bại chính của ông trong cuộc bầu cử năm 1992.

- Bill Clinton là người chiến thắng trong cuộc tranh cử 1992 (năm NHÂM THÂN, vận 7). Năm đó chỉ có Tam Sát đến phương tọa, nên tuy không quá nguy hiểm, nhưng vẫn đã tiềm ẩn tai họa. Vì vậy, ngay sau đó ông liền bị những vụ tai tiếng như Whitewater (buôn địa ốc gian lận), thất bại trong cuộc cải cách bảo hiểm sức khỏe (health care reform)… nhưng vẫn vượt qua được mọi trở ngại để đắc cử nhiệm kỳ thứ 2 năm 1996 (BÍNH TÝ). Năm đó, Tuế Phá và Tam Sát cùng đến tọa, nên tai họa nguy hiểm hơn, vì vậy nên chẳng bao lâu sau thì vụ gian díu với cô Monica Lewinsky bị đổ bể. Đến năm 1999 (KỶ MÃO), niên tinh Ngũ Hoàng tới tọa, nên suýt nữa bị quốc hội kết án (impeach) và cách chức. Sang năm 2000 (CANH THÌN), Tam Sát đến tọa, Ngũ Hoàng đến hướng, nên dù là năm làm TT cuối cùng nhưng vẫn bị nhiều tai tiếng như vụ ký lệnh ân xá, lấy đồ trong tòa Bạch Ốc…

- Cũng trong năm đó, George W. Bush (con trai của TT George H. Bush) đắc cử và dọn vào tòa Bạch Ốc. Vì năm nhập trạch mà bị Tam Sát đến tọa, Ngũ Hoàng đến hướng là gặp nhiều tai họa, khó khăn, nên liền sau đó xảy ra cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001, rồi đến những cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq, nhưng ông vẫn vượt qua được và tái đắc cử nhiện kỳ 2 vào năm 2004 (GIÁP THÂN). Năm đó cũng chỉ có Tam Sát đến phương tọa, nên từ đó đến nay tuy ông gặp 1 số khó khăn, nhưng vẫn không có trở lực hoặc tai họa nào quá lớn. Tuy nhiên, khi bước qua năm 2008 (MẬU TÝ), Tuế Phá, Tam Sát, Ngũ Hoàng đều đến phương tọa của tòa Bạch Ốc, nên là điều nguy hiểm cho ông. Vì vậy trong năm 2008 này, ông Bush sẽ gặp phải nhiều khó khăn hoặc trở ngại lớn. Do đó, ngay từ khi chưa bước sang năm mới mà đã có nhiều dấu hiệu kinh tế suy thoái rõ rệt, và mặc dù ông (cũng như quốc hội) đang đưa ra những biện pháp cứu vãn, nhưng cũng chưa biết sẽ như thế nào? Cũng như sẽ còn có những khó khăn gì khác cho ông và người dân Mỹ trong năm tới này!!!

Mặt khác, năm nay còn là năm bầu cử ở Hoa Kỳ, nên tai họa không chỉ đến với ông Bush, mà còn đến với người sẽ đắc cử lần này. Tuy nhiên, vì ông Bush là TT đương nhiệm và sắp phải ra đi, nên tai họa đến với ông không nặng bằng tân TT, là người sẽ dọn vào ở trong tòa Bạch Ốc vào năm có quá nhiều hung sát khí đến phương tọa.

Cho nên, nếu nhìn lại lịch sử tòa Bạch Ốc, ta thấy vào những năm có Ngũ Hoàng, Tuế Phá và Tam Sát cùng tới phương tọa đều là những năm rất xấu cho các vị TT Hoa Kỳ. Sở dĩ như thế vì địa thế chung quanh, cũng như lối kiến trúc và xử dụng của tòa nhà này. Như đã nói ngay ở phần đầu, vì phía sau của tòa Bạch Ốc quá rộng lớn và trống trải, lại nằm gần chỗ giao hội của 2 con sông Potomac và Anacostia rồi chảy ra biển. Nơi này dòng sông mở rộng, nên lưu lượng của nước sông rất lớn. Đối với Phong thủy, nước chỉ tốt khi nằm tại những nơi có khí tốt, trong trường hợp này sẽ được coi là “vượng thủy” hay “cát thủy” , chủ đại lợi về mọi mặt, nhất là tài lộc, của cải sung túc (vì thủy chủ về tài lộc). Nhưng nếu những nơi có khí xấu hay hung sát khí mà còn gặp nước thì nước đó sẽ biến thành “sát thủy”, gây ra nhiều tai họa khó lường được. Điểm đặc biệt ở đây là sông nước lại nằm ở phía sau tòa Bạch Ốc. Mà phía sau (tức phương tọa) của 1 tòa nhà hay dinh thự là chủ về nhân sự, gặp năm có hung sát khí đến mà nếu nơi đó có núi đồi, hay nhà cao sát bên thì không sao. Đàng này lại có sông lớn, sân rộng, khiến cho sát khí càng tụ tập về đó, nên lực sát thương càng mạnh. Cộng thêm phía sau tòa Bạch Ốc còn thiết kế cửa, đài tiếp tân, cầu thang để ra vào, hoạt động, khiến cho sát khí càng bị xung động, lại dẫn thẳng vào bên trong nên tai họa càng nguy hiểm.

