I. Mục Đích
Thiền - dù trải qua bao thế hệ thời đại theo thời gian và không gian, với quan niệm tu tập trong mọi tôn giáo có khác nhau - cũng chỉ là phương pháp thực hành để đến đích của đạo mình, nên gọi đồng tên thiền kèm theo đạo hoặc môn phái riêng và có nhiều tên đặt không giống nhau, ngay cả trong Phật giáo cũng có nhiều loại thiền. Tổ Sư Thiền có lẽ bắt đầu từ thời Trừng Quán (738-839),Tứ tổ Hoa nghiêm tông của Phật giáo Trung Hoa, sư Khuê Phong Mật Tông (780-842). Lúc đầu, các vị thiền sư dùng các kinh để ứng dụng thiền, như kinh Lăng Già, Kim Cương, hay Hoa Nghiêm nhất là Bát Nhã Tâm kinh, nhưng thực ra ngay từ khi đạo Phật ra đời, Phật đã từng tu Thiền định. Tu tập theo Tứ Niệm Xứ, Minh Sát Tuệ v.v...cũng có thể gọi là Thiền dù Thiền Định hay Thiền Quán , như Thiền Minh Sát, Quán Tứ Niệm Xứ, Thiền Hơi Thở...các vị tu sĩ cũng vẫn đạt được mức độ giải thoát khỏi triền phược. Từ tất cả các loại kinh căn bản của Phật giáo Nguyên Thủy hay Phát Triển đều chứa đựng mọi giáo lý đệ nhất nghĩa để thực hành. Tựu chung, mục đích thiền của Phật giáo là làm sao trong sạch hóa dòng tâm thức luôn trôi chảy không ngừng nghỉ vì dính đầy tính vẩn đục. Thật sự là tâm vốn luôn luôn thanh tịnh tự bản tính kia nhuốm bởi những tạp nhiễm ngoại lai. Thực tế là không có tâm nào khác ngoài tâm [tri nhận] thực tại chân thực luôn luôn trong sáng tự bản tính. Thiền là tìm về bản tánh trong sáng và thanh tịnh đó để vượt khỏi phiền não và dòng bộc lưu sanh tử hay thanh lọc dòng tâm thức đang lăn trôi, vốn hệ lụy đến nhiều đời luân hồi quả báo.
II. Pháp Luận
a) Thanh lọc dòng tâm thức
Dòng tâm thức luôn trôi chảy không ngừng nghỉ vô thủy vô chung chạy dài theo thời gian và lăn trôi trong không gian vô tận. Dòng tâm thức ấy hiện diện trong quá khứ, ngay cả hiện tại và cả tương lai không lúc nào nó vắng mặt. Ở ngoại giới (không gian) hay trong nội tâm (tâm khảm) không nơi nào mà dòng tâm thức không bị ảnh hưởng. Sáu Thức ra vào sáu Căn, nhân đó có tham trước muôn cảnh tạo thành Nghiệp dữ (Vô minh), che khuất Bổn thể Chơn như. Do ba độc (Tham Sân Si) sáu giặc (Lục Thức hay Lục Tặc), nên chúng ta bị mê hoặc và rối loạn thân tâm, trôi giạt trong sanh tử luân hồi, lăn lóc trong sáu đường (Lục đạo: Thiên, Nhơn, A Tu La, Súc Sanh, Ngạ Quỷ và Địa Ngục), chịu cảnh khổ đau. Nghiệp Thức như có sức hấp lực, lôi kéo Thân Khẩu Ý chạy theo Tâm viên Ý mã của mình. Tâm thức theo Thời Gian kết tụ. Dòng Tâm Thức bị chi phối bởi Nhị Nguyên Tính hay là sự lăn trôi của Giác Thức. Giác Thức là Vô Minh là Tâm Bất An. Muốn ra khỏi vòng kiềm tỏa của Vô Minh ta phải có Giác Trí cũng như ta muốn ra khỏi bóng tối (Vô Minh) thì phải có ánh sáng (Giác Trí). Làm sao đạt được Giác Trí ?
Giác Trí là tiến trình tri nhận đầu nguồn của Giác Thức Đang Là, cũng là Nhất Nguyên Tính Tương Đối của Trí Thức hay Tư Tưởng. Nhất Nguyên là vì khi Ý Tác Động của Căn (Ý thức) tiếp xúc với đối tượng (thực tại giả lập), thành Giác Thức (hay Tâm Thức), lập tức được Ý Tác Năng (Ý Trí) ý niệm hóa Giác Thức thành Giác Trí (hay Tâm Trí). Tâm Thức và Tâm Trí cùng một Tâm. Thức chuyển thành Trí. Giác Trí Đang Là (hiện tại), dù nằm trong đạo lý nhất nguyên, nhưng nó cũng huyễn hóa theo thời gian. Cái Đang Là là sự nối tiếp những điểm sát na sanh diệt liên tục. Dòng Giác Trí ấy trôi chảy làm cho Trí và Thức liên hợp sanh ra Tư Tưởng. Còn tư tưởng là còn có sự thay đổi, nên chưa phải là chân lý. Chân lý thì thường hằng bất biến. Do dó Giác Trí Đang Là thuộc diện tương đối;
Chân Trí hay Giác Trí Tuệ hay cái Trí Nguyên Sơ được nhận thức ngay nơi thực tại điểm khởi đầu tiến trình của động tác Giác Trí Đang Là, cũng là Nhất Nguyên Tính Tuyệt Đối của Năng Sở song vong và vô Thời Không. Vậy Chân lý tối hậu hay Tự tính tuyệt đối, hay đạo lý Nhất nguyên tuyệt đối là Nhận thức vượt Thời Không, là Tánh Giác hay Tánh Không. Không dùng Tư Tưởng suy nghĩ bàn luận mà dùng pháp môn không hai, hay nói khác đi làThể hiện, là im lặng không dùng ngôn ngữ mà là Hành là Thiền. Đó là pháp "Bất Khả Tư Nghị", là tuệ tri ngay không tánh thực có trong dòng duyên khởi, là Trung Đạo.
