Trong tín ngưỡng của người Việt và của một số dân tộc thiểu số khác ở trên lãnh thổ Việt Nam, việc tôn thờ nữ thần, thờ mẫu thần, thờ mẫu tam phủ tứ phủ là hiện tượng khá phổ biến và có nguồn gốc lịch sử và xã hội sâu xa. Tuy tât cả đều là sự tôn sùng thần linh nữ tính, nhưng giữa thờ nữ thần, mẫu thần, mẫu tam phủ tứ phủ không hoàn toàn đồng nhất
Đạo Mẫu Việt Nam là một tín ngưỡng bản địa cùng với những ảnh hưởng ngoại lai từ đạo giáo, tín ngưỡng lấy việc tôn thờ Mẫu (Mẹ) làm thần tượng với các quyền năng sinh sôi, bảo trữ và che chở cho con người. Tín ngưỡng mà ở đó đã được giới tính hoá mang khuôn hình của người Mẹ, là nơi mà ở đó người phụ nữ Việt Nam đã gửi gắm những ước vọng giải thoát của mình khỏi những thành kiến, ràng buộc của xã hội Nho giáo phong kiến
Các ghi chép về đạo Mẫu
Các văn bản ghi chép về các thần linh ban đầu đều xuất phát từ thần thoại, huyền thoại, truyện kể dân gian và đồng thời cũng có hiện tượng ngược lại là huyền thoại hóa, dân gian hóa các văn bản thần thần tích, thần phả. Hiện tượng đó về các nữ thần, Thánh Mẫu cũng không nằm ngoài quy luật chung đó.
Trong truyện kể dân gian về bà chúa Liễu Hạnh lưu truyền trong dân gian khá phong phú, sau này một số được ghi chép lại trong các sách cổ như Việt điện u linh, ngoài ra còn có các truyện kể dân gian khác về các vị nữ thần được các sách sau này tập hợp và ghi chép lại.
Cùng với việc sưu tầm, một số tác giả là các trí thức nho học thời phong kiến đã tiến hành ghi chép lại và sáng tác thêm những huyền thoại, truyền thuyết đã được sưu tầm ghi chép từ trước và thậm chí là sáng tác thêm cho phù hợp tư tưởng lễ giáo thời kỳ đó. Từ thời Hậu Lê, đã có những việc như vậy nhằm phục vụ cho việc phong thần của các vị vua với hai trường hợp điển hình với các ghi chép-sáng tác về Thánh Mẫu Liễu Hạnh ở miền bắc Việt Nam của Nguyễn Công Trứ, Đoàn Thị Điểm và trường hợp thứ hai là về Thiên Y A Na ở nam Trung Bộ Việt Nam của Phan Thanh Giản
Ngoài các ghi chép-sáng tác như trên, cũng có một nguồn tư liệu khác được dân gian sáng tác từ các huyền thoại, truyền thuyết và thậm chí là các truyện, thơ về các Thánh Mẫu. Đó là các bài hát văn ở Mẫu Tam phủ Tứ phủ với phần cốt lõi của các bài hát văn là lai lịch, sự tích các vị thần, nhất là các Thánh Mẫu. Ngoài ra còn nhiều tình tiết khác về khung cảnh, dung nhan, tướng mạo của các vị thần được những người sáng tác vô danh diễn tả, tô vẻ thêm
Những nghiên cứu từ thế kỷ 20
Các công trình nghiên cứu đầu tiên về Nữ thần, Mẫu thần ở Việt Nam đều là các công trình của các nhà khoa học người Pháp như Parmenties, Maspero, Durand, Simond và kế tiếp là các nhà khoa học người Việt như Nguyễn Văn Huyên, Đào Thái Bình,...
Từ thập niên 1990, nhất là sau hội thảo quốc gia về Thánh Mẫu Liễu Hạnh do Viện nghiên cứu văn hóa Việt Nam tổ chức tại Văn Miếu (Hà Nội), không khí học thuật liên quan tới tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng và tín ngưỡng dân gian nói chung diễn ra sôi động, hàng loạt tác phẩm, công trình nghiên cứu đã được công bố.
