Nguyên tắc Vị, Hướng trong phong thủy


     
Học thuật Phong thuỷ chính thống luôn lấy nguyên tắc chuẩn mực là “Nhất vị nhị hướng”, coi “Vị” trí cát - hung là quan trọng hàng đầu sau đó mới xét đến “Hướng” cát - hung. Nhưng hiện nay do nhiều nguyên nhân mà không ít các chuyên gia phong thuỷ chỉ quan tâm đến “Hướng” mà không biết “Vị” là gì. Đây là sai lầm khá phổ biến của các chuyên gia phong thuỷ không phải chỉ ở Việt Nam mà còn ở Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore… dễ mắc phải trong quá trình tư vấn, thiết kế dẫn đến những hậu quả khôn lường.


Bất kì một công trình kiến trúc nào cũng phải chịu tác động của hai loại khí đó là “Nguyên khí” và “Thực khí”.

Nguyên khí là khí đi chìm, khí từ lòng đất bốc lên nên còn được gọi là “Âm khí”.

Thực khí là khí đi nổi trên mặt đất nên còn được gọi là “Dương khí”.

Xét về độ mạnh yếu thì Nguyên khí lực mạnh hơn Thực khí nhưng lại phát tác chậm.

Thực khí lực nhẹ nhưng phát tác nhanh.

Âm phần hoàn toàn hấp thụ Âm khí-Nguyên khí nên âm phần thường hay chậm phát.

Dương cơ thì lại hấp thụ được cả hai khí trong đó có Dương khí-Thực khí nên phát tác nhanh nhưng Âm khí-Nguyên khí mới là khí có tương tác mạnh nhất.

Tỉ lệ so sánh về tính tương tác của hai khí này với Dương cơ thông thường là: Nguyên khí chiếm từ 70% đến 80% còn Thực khí chỉ chiếm từ 20% đến 30% .

Nguyên khí từ dưới lòng đất bốc lên nên nó chính là khí của cửu cung trong vùng khí trường. Do đó khi xét  về “Vị” trí của vật thể là ta phải xét đến khí của Cửu Cung trong vùng khí trường chứ không phải là “phương toạ”  trong Bát khí như nhiều chuyên gia Phong thuỷ thường lầm hiểu. Vì “phương toạ” đó về bản chất vẫn chỉ là xét về Thực khí – Dương khí mà thôi. Thực khí là khí vốn đi nổi trên mặt đất, biến đổi linh hoạt không ngừng nên Học thuật Phong thủy lấy Bát khí (Sinh khí, Diên niên, Thiên y, Phục vị, Tuyệt mạng, Lục sát, Hoạ hại, Ngũ quỷ) để tượng trưng cho Thực khí. Thực khí phải dụng hướng mà hấp thụ đồng thời nó phụ thuộc vào nhân khí- cơ địa của người ở. Những người ở Tây tứ mệnh nên dụng hướng của Tây trạch để đón được các cát khí (Sinh khí, Diên niên, Thiên y, Phục vị) còn những người ở Đông tứ mệnh nên dụng hướng của Đông trạch để đón được các cát khí hay có được Thực khí tốt. Nhưng cần phải linh hoạt khi áp dụng _ Ví dụ: (Trường hợp này coi như đã xét đến vị trí trong cửu cung khí trường là vị trí tốt) Gia đình có cháu trai nhỏ 23 tháng tuổi, cháu sinh năm 2005 cung mệnh là cung Tốn, suốt từ khi cháu lọt lòng cháu rất hay quấy khóc về đêm biếng ăn suy nhược. Trước đó khi cháu được 15 tháng tuổi gia đình đã mời thầy địa lý đến để đặt chỗ ngủ cho cháu để cải thiện sức khoẻ cho cháu. Theo như thầy chọn cho cháu nằm chân đặt ra hướng Bắc (Khảm) đầu đặt hướng Nam( Ly) với lý do là Tốn + Khảm sẽ đón được khí Sinh khí. Nhưng cháu bé lại càng yếu và mệt mỏi hơn. Tại sao lại như vậy? Đó là vì thầy Phong thuỷ đó đã không linh hoạt không để ý đến cơ địa , thể trạng sức khoẻ của cháu bé. Cháu bé sau khi đặt lại xoay ngược hoàn toàn hướng cũ là đầu đặt hướng Bắc, chân đặt hướng Nam thì hạn chế khóc đêm, giấc ngủ của cháu sâu hơn, ăn nhiều hơn và khoẻ mạnh trông thấy chỉ sau 2 tuần mặc dù vẫn giữ chế độ ăn, uống như ban đầu. Giải thích cho hiện tượng này ta phải xét về từ trường của Trái Đất. Từ trường của Trái đất tác động giống như một khối nam châm cực lớn, với những đường sức đi ra từ Bắc bán cầu và đi vào ở Nam bán cầu. Theo học thuyết kinh lạc, các đường kinh dương trong cơ thể di chuyển theo chiều từ đầu xuống chân (dương giáng). Do đó, thế nằm đầu Bắc chân Nam còn làm cho các đường kinh dương dễ di chuyển thuận chiều theo từ trường của quả đất, giúp cho sự lưu thông khí huyết và sự điều hòa hoạt động chức năng của các cơ quan.