III. Pháp Hành
Đường đi đến Niết Bàn tuyệt đối hay trở về Bản Tâm hay Chơn Tâm hay Phật Tánh có thể thực hiện bằng pháp hành qua pháp học. Trong pháp học, nào là giới luật phải nghiêm minh, kinh điển phải thông hiểu tường tận đệ nhất nghĩa, pháp luận phải trung thực và nhứt quán với kinh điển Phật dạy. Tuy nhiên trước tiên cần phải am tường kết cấu của tâm thức bao gồm vọng tâm và chơn tâm mới có thể mở ra con đường minh bạch, sáng sủa rõ ràng mà hành trì cho đúng. Cần nhắc lại phần tâm lý học trước khi bắt đầu hành pháp môn tu tập hay gọi là thiền.
a) Kết Cấu Tâm Thức
Rất cần thiết khi phân biệt Thức và Trí, quan trọng hơn nữa khi nhận biết thế nào là Vọng Tâm và Chân Tâm. Chúng ta cần biết rõ ràng cách thức cấu kết của Tâm Trí để thực hành đúng các pháp môn của Phật, nhất là ngồi Thiền. Do đó, sự phân biệt Cảm Giác (Sensation), Giác Thức (Perception hay Consciousness) Giác Trí (Cognition) và Giác Trí Tuệ (Pure Cognition) là cần thiết.
1). Nhận Diện (Sensation).
Ngủ giác quan là phương tiện tiếp xúc với trần cảnh để nhận diện ảnh hay hay bóng dáng của trần cảnh. Đó là chúng ta cảm giác được hình ảnh của sự vật qua ngũ giác quan mà thôi. Thí dụ, khi ta thấy con bò là thấy hình ảnh con bò ở võng mạc cuả mắt mà thôi. Đó là CẢM GIÁC. Nhắc lại, (Về thị giác) khi ta nhìn con bò, hình ảnh con bò hội tụ ở võng mạc của mắt, truyền dẩn bởi thị giác thần kinh lên não, lức đó ta mới nhận diện được hình ảnh con bò. Khi có thời gian thì sự vật chạy dài trong không gian, với ảnh ta vừa thấy đó không còn là ảnh thật nữa (Sắc tức thị không: Sắc lập tức (Một sát na) biến thành không thật nữa. Hể có thời gian thì có không gian. Sự vật huyễn hóa theo thời gian và ảnh không còn thật trong không gian. Vậy, khi nhận diện được hình ảnh (thấy), ấn tượng chấn động lực(nghe), không khí hay hơi (ngửi), ấn tượng kích thích (nếm), hình ảnh tiếp giáp của da hay cơ thể (xúc) là thể không của đối tượng qua tiền ngũ căn. Thí dụ, như thị giác, sự vật chiếm cứ trong không gian (hư không) một dung thể không: sự vật và dung thể không của nó khắng khít nhau như một, thì thể không của nó là hình ảnh sự vật được hội tụ ở võng mạc mắt khi mắt nhìn sự vật. Do đó khi thấy sự vật cụ thể ở trong không gian là thấy hình ảnh của nó ở võng mạc của mắt mà thôi.
2). Nhận Thức hay Tri Giác (Perception).
Khi chúng ta cảm giác hình ảnh sự vật thì lúc đó chúng ta mới nhận biết được (perceive) tên sự vật. Sự vật có tên mà ta nhận thức đó là GIÁC THƯC (hay Tâm Thức: Consciousness hay Perception) chạy dài theo thời gian. Khi nhận thức ngay niệm đầu một sát na và không có kéo dài thời gian nữa là ta có giác thức nguyên sơ (niệm đầu) hay là chơn thức (pure perception or true consciousness). Hình ảnh con bò là thể không được nhận thức bởi tâm trí (tâm trí cũng cùng thể không.) Tâm và vật đồng thể không, nên sự nhận thức mới thành hình. Lục căn phối hợp với lục trần (thể không) sanh ra lục thức. Lục thức không có thực thể, Phật gọi là lục tặc, vì thức là nghiệp. Dòng tâm thức luôn trôi chảy không ngừng nghỉ. Nó không có khởi điểm cũng như kết thúc và nó dính nhiều pháp trần làm cho dòng tâm thức luôn ô nhiễm và vẩn đục.
3). Tri Thức hay Giác Trí (Cognition).
Trong đời sống hằng ngày, ta thường nhận thức sự vật bằng ngũ giác quan. Khi ta tri nhận (cognize) sự vật đã nhận thức, ta có tri thức (Cognition). Trong quá trình tri nhận sự vật trong hiện tại (Với cảm giác), quá khứ hay tương lai (với ý thức), cả ba thời chúng ta tri nhận được sự vật mới có GIÁC TRÍ (hay Tâm Trí). Giác Trí nầy là Tư Tưởng, Suy Nghĩ, Lý Luận v.v. theo thời gian. Nó là sự lập lại của tâm thức hay tri nhận các thức nên nó tạo ra nghiệp thức. Nên ta có thể gọi là tâm duyên ý mã vì tư tưởng chúng ta lúc nào cũng ẩn hiện trong tâm trí từng giây từng phút liên tục, chỉ trừ có những động lực khác hay pháp môn có khả năng chận dừng được vọng tưởng đó.
4). Tri Thức Nguyên Thủy hay Giác Trí Tuệ (Pure Cognition).