Từ các nghiên cứu tổng hợp, các nhà nghiên cứu đã hệ thống hóa được việc tôn thờ Đạo Mẫu Việt Nam trên cả phương diện đồng đại và lịch đại. Về phương diện lịch đại, Đạo Mẫu Việt Nam được hình thành và phát triển trên cái nền thờ Nữ thần và Mẫu thần bản địa, rồi tiếp thu những ảnh hưởng của Đạo giáo Trung Hoa để đạt đến đỉnh cao là đạo thờ Mẫu Tam phủ Tứ phủ. Tới thế kỷ 17-18, khi mẫu Tam phủ Tứ phủ đã được hình thành và phát triển thì nó lại Tam phủ, Tứ phủ hóa tục thờ Nữ thần, Mẫu thần
Về phương diện đồng đại, đạo Mẫu theo chân người Việt di cư vào phương nam trong quá trình nam tiến. đạo Mẫu của người Việt đã giao thoa, tiếp biến với các tục thờ Mẫu của người Chăm, người Khmer từ đó tạo nên các dạng thức địa phương của Đạo Mẫu Việt Nam ở ba miền Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ
Các dạng thức thờ Mẫu
Thờ Mẫu ở Bắc bộ
Bắt nguồn từ tục thờ Nữ thần có nguồn gốc xa xưa từ thời tiền sử, tới thời phong kiến một số Nữ thần đã được cung đình hoá và lịch sử hoá để thành các Mẫu thần tương ứng thời kỷ từ thế kỷ 15 trở về trước với việc phong thần của nhà nước phong kiến, hình thức thờ Mẫu thần với các danh xưng như Quốc Mẫu, Vương Mẫu, Thánh Mẫu như hiện tượng thờ Ỷ Lan nguyên phi, Bà chúa Kho, Mẹ Thánh Gióng, Tứ vị Thánh nương
Từ khoảng thế kỷ 15 trở đi, hình thức thờ mẫu Tam phủ, Tứ phủ được định hình và phát triển mạnh, đây cũng là thời kỳ xuất hiện Thánh Mẫu Liễu Hạnh với các nghi thức ảnh hưởng từ Đạo giáo
Thờ Mẫu ở Trung Bộ
Dạng thức thờ Mẫu này chủ yếu ở khu vực nam Trung bộ, đặc trưng cơ bản của dạng thức thờ Mẫu ở đây là tín ngưỡng thờ Mẫu không có sự hiện diện của mẫu Tam phủ, Tứ phủ mà chỉ có hình thức thờ Nữ thần và Mẫu thần. Hình thức thờ Nữ thần như thờ Tứ vị Thánh nương, Bà Ngũ Hành và hình thức thờ Mẫu thần như thờ Thiên Y A Na, Po Inư Nưgar
Thờ Mẫu ở Nam bộ
So với ở Bắc Bộ, tục thờ Nữ thần và Mẫu thần có sự phân biệt nhất định với biểu hiện rõ rệt là thông qua tên gọi và xuất thân của các vị thần thì ở Nam Bộ sự phân biệt giữa hình thức thờ Nữ thần và Mẫu thần ít rõ rệt hơn, hiện tượng này được giải thích với nguyên nhân Nam Bộ là vùng đất mới của người Việt, khi di cư vào đây họ vừa mang các truyền thống tín ngưỡng cũ lại vừa tiếp nhận những giao lưu ảnh hưởng của cư dân sinh sống từ trước tạo nên bức tranh không chỉ đa dạng trong văn hoá mà còn cả trong tín ngưỡng
Những Nữ thần được thờ phụng ở Nam Bộ như Bà Ngũ Hành, Tứ vị Thánh nương, Bà Thuỷ Long, Bà Chúa Động, Bà Tổ Cô,...và những Mẫu thần được thờ phụng như Bà Chúa Xứ, Bà Đen, Bà Chúa Ngọc, Bà Thiên Hậu,...