Đồ hình mô tả sự ứng hợp âm dương giữa 2 bên, trên, dưới của cơ thể và bốn phương Đông Tây Nam Bắc của vũ trụ bên ngoài.
Cho nên dù quay về hướng Nam ( Ly) chỉ đón được khí Thiên y (Tốn+Ly) nhưng vì cơ thể của trẻ nhạy cảm, thể chất yếu cần phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề từ trường của Trái Đất. Từ nhiều trường hợp trong quá trình thực nghiệm sắp đặt hướng nằm ngủ theo Phong thuỷ ta cần chú ý đến cơ địa, thể tạng của người nằm ngủ. Nếu họ có thể chất khoẻ mạnh, cơ thể không nhạy cảm (ít chịu tác động của thời tiết, nhiệt độ…) thì ta sẽ xoay hướng cát tránh hướng hung , nhưng ngược lại ta phải chú ý hai hướng nằm ngủ hợp lý nhất là: Đầu đặt hướng Bắc, chân đặt hướng Nam hoặc đầu đặt hướng Tây, chân đặt hướng Đông.

 

Thực khí - sát còn chính là những sát khí sau: Âm thanh sát, xú uế sát(do uế khí, thán khí), cô hư sát (do nghĩa trang, đình miếu), khổ hình sát (do công trình kiến trúc xung quanh), độc tần sát (do trạm điện, xăng), lai lộ sát (do sông ngòi, đường xá). Nhưng đây là những sát khí dù có gây bất lợi, sinh ra những tai hoạ cho gia chủ nhưng chỉ là những bất lợi nhẹ, tai hoạ thoảng qua nên việc hoá giải cũng như xử lý các sát khí trên thường đơn giản, ít tốn kém.

Nguyên khí – sát là cái sát do Nguyên khí xấu của Bản trạch gây ra do sắp đặt sai các vị trí Tiết minh, Bất Tiết minh trong Cửu cung khí trường như: Tại cung Âm quý nhân, Thiên lộc, Thiên mã chỉ dành cho các Tiết minh mà bố trí nhà vệ sinh, bể phốt…trong khi Tại cung Thiên hình, Đại Sát, Độc hoả  lại đi bố trí ban thờ, nhà bếp, giường ngủ… Hậu quả của Nguyên khí sát theo thực tiễn áp dụng của Học thuật Phong thuỷ đã thấy là không gia đình nào là không gặp tai hoạ, thậm chí có gia đình người trong nhà bị chết, tai nạn thảm khốc, phá sản , tuyệt tự, vô sinh…Nhẹ hơn thì bị tâm thần bất ổn, mắc chứng bệnh hoang tưởng, vợ chồng ly tán, con cái bất hiếu… phụ thuộc vào Nguyên khí sát ở mức độ nào. Ví dụ - Trường hợp nhà toạ 314,5­o , hướng cổng (Ngoại môn) trùng với hướng cửa chính (Đại môn) kể từ tâm nhà là 116o . Quan sát trên La kinh có 314,5o là phân kim Đinh Hợi còn 116o là phân kim Giáp Thìn. Định vị Cửu Cung khí trường ( Cửu Cung thần sát) theo hình đồ Lạc Thư :

http://www.phongthuyhoangdien.com/images/NewImages/baiviettacja.JPG

Chủ nhà là nam sinh năm 1969 tuổi Kỷ dậu , người Đông tứ mệnh- Cung Tốn( Mộc). Bát trạch dựa trên Cửu cung Lạc thư:

http://www.phongthuyhoangdien.com/images/NewImages/baiviet.JPG

Xét cả hai hình đồ trên ta thấy: Vị trí đặt cổng, cửa chính là cách tương đối tốt. Vì cổng và cửa được đặt ở cung Vô nguyên khí hữu thực khí và đón cát khí là Phục Vị. Bếp gia chủ đặt tại vị trí số 6 cho nên dù đã đảm bảo yêu cầu thông thường là “hung toạ-cát hướng” ( toạ tại Tây Bắc nhìn hướng Đông Nam) khi xét về Thực khí  nhưng đã phạm phải một sai lầm lớn khi xét đến Nguyên khí  vì trong cửu cung khí trường đó là Hung Cung - Độc hoả. Gia chủ làm ăn thua lỗ hao tài tốn của, mẹ chồng ốm yếu luôn dù mới có 58 tuổi, vợ chồng lục đục suốt 2 năm liền kể từ khi đặt bếp tại vị trí trên. Chuyên gia đã tư vấn cho gia chủ nên đặt bếp tại vị trí số 7 để đảm bảo toạ Lục Sát nhìn hướng Đông Nam (Thực khí), cung Vô nguyên khí hữu thực khí. Sau 5 tháng đã thấy ứng nghiệm, gia chủ làm ăn tốt hơn, bà mẹ khoẻ mạnh hơn, vợ chồng hoà thuận.

Nếu chuyên gia Phong Thuỷ có học thuật hạn chế không thật sự hiểu và phân biệt được những nguyên tắc về “Vị”, “Hướng” thì dù có đặt bếp, đặt ban thờ Táo quân đảm bảo “hung toạ-cát hướng”, đặt ban thờ gia tiên “cát toạ-cát hướng” (xét về Thực khí) hay các Tiết minh, Bất Tiết minh khác…cũng không thể nào tránh khỏi đưa ra những tư vấn sai lầm dẫn đến những tai hoạ cho gia chủ.

Nguyễn Song Hà

Chuyên gia phong thủy

Chuyên viên đào tạo phong thủy cao cấp

Hệ Thống Phong Thủy Hoàng Điền