Khi Phật thành đạo là do đạt được Trí Tuệ hay Giác Trí Tuệ thì các pháp giải thoát được thiết lập thực hành Giác Trí Tuệ trong các thời thiền tập. Thực ra Giác Trí Tuệ có th ể thực hiện trong tứ oai nghi. Vậy Giác Trí Tuệ là tri nhận đầu nguồn của Giác Trí và xa lìa nó ngay. Nói rõ hơn là khi chúng ta nhận thức niệm đầu của Cảm Giác (Sensation) để có Giác Thức nguyên sơ (Pure Perception hay first consciousness), lập tức tri nhận Giác Thức nguyên sơ ấy để được Giác Trí (Cognition là Giác Trí có thời gian) và xa lìa giác trí ngay mới có Giác Trí Tuệ (Vô thời gian). Vì Giác Trí Tuệ là Tri Thức Nguyên Thủy (Pure Cognition) của Chân Trí (Vô thời không). Thí dụ, chúng ta thấy con voi là giác thức hay tâm thức, vì thấy hình ảnh đối tượng hay con vật trước (Cảm Giác) rồi nhận thức (perceive) con vật đó là con voi (hay biết được là con voi, biết nầy thấy biết của căn, luôn luôn đi kèm theo cảm giác, nên thấy con voi, biết tên đối tượng là cái thức hay tâm thức hay giác thức. Nên thức là thực tại duyên khởi hay giả danh mà thôi). Rồi chúng ta tri nhận (dùng ý trí) giác thức ấy để có giác trí. Vậy khi chúng ta nhận thức niệm đầu của con voi (thấy biết con voi đầu tiên) là ta có giác thức nguyên sơ, lập tức ta tri nhận (Hay Biết: Cognize chớ không phải là perceive) giác thức nguyên sơ ấy để có giác trí tuệ và phải xa lìa cái biết ấy nữa thì mới có giác trí tuệ toàn diện.
b) Pháp Môn Tu Tập
1. Tiệm Pháp
Là pháp gián tiếp, tu tập theo theo Thức chuyển thành Trí như đã trình bày trên. Khi quán sát sự vật là đối tượng thì sự nhận thức nầy thường dùng Thức và Trí liên hợp nhau thành Tưởng Thức và theo thời gian huyễn hóa.
Thiền Quán là tri nhận Giác Thức thành Giác Trí. Giác Thức và Giác Trí được quán tưởng theo thời gian. Khi Tưởng Tri thì Thức và Trí luôn nối tiếp nhau làm cho ta có tư tưởng (Tư duy, tưởng tượng, suy nghĩ, trí nhớ v.v.). Vì thế, thiền quán là giai đoạn đầu để hành giả dễ thực hành. Thiền quán Phật Giáo dùng đối tượng hoặc tạo ra đối tượng rất đơn giản, như Tứ Niệm Xứ, Niệm Phật, Niệm Chú, Công Án, Thoại Đầu, kể cả thiền định v.v. Thiền Quán cứu cánh đạt đến Định của Thức. Thí dụ nhũng bài trích dẩn dưói đây:
* Tứ Niệm Xứ và Minh Sát Tuệ.
"Thiền quán là phương cách khó thực tập. Phật dạy người tu Thiền trước tiên phải tu phép “Tứ Niệm Xứ,” quán thân bất tịnh, quán thọ thị khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã. Khi đã biết thân, thọ, tâm, pháp đều không sạch, khổ, vô thường và vô ngã, đều giả dối như mộng huyễn, thì chơn tánh sẽ tự hiển bày." (TDVA DP)
* Kỹ Thuật Thiền Vipassanà (Rhippa Panno). L. V
“Khi quán chiếu thân này, hơi thở vô hay ra cơ bụng phồng xẹp, đó chỉ là phong đại, tính chất lưu chuyển của sắc pháp mà thôi. Cảm giác cứng mềm trong sự tiếp xúc giữa chân và tay, giữa bàn toạ và chỗ ngồi v.v…đó chỉ là địa đại, tính chất thô trương của sắc pháp mà thôi. Cảm xúc nóng lạnh phát ra trong cơ thể, đó chỉ là hoả đại, tình chất thành thục của sắc pháp mà thôi. Và chúng ta có thể ngồi yên trong tư thế này mà không bị rời rã, chính là do thuỷ đại, tính chất liên kết các phần tử của sắc pháp mà thôi. Thân này chỉ là các đại hợp thành, vô thường trống không và chẳng thể tìm đâu ra các ngã”.
*Thật tướng niệm Phật: (HT. Thích Thiện Hoa)
Thật tướng niệm Phật là niệm Phật hợp với chân tâm. Vì tất cả các pháp đều do tâm biến hiện, bởi tâm biến hiện, nên tướng nó đều là hư vọng (phàm sở tướng, giai thị hư vọng), duy có chân tâm là chân thật, không sinh, không diệt; không chứ, không lai, xưa nay thanh tịnh bình đẳng như như, không hư vọng, không biến diệt, cho nên mới gọi là thật tướng. Ba pháp niệm Phật trước thuộc về Sự, có tánh cách tiệm tu và tiệm quán. Ðến pháp thứ tư nầy, là thuộc về Lý tánh, cao siêu hơn cả. Niệm Phật đến đây, mới hoàn toàn rốt ráo, mới ngộ tánh mình là Phật A Di Ðà, tâm mình là cảnh Tịnh độ. Nhưng chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng: nhờ có Sự mới hiển ra Lý. Trớc hết cũng do Trì danh niệm Phật, Quán tưởng niệm Phật v.v...nhờ lối dụng công tu ba pháp trước, đến lúc thuần thục không còn thấy có mình là người niệm Phật và Phật là một vị mình niệm, chỉ còn có một chơn tánh vừa yên lặng, vừa chiếu soi không năng, không sở, không bỉ, không thử, không hữu, không vô. Chỗ này chính như trong Kinh tứ Thập Nhị Chương, Phật nói: "Niệm đến chỗ vô niệm"; hay trong kinh A Di Ðà nói: "Ðược nhứt tâm bất loạn".
* Công Án Thoại Đầu: (TĐVATP)
Từ ngữ trong đó công án tự hóa giải, thí dụ như khi đệ tử hỏi Ngài Triệu Châu, “Con chó có Phật tánh không?” Triệu Châu đáp: “Không!” Nguyên câu hỏi là một công án và chữ “Không” chính là thoại đầu.