Tham khảo thêm:
Đạo Mẫu Việt Nam
Đạo Mẫu là một tín ngưỡng dân gian Việt Nam thờ các nữ thần (thường gọi là các Thánh Mẫu). Đạo Mẫu là một phần quan trọng trong hệ thống tín ngưỡng dân gian và bản sắc dân tộc của Việt Nam. Đạo Mẫu được thờ tại các đền, phủ. Ở miền Bắc Việt Nam, hầu hết các chùa cũng có bàn thờ Mẫu (Tiền Phật, hậu Mẫu).
Lịch sử và phát triển
Nguồn gốc lịch sử của đạo Mẫu không được ghi lại rõ ràng trong sách vở. Có người cho rằng nó có nguồn gốc từ thời tiền sử, khi người Việt thờ các thần linh thiên nhiên, các thần linh này được kết hợp lại trong khái niệm Thánh Mẫu hay Nữ thần Mẹ. Theo thời gian, khái niệm Thánh Mẫu được mở rộng để bao hàm cả các nữ anh hùng trong dân gian - những người phụ nữ có thật nổi lên trong lịch sử với vai trò người bảo hộ hoặc trị bệnh. Những nhân vật lịch sử này được kính trọng, tôn thờ, và cuối cùng được thần thánh hóa để thành một trong các hiện thân của Thánh Mẫu.
Ngô Đức Thịnh phân chia sự phát triển của đạo Mẫu thành các giai đoạn:
1. Thờ các nữ thần thiên nhiên riêng biệt. Các nữ thần này là các tinh thần thiên nhiên và không có đặc điểm của con người, đặc biệt là đặc điểm của người mẹ.
2. Thờ các Thánh Mẫu. Các nữ thần này đã có đặc điểm của người mẹ. Ví dụ Mẹ Âu Cơ, mẹ của dân tộc Việt.
3. Thờ Thánh Mẫu tam phủ-tứ phủ. 3 hay 4 "Phủ" ở đây không phải là số đơn vị xây dựng như "đền", "phủ", mà là 3 hay 4 thành tố của vũ trụ: Trời (Thiên phủ), Đất (Địa phủ), Nước (Thủy phủ/ Thoải phủ), Núi rừng (Nhạc phủ).
Nghi lễ thờ cúng
Các vị thần trong đạo Mẫu phản ánh các phẩm chất của một người Mẹ vừa thần thánh lại vừa con người. Đạo Mẫu không chú trọng vào cuộc sống sau khi chết, nó quan tâm đến cuộc sống hiện tại và câu hỏi làm thế nào để người ta có thể đạt được một cuộc sống hạnh phúc và đầy đủ trên trần gian.
Điều đó thể hiện trong các cầu nguyện và kinh lễ. Các bài kinh lễ là các bài hát về nhiều điều mà người ta mong muốn trong cuộc sống hàng ngày: thời tiết tốt cho mùa màng, sức khỏe cho mọi người, hạnh phúc, tiền tài, v.v.. Nội dung của các bài kinh lễ đơn giản và dễ hiểu, điều này rất khác so với nội dung kinh lễ các tôn giáo khác như Phật giáo hay Kitô giáo.
Đạo Mẫu có các nghi lễ tổ chức theo Âm lịch với các tín đồ và nhiều người đi lễ tham gia. Các nghi thức hành lễ không được đào tạo chính thức mà chủ yếu được truyền khẩu từ đời này qua đời khác. Nghi lễ phổ biến nhất là lên đồng (hay còn gọi là hầu bóng). Trong nghi lễ này, người ta tin rằng linh hồn của các vị thần sẽ nhập vào người lên đồng, linh hồn này được vời đến để nghe lời cầu nguyện của người đi lễ. Trong các nghi lễ, phụ nữ thường đóng vai trò chính, người lên đồng cũng thường là phụ nữ (bà cốt), đôi khi mới do nam giới đảm nhận (ông đồng).
