Chầu Bà Đệ Tam Thoải Phủ

Chầu Bà Đệ Tam Thoải Phủ

Là vị ít khi giáng đồng nhất. Bà được coi là hoá thân của Mẫu Đệ Tam. Vốn là Thuỷ Tinh tiên nữ, con vua Thuỷ Tề ở Long cung. Thường được tôn xưng là Lân Nữ công chúa.

 

Chầu Đệ Tam Thoải Cung được coi là hóa thân của Mẫu Đệ Tam. Chầu vốn là Thủy Tinh Tiên Nữ, con vua Thủy Tề, ở chốn Long Cung, chầu thường được tôn xưng là Lân Nữ Công Chúa, quyền quản cai coi giữ các tiên nữ chốn Thủy Phủ. Lại có sự tích cho rằng bà là con gái của Lạc Long Quân, danh hiệu Thủy Tinh Động Đình Ngọc Nữ Tam Giang Công Chúa (nhưng truyền thuyết này không được lưu truyền rộng rãi mà thực tế thì người ta vẫn công nhận sự tích Chầu Đệ Tam là con Vua Long Vương Bát Hải Động Đình hơn). Trong hàng Tứ Phủ Chầu Bà, bà là vị chầu có sự tích buồn nhất.

Chầu Đệ Tam là vị chầu ít khi giáng đồng nhất (người ta thường kiêng hầu chầu đặc biệt là trong các dịp tiệc mừng vui hoặc lễ Thượng Nguyên hoặc đại đàn mở phủ). Nếu trong đàn mở phủ mà dâng bốn tòa sơn trang thì người ta cũng không hay thỉnh chầu về chứng mà thường thỉnh Chúa Thác Bờ hoặc Chầu Bé Thoải Bản Đền thay cho giá chầu để chứng tòa màu trắng. Chầu chỉ ngự về khi người hầu bắc ghế hầu Tứ Phủ ở các ngôi đền thờ các vị thánh hàng Thoải hoặc tại chính đền thờ Mẫu Thoải. Chầu ngự về thường mặc áo màu trắng, cầm quạt khai cuông. Người ta ít khi hầu chầu trong những dịp tiệc vui vì khi chầu ngự thì khá u buồn, có điều đó cũng bởi sự tích của chầu: Chầu Đệ Tam vốn là con gái Vua Thủy Tề, ở chốn Long Giai. Chầu kết duyên cùng Kính Xuyên (là con Vua Đất). Khi Kính Xuyên đi vắng, chầu ở nhà khâu vá, chẳng may kim đâm vào tay chảy máu, chầu lấy tấm vải lụa trắng để thấm máu. Thảo Mai, tiểu thiếp của Kinh Xuyên, vốn đã sinh lòng đố kị từ lâu, nhân cơ hội đó giấu tấm lụa đi, đến khi Kính Xuyên về, Thảo Mai lấy ra rồi vu oan cho bà ở nhà đã cắt máu thề nguyền để tư thông cùng kẻ khác. Kính Xuyên không nghe lời thanh minh, ghen tuông mù quáng, một mực bắt đóng cũi bỏ bà lên rừng cho thú dữ ăn thịt. Ở nơi rừng núi, bà được muôn loài quý mến, dâng hoa quả nước uống cho bà. Đến một ngày kia thì bà gặp được Liễu Nghị, vốn là thư sinh, nhờ tập ấm cha mẹ để lại nên đèn sách chuyên cần. Hôm đó trên đường đi thi thì chẳng may bị lạc vào nơi bà bị đày ải. Thấy bà vậy, Liễu Nghị đến hỏi han, sau khi biết rõ sự tình, Liễu Nghị nguyện kết duyên cùng bà. Nhưng bà từ chối, sau đó lấy máu, viết thư nhờ Liễu Nghị mang về đến chốn Long Cung để vua cha thấu hêt sự tình rồi sẽ định liệu sau. Theo lời bà, Liễu Nghị ra đến sông Ngân Hán, là mái Long Giai ngoài biển Đông, thấy có cây ngô đồng, Liễu Nghị rút cây kim thoa, gõ vào cây ba lần. Tức thì gió giật mưa sa, biển động ầm ầm, giữa dòng thấy hiện lên đôi bạch xà, Liễu Nghị bèn trình bày mọi việc, đôi bạch xà vâng lệnh đưa Liễu Nghị xuống Thủy Cung. Tại đây, Liễu Nghị trao cho Vua Thủy Tề bức thư và kể hết mọi chuyện. Vua cha tức giận, sai người đi bắt Kính Xuyên và Thảo Mai, còn truyền cho Trưởng Tử Xích Lân lên đón bà về. Sau đó Chầu Đệ Tam được rước về Thoải Phủ, kết duyên cùng Liễu Nghị, người được giao cho chức Quốc Tế Thủy Quan. Còn Kính Xuyên và Thảo Mai thì bị gia hình chịu tội (Câu Chuyện này được lưu lại trong tích “Liễu Nghị truyền thư”).

Như Chầu Đệ Nhất và Chầu Đệ Nhị, Chầu Đệ Tam được thờ ở các cửa sông cửa biển, nơi có lập đền thờ Mẫu Đệ Tam, nhưng nơi được mọi người biết đến nhiều hơn cả là Đền Thác Hàn ở tỉnh Thanh Hóa. Khi chầu ngự đồng văn hay hát thỉnh rằng:

“Trịnh giang biên duềnh ngân lai láng

Nguyệt làu làu soi rạng Nam Minh

Con vua thủy quốc Động Đình

Có tiên thần nữ giáng sinh đền rồng”

Hoặc khi nói về nỗi oan khuất của chầu, văn cũng hát rằng:

“Trách Thảo Mai ra lòng giáo dở

Trá đồ thư làm cớ gieo oan

Kính Xuyên chẳng xét ngay gian

Nỡ đem đầy chốn lâm sơn sao đành”

Hay có những đoạn hát sử rầu:

“Tưởng nông nỗi dòng châu lã chã

Trách ai làm đôi ngả chia li

Từ nay hoa ở xuân về

Cầu Ô lỡ nhịp bến khuya vắng thuyền

Bứt rứt nỗi thung huyên nghĩa cả

Tấm thân này có xá chi đâu

Lẽ nào nát ngọc trầm châu

Vùi hoa dập liễu bởi câu tam tòng

Xót vì nỗi má hồng bội bạc

Âu cũng đành bèo dạt mây trôi

Sự này há kể chi ai

Lòng trinh chuyển động đất trời chứng minh”