* Căn Bản Chú: (Sa Môn Thích Quảng Trí)
Hành giả có thể tu niệm Đại-bi Chú, Ngũ Bộ chú, Chuẩn-Đề v.v… tụng nhiều ít, tuỳ thời gian của mình. mỗi biến, mỗi hột chuổi.
* Những đặc điểm của Thiền: (TĐVADP)
1) Ý niệm căn bản của Thiền tông là đồng nhất tính của hữu và vô. “Chân tướng vô tướng,” “Pháp môn vô môn,” “Thánh trí vô trí.” Sự hỗ tương đồng hóa giữa hai ý tưởng đối lập như đen và trắng, thiện và bất thiện, thanh tịnh và nhiễm ô, vân vân, là kết quả của thâm nhập thiền tư duy sâu thẳm. “Pháp thân không tướng, nhưng hóa hiện mọi hình tướng.” “Kim khẩu không lời, nhưng phát hiện mọi lời.” Những ý niệm cùng loại đó thường bắt gặp trong Thiền tông:
2) Theo Giáo Sư Junjiro Takakusu trong Cương Yếu Triết Học Phật Giáo, có một quá trình riêng biệt nơi Thiền tông. Khi định tâm vào tư duy tịnh mặc, một ‘công án’ được đặt ra cho hành giả để trắc nghiệm khả năng tiến bộ đến tỏ ngộ. Khi nhận một công án, hành giả bắt đầu tĩnh tọa nơi thiền đường. Ngồi thoải mái, chân kiết già, thân ngay ngắn và thẳng lưng, tay kiết thiền ấn, mắt mở nửa chừng. Đây gọi là tọa thiền, có thể kéo dài trong nhiều ngày đêm. Những sinh hoạt hằng ngày như ở, ăn, ngủ, tăm, vân vân đều được giữ có chừng mực. Im lặng được tuyệt đối tuân giữ; tức là khi tọa thiền, thọ thực hay tẩy trần, không ai được nói lời nào cũng như không gây ra tiếng động nào. Thỉnh thoảng có xảy ra cuộc đối thoại gọi là ‘vấn đáp’ giữa hành giả và thiền sư được mệnh danh là tu học thiền hay ‘vân thủy,’ hành giả nêu những thắc mắc và vị thiền sư trả lời hoặc bằng ẩn dụ hay quát mắng. Khi hành giả đã sẵn sàng để giải quyết vấn đề, ông ta đến viếng sư phụ nơi phương trượng, trình bày những gì đã thấu hiểu và xin được giải quyết công án. Nếu thiền sư đắc ý, ngài sẽ nhận cho là đắc đạo; nếu không, hành giả lại tiếp tục thiền quán thêm nữa.
* Thiền-na (TĐVADP)
Hãy để cho tâm hướng về nơi mà nó muốn, thông thường là hướng về trung tâm điểm của định tướng. Trung tâm điểm đó là nơi điểm cao của vẻ mỹ lệ, nơi mà ánh sáng rạng rõ và tinh thuần nhất. Hãy đi và tận hưởng chuyến nhàn du thích thú, trong khi sự chú ý được kéo về trung tâm điểm và rơi đúng vào trong định tướng; hoặc trong khi ánh sáng rạng rỡ tỏa khắp chung quanh, bao trùm trọn người bạn. Thật ra, đó cùng là một kinh nghiệm cảm nhận từ các góc độ khác nhau. Bạn hãy để tâm tràn ngập trong hỷ lạc. Hãy để cho giai đoạn thứ bảy của con đường hành thiền này, Thiền-na thứ nhất (Sơ Thiền), diễn ra.
Phần Nhận Thức.
- Pháp thiền quán, pháp niệm Phật, chú là cách quán tưởng chủ khách, dù sự kiên cố và sự bít kín tất cả các vọng tưởng bằng lục tự hay câu chú qua thân khẩu ý, dù quán tưởng biểu tượng (câu chú) như là chính biểu tượng. Đó là sự tập trung chuyên nhứt vào một đối tượng giả lập hay một biểu tượng huyễn hóa, tức là giải thoát mọi vọng tưởng, khổ ách và phiền não, để đạt đến cảnh giới cực lạc của Phật A Di Đà Vô Lượng Quang hay Đại Nhật Như Lai.
- Riêng tham thoại đầu, thoại là lời nói, khi chưa nổi niệm muốn nói là thoại đầu, nếu đã nổi niệm muốn nói dù chưa nói ra miệng cũng là thoại vĩ rồi. Như vậy thoại đầu tức là một khi một niệm chưa sanh. Tham là nghi, nghi là không hiểu không biết. Nếu có việc gì đã hiểu đã biết thì hết nghi, hết nghi tức là không có tham.
Vậy tham thoại đầu là nhìn ngay chỗ một niệm chưa sanh, không biết đó là cái gì. Thiền Tông gọi là nghi tình, có nghi tình mới gọi là thoại đầu. Do nghi tình,đến chỗ giác ngộ gọi là kiến tánh thành Phật.
Tóm lại, dùng công án hay thoại đầu mà nghi tình là một thực tại giả lập. niệm Phật Niệm Chú kề cả Thiền Định cũng nằm trong phạm vi Giác Thức hay Giác Trí và có thời gian nên Thức và Trí liên hợp mà thành Tưởng Thức hay Tư Duy v.v..., cho nên vẫn còn dùng pháp nhị nguyên chủ khách --mặc dù chuyên chú vào một đối tượng duy nhứt và miên mật hành trì không có kẻ hở để vọng tưởng do nghiệp lực dẩn -- vì thế có thể vượt qua tất cả mọi vọng tưởng (chỉ còn có duy nhứt một công án hay thoại đầu , lục tự câu chú v.v..., tức là một thực tại giả lập hay nhứt niệm vô minh) nên giải thoát mọi khổ ách cũng như các nhân duyên chằng chịt khác mà đạt đến cảnh giới cực lạc của chư Phật.