Các giá đồng (các điệu múa linh thiêng) là một phần quan trọng của nghi lễ. Có 72 giá đồng, bao gồm giá các quan lớn, giá các cậu, giá chầu bà, giá các cô,... Trong buổi lễ, các giá đồng được biểu diễn cùng với hát văn (hay chầu văn). Hát văn là một thể loại hát nói (vừa hát vừa nói). Hát văn do người đồng biểu diễn cùng với dàn nhạc cung văn. Người ta nói rằng, chầu văn tạo nên một khung cảnh và âm nhạc tâm linh để giúp cho người đồng nhập vào vai mới và gắn kết với những con người và nơi chốn ở bên ngoài thế giới địa phương của họ.
Đạo Mẫu có hai dịp lễ hội quan trọng: "Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ", kỷ niệm ngày mất của Đức thánh Trần (Cha) và Liễu Hạnh Công chúa (Mẹ). Ngoài ra, người đi lễ có thể đến các phủ đền vào các ngày mùng Một hoặc ngày Rằm (âm lịch) hàng tháng, dâng đồ cúng lễ để tạ ơn và cầu khấn.
Thánh Mẫu Liễu Hạnh
Thánh Mẫu Liễu Hạnh được cho là công chúa của Ngọc Hoàng Thượng đế, do lỡ tay làm vỡ chén ngọc mà bị đày xuống trần làm con gái nhà họ Lê (ở nơi ngày nay thuộc tỉnh Nam Định) vào năm 1557. Dưới trần, bà có cuộc sống ngắn ngủi, lấy chồng và sinh con năm 18 tuổi và chết năm 21 tuổi. Do bà yêu cuộc sống trần tục nên Ngọc Hoàng cho bà tái sinh lần nữa. Trong kiếp mới, bà du ngoạn khắp đất nước, thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên, gặp gỡ nhiều người. Bà thực hiện nhiều phép mầu, giúp dân chống quân xâm lược. Bà trở thành một lãnh tụ của nhân dân và thậm chí bà còn tranh đấu với vua chúa. Do đức hạnh của bà, nhân dân đã lập đền thờ bà (Đền Sòng tỉnh Thanh Hóa). Bà đã được thánh hóa và trở thành một vị Thánh Mẫu quan trọng nhất và một hình ảnh mẫu mực cho phụ nữ Việt Nam.
Cho dù cuộc đời của bà được giải nghĩa theo cách nào, Liễu Hạnh đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh của phụ nữ. Bà tách mình ra khỏi Khổng giáo với quan niệm trọng nam khinh nữ. Bà nhấn mạnh vào hạnh phúc, quyền tự do đi lại và độc lập tư tưởng. Vừa được kính sợ vừa được yêu mến, các nguyên tắc của bà về trừng phạt kẻ xấu và ban thưởng người tốt cũng đã gửi một thông điệp về sự bảo vệ và hy vọng vào công bằng xã hội cho nhân dân trong thời loạn lạc của các thế kỷ 17-19. Vừa là thần tiên vừa là người (con gái, vợ, mẹ), Liễu Hạnh chia sẻ vui buồn với những người trần tục. Bà được coi là vị thần cảm thông và độ lượng nhất. Bà trở thành một trong các vị thần của Đạo Mẫu và nhanh chóng được nâng lên vị trí quan trọng nhất, cai trị các vị thần ở dưới và thế giới con người.