Chính vì những lý do đó, nên vào các năm có sát khí quy tụ nhiều nơi phía sau (Ngũ Hoàng, Tuế Phá, Tam Sát) thì tai họa càng lớn, nhất là vào những năm bầu cử. Vì đó cũng là thời điểm nhập trạch (dọn vào ở) trong tòa Bạch Ốc của tân TT, bất kể đây là nhiệm kỳ đầu hay thứ 2.

Ngoài ra, vì mỗi nhiệm kỳ của TT Mỹ chỉ có 4 năm, mà các năm bầu cử đều vào những năm có số chẵn, nên chỉ xảy ra trong các năm THÂN - TÝ - THÌN mà thôi. Cho nên, nếu dựa vào “BẢNG TÌM PHI TINH NHẬP TRUNG CUNG THEO TỪNG NĂM” sẽ thấy những năm bầu cử mà bị cả Ngũ Hoàng, Tuế Phá và Tam Sát cùng đến phương tọa của tòa Bạch Ốc là:

- Vào Thượng Nguyên: các năm GIÁP TÝ (1864) và CANH TÝ (1900), trong đó TT Abraham Lincoln đắc cử năm 1864, TT Wlliam McKinley đắc cử năm 1900. Tuy rằng đó đều là những cuộc bầu cử cho nhiệm kỳ thứ 2, nhưng cả 2 ông đều bị ám sát sau đó.

- Vào Trung Nguyên: là các năm BÍNH TÝ (1936) và NHÂM TÝ (1972), trong đó TT Franklin Roosevelt đắc cử năm 1936, TT Richard Nixon đắc cử năm 1972. Cả 2 cũng đều là cuộc bầu cử cho nhiệm kỳ thứ 2, nhưng Roosevelt vì đã bị thương tật, tàn phế nên thoát được, còn Nixon bị vụ Watergate nên phải từ chức. Điểm cần chú ý ở đây là vì ông từ chức, nên sau đó thoát nạn (vì không còn sống và làm việc trong tòa Bạch Ốc, tức không còn bị những sát khí đó chi phối). Nếu ông cứ tiếp tục ngồi lại thì chắc chắn đã bị quốc hội kết án và bãi chức, hay sẽ bị những tai họa khác.

- Vào Hạ nguyên: chỉ có năm MẬU TÝ (2008) sẽ xảy ra cuôc bầu cử sắp tới, còn nếu đi ngược trở lại 180 năm về trước thì đó là năm MẬU TÝ (1828), và Andrew Jackson là người đắc cử TT vào lúc đó. Ông là người hùng của nước Mỹ, đã từng đánh bại quân Anh tại New Orleans năm 1815. Nhưng trước khI trở nên nổi tiếng, ông thường hay đấu súng và bị thương nhiều lần. Lần nguy hiểm nhất là ông bị đối phương bắn trúng ngực, viên đạn xuyên qua phổi và vào sát tim, khiến cho bác sĩ không dám giải phẫu lấy ra vì quá nguy hiểm, nên đành để đó và phó mặc cho số mệnh. Lần đó là năm 1806, nhưng ông vẫn sống thêm gần 40 năm nữa. Tuy nhiên, từ đó ông thường hay đau ngực và ho ra máu (do viên đạn nằm trong phổi hành), cũng như bị nhiều đau đớn do những vết thương khác. Chính vì vậy nên mới có huyền thoại là ông bị quá nhiều đạn bắn, nên mỗi khi cử động là những viên đạn nằm trong cơ thể ông cứ chạm vào nhau thành tiếng.

Có lẽ chính vì Andrew Jackson đã bị thương tật, nên mặc dù đắc cử vào năm bị cả Ngũ Hoàng, Tuế Phá và Tam Sát đến tọa, nhưng ông vẫn làm TT được hết 2 nhiệm kỳ (1828 - 1832 và 1832 - 1836), và trở thành 1 trong những TT nổi tiếng của Hoa Kỳ. Ngoài ra, 1 điều cần chú ý khác là sau khi Andrew Jackson đắc cử được hơn 2 tuần thì vợ ông qua đời, và cũng có thể vì đã bị những bất hạnh đó, nên ông mới thoát qua được mọi tai biến khác trong suốt thời gian ở trong tòa Bạch Ốc.

Tóm lại, do các yếu tố về phương hướng, địa hình, thiết kế, cũng như việc giới hạn nhiệm kỳ TT chỉ trong 4 năm, những năm bầu cử lại đều thuộc các năm THÂN - TÝ - THÌN đối với nhà tọa NAM hướng BẮC như thế là rất xấu, khiến cho không ai có thể sống trong tòa Bạch Ốc được lâu mà không có tai họa hay trở ngại xảy đến. Đặc biệt là vào những năm có cả Ngũ Hoàng, Tuế Phá và Tam Sát tới tọa mà lại có cuộc bầu cử như năm 2008 này. Cho nên TT đương nhiệm (và sắp sửa ra đi) sẽ gặp nhiều trắc trở hoặc tai tiếng, còn tân TT thì sẽ bị nhiều tai họa lớn. Về vấn đề sẽ có chuyện gì xảy ra, hay mức độ tai họa như thế nào thì còn tùy theo vận số và hành động của mỗi người, nên chúng ta hãy chờ xem.

Chuyên gia phong thủy Bình Nguyên Quân