Một điểm quan trọng cần phải biết là lời Phật đã dạy là dùng tưởng tri để rèn luyện bản ngã vốn là nguồn gốc đau khổ và luân hồi. Huân tập trí năng tình năng và hoạt năng để trong sạch hóa chúng theo con đường bát chánh, dần dần mới có thể đến bờ giải thoát. Các tiệm pháp giúp cho dòng tư duy càng sâu sắc hơn và có nhiều kiến thức mà nhìn thấu tận bản tâm.
Tưởng thức là sự suy nghĩ, tưởng nhớ, tưởng tượng, ký ức, thuộc loại Mạc- Na- thức hay trong A-Lại-Da-thức, là những hình ảnh được khôi phục lại, có cái trung thực, có cái sai lạc và ngay cả có cái tương tự lẫn lộn với hình ảnh đối tượng cũ, nhưng không phải đối tượng cũ. Đã là những hình ảnh cũ khôi phục lại là những ảo ảnh của những đối tượng khiếm diện (kể như không có đối tượng). Do đó tưởng tri là biết do tưởng thức hoặc suy nghĩ lại những ý tưởng so đo, tưởng tượng những đối tượng không thật có do tiền ngũ căn trực tiếp nhận thức cụ thể, nên sự nhận thức chấp trước, lệch lạc và không chơn thật của tri kiến phàm phu, chúng sanh thường tình mà thôi. Những vị có học, thì tri kiến được chính xác hơn, cái biết sáng suốt như suy nghĩ rõ ràng, không đối chiếu lệch lạch mà nhìn thẳng vào sự vật. Thắng tri hay liễu tri sự vật mà không so đo, không suy nghĩ vẩn vơ, tưởng tượng và không dục hỷ mà dùng chơn trí bằng pháp chánh tri kiến. cho tới các vị A-La-Hán thì đoạn tận được tham sân si Tuy vậy, khi ứng dụng vào tu tập thiền mà không tu tập các pháp thánh, dù không dục hỷ, tham dục sân hận si mê, nên cần đoạn tận dần các việc sau: sự diệt trừ hoàn toàn các ái, sự ly tham, sự đoạn diệt, sự xả ly, sự trừ bỏ hoàn toàn các ái, đã chơn chánh giác ngộ vô thượng chánh đẳng chánh giácđề mở ra bầu trời hoàn toàn trong sáng. Tiệm pháp vì tu tập thiền một cách gián tiếp để giác ngộ như dùng đối tượng vay mượn, hoặc đặt ra, tưởng tri, trừu tượng hoặc triển khai thêm theo tư duy dù trong nội tâm để rèn luyện bản ngã, như thiền hơi thở: Giai đoạn thứ sáu được gọi là "thể nghiệm định tướng mỹ lệ". Chúng ta đạt đến giai đoạn này khi ta buông bỏ được thân thể, tư tưởng, và năm giác quan (kể cả sự giác niệm về hơi thở), một cách thật hoàn toàn, cho đến mức chỉ còn riêng có định tướng mà thôi.
Như trong kinh "Pháp Môn Căn Bản"(Mùlapariyàya sutra thuôc kinh trung bộ do HT.Thích Minh Châu Việt dịch, chữ nghiên), Phật đã tuyên thuyết:
Phàm Phu
-- Này các Tỷ-kheo, ở đây, có kẻ phàm phu ít nghe, không được thấy các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không được thấy các bậc Chơn nhân, không thuần thục pháp các bậc Chơn nhân, không tu tập pháp các bậc Chơn nhân, tưởng tri địa đại là địa đại. Vì tưởng tri địa đại là địa đại, người ấy nghĩ đến địa đại, nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với địa đại, nghĩ đến (tự ngã) như là địa đại, người ấy nghĩ: "Ðịa đại là của ta" - dục hỷ địa đại. Vì sao vậy? Ta nói người ấy không liễu tri địa đại.
Người ấy tưởng tri thủy đại là thủy đại. Vì tưởng tri thủy đại là thủy đại, người ấy nghĩ đến thủy đại, nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với thủy đại, nghĩ đến (tự ngã) như là thủy đại, người ấy nghĩ: "Thủy đại là của ta" - dục hỷ thủy đại. Vì sao vậy? Ta nói người ấy không liễu tri thủy đại.
Người ấy tưởng tri. phong đại cũng như thế.
Người ấy tưởng tri Sanh vật,chư Thiên, Sanh chủ, Phạm thiên, Quang âm thiên,Biến tịnh thiên, Quảng quả thiên, Abhibhù (Thắng Giả)...
Người ấy tưởng tri Không vô biên xứ,Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ...
Người ấy tưởng tri sở kiến, sở văn, sở tư niệm, sở tri...
Người ấy tưởng tri đồng nhất, sai biệt, tất cả là tất cả...
Người ấy tưởng tri Niết-bàn là Niết-bàn. Vì tưởng tri Niết-bàn là Niết-bàn, người ấy nghĩ đến Niết-bàn, nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với Niết-bàn. Nghĩ đến (tự ngã) như là Niết-bàn, người ấy nghĩ: "Niết-bàn là của ta" - dục hỷ Niết-bàn. Vì sao vậy? Ta nói: Người ấy không liễu tri Niết-bàn.
Vị hữu học
Này các Tỷ-kheo, có Tỷ-kheo, hữu học tâm chưa thành tựu, đang sống cần cầu vô thượng an ổn khỏi khổ ách. Vị ấy thắng tri địa đại là địa đại. Vì thắng tri địa đại là địa đại, vị ấy đã không nghĩ đến địa đại, đã không nghĩ (tự ngã) đối chiếu với địa đại, đã không nghĩ (tự ngã) như là địa đại, đã không nghĩ: "Ðịa đại là của ta", - không dục hỷ địa đại. Vì sao vậy? Ta nói vị ấy có thể liễu tri địa đại.