Các vị thần khác của đạo Mẫu
Trong các đền thờ của Đạo Mẫu có nhiều vị thần được sắp xếp theo các thứ bậc. Đầu tiên là Ngọc Hoàng. Đây là vị thần tối cao và được đặt ở vị trí danh dự, nhưng lại ít được thờ cúng. Vị thần cao nhất của Đạo Mẫu là Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Các vị khác được đặt tại các ban thờ tam phủ hoặc tứ phủ. Các Chư Linh của ban Tứ Phủ được phân chia như dưới đây:
Bảo Dân Hộ Quốc Thánh Mẫu (越國聖母)
- Mẫu Âu Cơ (Thiên Phủ & Nhạc Phủ)
- Mẫu Đệ Nhất (Thiên Phủ). Danh hiệu: Mẫu Liễu Hạnh
- Mẫu Đệ Nhị (Nhạc Phủ). Danh hiệu: Mẫu Thượng Ngàn
- Mẫu Đệ Tam (Thoải Phủ). Danh hiệu: Mẫu Thoải
- Mẫu Đệ Tứ (Địa Phủ). Danh hiệu: Lê Mại Đại Vương
Phụ Vương Đại Thánh (越國聖父)
- Lạc Long Quân (Thoải Phủ)
- Bát Hải Long Vương (Thoải Phủ). Danh hiệu: Vua Cha
Trần Triều Hiển Thánh (陳朝顯聖)
- Đức Thánh Trần. Danh hiệu: Trần Quốc Tuấn (Trần Hưng Đạo - Tiết chế quốc công Hưng Đạo Đại vương)
- Đệ Tam Ông Cửa Suốt - Con trai thứ ba của Hưng Đạo Vương
- Đệ Nhất Vuong Cô - Con gái thứ nhất của Hưng Đạo Vương
- Đệ Nhị Vương Cô - Con gái thứ hai của Hưng Đạo Vương
- Đức Thánh Phạm Danh hiệu: Phạm Ngũ Lão - Con rể của Hưng Đạo Vương
- Cô Bé Cửa Suốt -cháu gái của Hưng Đạo Vương
- Cậu Bé Cửa Đông-cháu trai của Hưng Đạo Vương
Các Vị Chúa Mường (山林嶽府占卜神婆)
là các vị Chúa Bà chuyên về đáp giải bói bốc. Nếu chỉ tính ba vị Chúa Bói thì gọi là "Tam Toà Chúa Bói."
- Chúa Đệ Nhất Tây Thiên(Thiên Phủ)&(Nhạc Phủ)
- Chúa Đệ Nhị Nguyệt Hồ(Nhạc Phủ)
- Chúa Đệ Tam Lâm Thao (Thoải Phủ)&(Nhạc Phủ)
- Chúa Cà Phê(Địa Phủ)&(Nhạc Phủ)
- Chúa Ngũ Hành Ngũ Phương(Nhạc Phủ)
- Chúa Long Giao(Nhạc Phủ)
- Chúa Thác Bờ (Thoải Phủ)&(Nhạc Phủ)
- Chúa Mọi(Nhạc Phủ)
Ngũ Vị Tôn Quan (五位神威尊官皇太子)
Trách nhiệm của ngũ vị này là giáng vào thanh đồng để bắt đầu "mở phủ" cho các giá đồng sau được theo vào người đồng.
- Quan Đệ Nhất quyền cai Thiên Phủ trên trời, theo thần thoại là thần làm mưa làm gió, và cũng là Quan Lớn ở trong cung điện Ngọc Hoàng. Mặc bào mầu đỏ.
- Quan Đệ Nhị (Quan Giám Sát) ngày cúng của Đức Giám Sát là Âm Lịch mùng Ba tháng Ba. Châu văn ràng: Quyền cai rừng núi Lâm Cung, lên rừng suống biển tâu về Bát Hải Long Vương. Lúc đánh trận cho nhà vua thánh, Ông Quan là vị giám sát trước để đánh thuận xông pha. Mặc bào mầu xanh lá cây. Lúc lên giá này, ông cầm khăn phủ diện để minh giám hoàn cảnh.
- Quan Đệ Tam (Quan Tam Phủ) là con vua Bát Hải Long Vương, ra trận cầm đối đao vệ dân hộ quốc. Mặc bào mầu trắng. Lúc lên giá này, ông cầm đôi bạch kiếm đi xông pha quỉ thế tà giới.