Vị ấy thắng tri thủy đại... hỏa đại... phong đại... Sanh vật... chư Thiên... Sanh chủ... Phạm thiên... Quang âm thiên... Biến tịnh thiên... Quảng quả thiên... Abhibhù (Thắng Giả)... Không vô biên xứ... Thức vô biên xứ... Vô sở hữu xứ... Phi tưởng phi phi tưởng xứ... sở kiến... sở văn... sở tư niệm... sở tri... đồng nhất... sai biệt... tất cả...
Vị ấy thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn; vì thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn, vị ấy đã không nghĩ đến Niết-bàn, đã không nghĩ (tự ngã) đối chiếu với Niết-bàn, đã không nghĩ (tự ngã) như là Niết-bàn, đã không nghĩ: "Niết-bàn là của ta" - không dục hỷ Niết-bàn. Vì sao vậy? Ta nói vị ấy có thể liễu tri Niết-bàn
Bậc A-La-Hán.
Bậc A-la-hán là những vị dùng pháp thắng tri để liễu tri sự vật (pháp chánh tri kiến) không dục hỷ và đoạn trừ được tam độc. Bậc I biết pháp liễu tri sự vật mà không dục hỷ. Bậc ÌI biết pháp liễu tri sự vật, không dục hỷ và đã đoạn trừ được tham dục. Bậc III biết pháp liễu tri sự vật, không dục hỷ, đoạn trừ được sân hận.Bậc IV biết pháp liễu tri sự vật, không dục hỷ, đoạn trừ được si mê. Như Bậc A-La- Hán III và IV:
* Bậc A-la-hán - III và IV
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, có Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã tận, tu hành thành mãn, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã thành đạt lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, chánh trí giải thoát. Vị ấy thắng tri địa đại là địa đại. Vì thắng tri địa đại là địa đại, vị ấy không nghĩ đến địa đại, không nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với địa đại, không nghĩ đến (tự ngã) như là địa đại, không nghĩ: "Ðịa đại là của ta" - không dục hỷ địa đại. Vì sao vậy? Vì vị ấy không có sân hận, nhờ sân hận đã được đoạn trừ.
Vị ấy thắng tri thủy đại... hỏa đại... Vị ấy thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn. Vì thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn, vị ấy không nghĩ đến Niết-bàn, không nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với Niết-bàn, không nghĩ đến (tự ngã) như là Niết-bàn, không nghĩ: "Niết-bàn là của ta" - không dục hỷ Niết-bàn. Vì sao vậy? Vì vị ấy không có sân hận, nhờ sân hận đã được đoạn trừ va vì vị ấy không có si mê, nhờ si mê đã được đoạn trừ.
Thành Quả
Những lời Phật dạy về A La Hán trong kinh Pháp Cú:
1) Người đã giải thoát hết thảy, đã dứt hết thảy buộc ràng, là người đi đường đã đến đích (Dharmapada 90)
2) Kẻ dũng mãnh chánh niệm, tâm không ưa thích tại gia, ví như con ngỗng khi ra khỏi ao, chúng bỏ lại clại cái nhà ao hồ của chúng không chút nhớ tiếc (Dharmapada 91).
3) Những vị A-la-hán không chất chứa tài sản, biết rõ mục đích sự ăn uống, tự tại đi trong cảnh giới “không, vô tướng, giải thoát” như chim bay giữa hư không (Dharmapada 92).
4) Những vị A-la-hán, dứt sạch các hoặc lậu, không tham đắm uống ăn, tự tại đi trong cảnh giới “không, vô tướng, giải thoát” như chim bay giữa hư không (Dharmapada 93).
5) Những vị A-la-hán đã tịch tịnh được các căn, như tên kỵ mã đã điều luyện được ngựa lành, nên không còn phiền não ngã mạn và được các hàng nhơn thiên kính mộ (Dharmapada 94).
6) Những vị A-la-hán đã bỏ hết lòng sân hận, tâm như cõi đất bằng, lại chí thành kiên cố như nhân đà yết la, như ao báu không bùn, nên chẳng còn bị luân hồi xoay chuyển (Dharmapada 95).
7) Những vị A-la-hán ý nghiệp thường vắng lặng, ngữ nghiệp hành nghiệp thường vắng lặng, lại có chánh trí giải thoát, nên được an ổn luôn (Dharmapada 96).
8) Những vị A-la-hán chẳng còn phải tin ai, đã thấu hiểu đạo vô vi, dứt trừ vĩnh viễn nguyên nhân, cùng quả báo ràng buộc, lòng tham dục cũng xa lìa. Chính đó là bậc Vô thượng sĩ (Dharmapada 97).
9) Dù ở xóm làng, dù ở rừng núi, dù ở đất bằng, dù ở gò trủng, dù ở biển cả hay đất khô, dù ở bất cứ chốn nào mà có vị A-la-hán, thì ở đó đầy dẫy cảnh tượng yên vui (Dharmapada 98).