- Quan Đệ Tứ (Quan Khâm Sai) là một ông quan Địa Linh quyền cai đất bằng. Ông có trách nhiệm đi khâm sai các vùng các dân, giữ an lành của nước Việt. Mặc bào mầu vàng.
- Quan Đệ Ngũ (Quan Tuần Tranh) là một ông Quan anh hùng hào kiệt có kể là tướng đi tuần ở Sông Tranh. Mặc bào mầu xanh biển. Lúc lên giá này, ông cầm cái thanh long đao to như của ông Quan Công của thời Tam Quốc.
Lục Phủ Tôn Ông (六府特臣尊官聖靈)
- Đệ Nhất Vương Quan. Danh hiệu: Quan Điều Thất
- Đệ Nhị Vương Quan. Danh hiệu: Quan Hoàng Triệu
Tứ Phủ Chầu Bà (四府十二位英靈公主)
- Chầu Đệ Nhất (Thiên Phủ)
- Chầu Đệ Nhị (Nhạc Phủ). Danh hiệu: Ngôi Kiều Công Chúa
- Chầu Đệ Tam (Thoải Phủ). Danh hiệu: Thuỷ Điện Công Chúa
- Chầu Thác Bờ (Thoải Phủ & Nhạc Phủ) Có người hầu là giá thứ ba, tức là Chầu Đệ Tam, Bà chúa Thác Bờ
- Chầu Đệ Tứ (Địa Phủ). Danh hiệu: Chiêu Dung Công Chúa
Đình Cốc Thượng là nơi tôn thờ Chiêu Dung công chúa Lý Thị Ngọc Ba, đã có công với dân, với nước. Bà đã cùng Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh tan quân xâm lược Nam Hán phương Bắc, đem lại thái bình cho dân tộc vào thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên (năm 40)
- Chầu Năm (Nhạc Phủ). Danh hiệu: Suối Lân Công Chúa
- Chầu Ngũ Phương Có người hầu giá này thay vao Chầu Năm, tức là Chúa Ngũ Hành Ngũ Phương
- Chầu Lục (Nhạc Phủ). Danh hiệu: Lục Cung Công Chúa
- Chầu Bẩy (Nhạc Phủ). Danh hiệu: Tân La Công Chúa
- Chầu Tám (Nhạc Phủ). Danh hiệu: Nữ Tướng Bát Nàn
Bà họ Vũ, ở làng Phượng Lâu, huyện Kim Động, trấn Sơn Nam (nay thuộc tỉnh Hưng Yên). Thân phụ của bà là thầy thuốc làm nhiều việc phước đức. Bà nổi tiếng là phụ nữ xinh đẹp và giỏi võ nghệ.
- Chầu Chín Cửu Tỉnh ở Bỉm Sơn Thanh Hoá
- Chầu Mười(Nhạc Phủ). Danh hiệu: Nữ Tướng Đồng Mỏ Chi Lăng
- Chầu Mười Một
- Chầu Bé (Nhạc Phủ). Danh hiệu: Bắc Lệ Công Chúa
Chầu Bà Ngũ Hành (五行聖婆神女)
- Đệ Nhất Chầu Bà Kim Tinh Thần Nữ
- Đệ Nhị Chầu Bà Mộc Tinh Thần Nữ
- Đệ Tam Chầu Bà Thuỷ Tinh Thần Nữ
- Đệ Tứ Chầu Bà Hoả Phong Thần Nữ
- Đệ Ngũ Chầu Bà Thổ Đức Thần Nữ
Thập Vị Thủy Tế (十位八海龍兒皇子王爺)
- Ông Hoàng Cả (Thiên Phủ). Danh hiệu: Ông Hoàng Quận/ Lê Lợi