10) Lâm dã là cảnh rất vui đối với vị A-la-hán, nhưng người đời chẳng ưa thích, trái lại dục lạc là cảnh ưa thích đối với người đời, vị A-la-hán lại lánh xa (Dharmapada 99).(TĐPHVATP)
b. Đốn Pháp
Cứu cánh PhápThiền Đốn Ngộ là đạt đến Giác Ngộ Giải Thoát khỏi dòng bộc lưu sanh tử vì không còn nghiệp thức đeo đuổi, không còn nhân duyên chằng chịt vượt khỏi thời không. Nếu huân tập thâm sâu dòng tâm thức càng trở nên trong sạch. Ví như cái hồ nước vẩn đục, ta xả ra mà không có đổ vô thêm nước vẩn đục (nghiệp thức) nữa, thì nước vẩn đục (dòng Tâm Thức) dần dần sẽ hết tức là dòng tâm thức không còn tính vẩn đục. Lúc sống được tự tại thì lúc chết làm sao bị dòng tâm thức (nghiệp) quấy nhiểu. Khi chết không còn nghiệp thức vấn vương, thì thể trí cũng tự tại vậy. Trong tứ oai nghi, lúc nào cũng có thể tĩnh giác. (Thiền: Một Loại Tri Thức của Tâm Trí. Phổ Nguyệt, 2006)
Đứng trên phương diện chân lý tối hậu , thì tự tính tuyệt đối của sự vật đều có tánh không hay là không có tự tính , là tuệ giác, là cái biết sát-na hiện tiền, là tánh giác. Chân lý thì nó không lệ thuộc, không bị áp đặt, độc lập, vì tánh giác là ý trí tác năng, thường hằng trong tâm trí, có thức thì biết, không có thức cũng biết. Biết lại cái thức hay không là do chủ ý tự do. Nhắc lại, tánh Hư Không, đức Phật giải thích:’’ A Nan ! Ngươi phải biết trong Tạng Như Lai, ‘’Tánh giác’’ tức là thiệt hư không, ‘’Hư Không’’tức là ‘’Thiệt Tánh giác’’, thanh tịnh bản nhiên, đầy khắp thế giới...’’ Vậy Thiệt Tánh giác hay Tự Tính Tuyệt Đối là cả một bầu trời phước đức hay Tánh Giác là sự giải thoát vì "Trong sự giải thoát là sự hiểu biết" như trong kinh Sáu Xứ Phật giải rõ ràng pháp giải thoát như sau:
"Này các Tỷ-kheo, do thấy vậy, vị Ða văn Thánh đệ tử yếm ly mắt, yếm ly các sắc, yếm ly nhãn thức; yếm ly nhãn xúc, yếm ly thọ, yếm ly ái. Vị ấy yếm ly tai, yếm ly các tiếng, yếm ly mũi, yếm ly các hương; yếm ly lưỡi, yếm ly các vị; yếm ly thân, yếm ly các xúc; yếm ly ý, yếm ly các pháp; yếm ly ý thức, yếm ly ý xúc, yếm ly thọ, yếm ly ái.
Do yếm ly, vị ấy ly tham. Do ly tham vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát là sự hiểu biết: "Ta đã được giải thoát". Và vị ấy tuệ tri: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy. Trong khi sự thuyết giảng này được nói lên, tâm của sáu mươi Tỷ-kheo ấy được giải thoát khỏi các lậu hoặc không có chấp thủ." (HT. Thích Minh Châu Việt dịch)
Giải thóat là xa lìa mọi sai lầm của các pháp của tâm thức, không bị xúc thọ ái ràng buộc."trong sự giải thoát là sự hiểu biết." Thật vậy, sự hiểu biết sáng suốt, là tuệ tri, là cái biết vô thời không, trong sát na hiện tiền. Khi hành giả tuệ tri (biết của Trí) về lục căn, lục trần, hay lục thức, Tâm thức và không có thời gian, thì xúc, thọ, ái không có kẻ hở để khởi sanh. Như hành giả quán, " tuệ tri ' Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa" thì dòng tâm thức ngừng chảy (vô thời không), tức là không suy nghĩ thêm quan niệm , hay tư tưởng gì về tâm thức đó. Khi xúc, thọ, ái không khởi sanh trong tâm, thì đoạn được thân kiến cũng như chúng không ràng buộc và gây ba độc, thì lúc ấy được giải thoát khỏi các lậu hoặc không có chấp thủ.
Thêm nữa trong kinh Pháp Môn Căn Bản, Phật thuyết giảng:
Ðấng Như Lai .
Như Lai là bậc A-la-hán, chánh đẳng chánh giác, dùng pháp thắng tri hay pháp chánh tri kiến để liễu tri sự vật, không dục hỷ, hoàn toàn diệt trừ các ái, sự ly tham sân si, đã chơn chánh giác ngộ vô thượng chánh đẳng chánh giác. Thí dụ:
* Ðấng Như Lai - II I và IV.
Này các Tỷ-kheo, Như Lai là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, thắng tri địa đại là địa đại. Vì thắng tri địa đại là địa đại, Như Lai không nghĩ đến địa đại, không nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với địa đại, không nghĩ đến (tự ngã) như là địa đại, không nghĩ: "Ðịa đại là của ta" - không dục hỷ địa đại. Vì sao vậy? Vì Như Lai biết rằng: "Dục hỷ là căn bản của đau khổ, từ hữu, sanh khởi lên, và già và chết đến với loài sinh vật". Do vậy, này các Tỷ-kheo, Ta nói vì Như Lai, với sự diệt trừ hoàn toàn các ái, sự ly tham, sự đoạn diệt, sự xả ly, sự từ bỏ hoàn toàn các ái, đã chơn chánh giác ngộ vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Như Lai thắng tri thủy đại... hỏa đại... Như Lai thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn. Vì thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn, Như Lai không nghĩ đến Niết-bàn, không nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với Niết-bàn, không nghĩ đến (tự ngã) như là Niết-bàn, không nghĩ: "Niết-bàn là của Ta" -- không dục hỷ Niết-bàn. Vì sao vậy? Vì Như Lai biết rằng: "Dục hỷ là căn bản của đau khổ, từ hữu, sanh khởi lên, và già chết đến với loài sinh vật". Do vậy, này các Tỷ-kheo, Ta nói vì Như Lai, với sự diệt trừ hoàn toàn các ái, sự ly tham, sự đoạn diệt, sự xả ly, sự trừ bỏ hoàn toàn các ái, đã chơn chánh giác ngộ vô thượng chánh đẳng chánh giác."
Như vậy, Thế Tôn thuyết giảng. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời dạy của Thế Tôn.