- Ông Hoàng Đôi (Nhạc Phủ)
- Ông Hoàng Bơ (Thoải Phủ)
- Ông Hoàng Đệ Tứ (Địa Phủ). Danh hiệu: Ông Hoàng Khâm Sai
- Ông Hoàng Năm
- Ông Hoàng Sáu
- Ông Hoàng Bảy (Nhạc Phủ). Danh hiệu: Ông Bảo Hà
- Ông Hoàng Bát (Nhạc Phủ). Danh hiệu:Ông Bát Quốc, là một ông quan gốc người Hán đóng quân ở Lào Cai
- Ông Hoàng Chín (Thiên Phủ). Danh hiệu: Ông Cờn Môn
- Ông Chín Thượng(Nhạc Phủ)
- Ông Hoàng Mười (Địa Phủ). Danh hiệu: Ông Nghệ An, có công chống giặc Thanh từ bên TQ
Tứ Phủ Tiên Cô (四府山莊神領聖姑)
- Cô Đệ Nhất Thượng Thiên (Thiên Phủ)
- Cô Đệ Nhất Thượng Ngàn(Nhạc Phủ)
- Cô Đôi Thượng(Nhạc Phủ)
- Cô Đôi Cam Đường(Nhạc Phủ) quê cô ỏ Đình Bảng Bắc Ninh nhưng cô Hiển Thánh ở Cam Đường Lào Cai
- Cô Bơ Hàn Sơn (Thoải Phủ) tức là Cô Ba Bông & Cô Ba Tây Hồ
- Cô Tư (Địa Phủ)
- Cô năm Suối Lân(Nhạc Phủ)
- Cô sáu Sơn Trang(Nhạc Phủ)
- Cô bảy Tiên la(Nhạc Phủ)
- Cô Tám đồi chè(Nhạc Phủ) ở đền Phong Mục
- Cô Chín Sòng Sơn(Thiên Phủ)
- Cô Chín Thượng(Nhạc Phủ)
- Cô Chín Thoải (Thoải Phủ)
- Cô Mười Đồng Mỏ(Nhạc Phủ)
- Cô Bé Đông Cuông(Nhạc Phủ)
- Cô Bé Suối Ngang (Nhạc Phủ)
- Cô Bé Thác Bờ (Thoải Phủ)
- Cô Bé Thoải(Thoải Phủ)
- Cô Bé Đen(Nhạc Phủ) tức là Cô Bé Sóc
Thập Vị Triều Cậu (十位超靈少聖舅)
- Cậu Hoàng Cả (Thiên Phủ)
- Cậu Hoàng Đôi (Nhạc Phủ)
- Cậu Hoàng Bơ (Thoải Phủ)
- Cậu Hoàng Bé(Nhạc Phủ)
Quan Ngũ Hổ (五方神虎威靈)
- Đông Phương Giáp Ất Mộc Đức Thanh Hổ Thần Quan (東方甲乙木德青虎威靈)
- Nam Phuong Bính Đinh Hoả Đức Xích Hổ Thần Quan (南方丙丁火德赤虎威靈)
- Trung Ương Mậu Kỷ Thổ Đức Hoàng Hổ Thần Quan (中央戊已土德黃虎威靈)
- Tay Phuong Canh Thân Kim Đức Bạch Hổ Thần Quan (西方庚辛金德白虎威靈)
- Bắc Phuong Nhâm Quý Thuỷ Đức Hắc Hổ Thần Quan (北方壬癸水德黑虎威靈)
Ông Lốt (兩位青蛇白蛇大神將軍)
- Thanh Xà Đại Tướng Quân
- Bạch Xà Đại Tướng Quân
Giải thích về sự có mặt của cả nam thần lẫn nữ thần trong các vị thần của Đạo Mẫu, các nhà nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết rằng: Do xã hội Việt Nam cổ xưa theo chế độ mẫu hệ, nên phụ nữ có vị thế quan trọng trong xã hội. Tuy nhiên, người phụ nữ chỉ có được quyền lực khi họ đã kết hôn. Do đó, nam giới cũng được xem là có vai trò quan trọng trong cuộc sống, và họ cũng được thờ cúng.