Phần Nhận Thức
Pháp đốn ngộ là pháp trực tiếp tri nhận bản tâm, chỉ thẳng tâm mình, nắm bắt tuệ giác là thực hiện cái biết sát-na hiện tiền vô thời gian.Trí tuệ quán chiếu trong ngoài tức là thấy biết như chơn như thật lục căn lục trần lục thức, nói chung thấy biết tất cả các pháp như chơn như thật. Quán chiếu sáng suốt là tuệ tri hay biết một cách sáng suốt tức là biết rõ ràng (do bổn tâm) các pháp như là các pháp, chỉ có các pháp đó mà thôi, không có gì ở ngoài các pháp đó, không có niệm nào khác nữa.. Khi chúng ta quán chiếu các pháp hay các đối tượng mà bản tâm thanh tịnh, đó là vô niệm; nghĩa là lục căn tự nhiên tiếp xúc với sáu trần nên có sáu thức, ta tri nhận trọn ven chỉ có sáu thức đó mà thôi, không thêm thức nào khác. Thí dụ, tôi thấy con bò (giác thức nguyên sơ), biết có tánh thấy (con bò) thôi (giác trí tuệ), (chỉ biết có thấy con bò mà thôi, không thêm niệm nào khác nữa; nếu biết con bò rồi còn tìm hiểu thêm đặc tính con bò hay thêm trần cảnh khác nữa thì tạo ra quan niệm, tư tưởng, lý luận để phát sanh ái thủ hữu, là gây ra dây oan trái, là tà niệm rồi, không phải là vô niệm.) Vô niệm đây, nói theo tâm lý học, là giác trí tuệ. Khi ta nhận thức niệm đầu cảm giác để có chơn thức, rồi tri nhận chơn thức đó là ta có giác trí tuệ Đầu tiên ta thấy (Cảm giác) hình ảnh con vật, nhận thức được tên nó là con bò (nhãn thức hay tâm thức, giác thức) tri nhận giác thức đó mới có giác trí); và nếu ta nhận thức niệm đầu của con bò để có chơn thức, rồi tri nhận chơn thức đó mới có giác trí tuệ. Như trong kinh Kim Cang Phật dạy cách hàng phục tâm bằng cách, đưa tất cả các thực tại giả lập (chúng sanh) vào thực tại tuyệt đối (vô vi niết bàn: hư không) mà không còn thấy các thực tại giả lập đó nữa. Nên muốn hàng phục tâm (vô niệm), hành giả trực nhận (quán chiếu) thể không của sự vật, ngay đó lìa tứ tướng (Xa bốn tướng: Ngã, Nhân, Chúng sanh, Thọ giả, là không có khái niệm, không lập lại, để có ý tưởng về sự vật.). Kỹ thuật để kiến tánh là tri nhận thực tại điểm của giác trí. Chúng ta biết rằng giác trí có thời gian vẫn còn liên hợp với thức sanh tư tưởng vẩn vơ nên xem như là giác thức, tâm thức, hay vọng tâm. Dòng tâm thức trôi chảy, tam thời bất khả đắc.Quá khứ đã qua tiền ngũ căn không thể nắm bắt, tương lai chưa đến làm sao nắm bắt được, hiện tại là cái đang là nối tiếp những sát na sanh diệt không ngừng, cũng không thể nắm bắt được. Tuy nhiên cái đang là của dòng tâm thức là cơ hội tốt để chúng ta có thể dùng tuệ quán nhắm ngay thực tại điểm của giác trí đang là. Vọng tâm và chân tâm cùng ở một tâm. Cái chuyển động là vọng, cái cố định là chân. Cho nên BT Long Thọ nói, cái đến có thật trong cái đang đến. Thể nhập thể không thực có trong dòng duyên khởi hay giả danh, tức là trung đạo.Vậy cái chân tâm có thật trong cái vọng tâm, hai cái tuy hai mà một, và chân lý không đến từ cái bất động. Vậy, chúng ta nên nhớ, để trực chỉ minh tâm kiến tánh thành Phật ý chỉ của kinh Lăng Già cũng đồng với pháp vô niệm của Huê Năng,
Tánh không của sự vật hay cái biết sat-na hiện tiền là: không sanh không diệt, không tăng không giảm, không sạch không nhơ, tất nhiên cái biết đó giải thoát mọi sai lầm hay vô thường của tâm (thức) và pháp do đối tượng là những sự vật bởi duyên khởi hoặc giả danh sanh. Dòng tâm thức luôn trôi chảy theo thời gian mà duyên theo xúc, thọ, ái gây ra thân kiến, ba độc tùy miên, tham sân si. Các pháp kết thành tâm thức vì chúng không có tự thể hay vô ngã, chúng thay đổi luôn, nên chúng dễ bị nhận thức sai lầm vì duyên xúc thọ và ái lôi cuốn theo thời gian từng sát na sanh diệt luôn không ngừng nghỉ. Phật đã dạy, đoạn diệt thân kiến, đoạn tận ba độc là pháp hành để trở nên phạm hạnh, vẫn chưa đủ mà phải thực hành pháp giải thoát mới rửa sạch mọi sai lầm của dòng tâm thức đang trôi chảy làm cho tâm thức không còn trở lui trạng thái vẩn đục nữa.
Thành Quả
Đặc tánh căn bản của Như Lai ( Tathagata), theo Ngài Long Thọ trong Trung Quán Luận là:.
1) Không tánh và Từ bi-Sunyata and Karuna: Không tánh và từ bi là hai đặc tính thiết yếu của Như Lai. Không tánh ở đây có nghĩa là Bát Nhã hay trí tuệ siêu việt. Vốn sẵn không tánh hoặc Bát Nhã cho nên Như Lai đồng nhất với Chân Như; vốn sẵn có từ bi cho nên Như Lai là đấng cứu độ của tất cả chúng sanh hữu tình.
2) Sự tồn hữu chân chính của tất cả. Khi nói ‘sự tồn hữu chân chính của Như Lai cũng là sự tồn hữu chân chính của tất cả’ là điều bất khả tư nghì. Trong bản chất tối hậu của Ngài thì Như Lai là ‘cực kỳ thâm sâu, không thể đo lường được.’ Các pháp hay những thành tố của sự tồn tại là bất khả xác định, vì chúng chịu những điều kiện và vì chúng là tương đối. Bậc Như Lai là bất khả xác định hiểu theo nghĩa khác. Như Lai không thể xác định là vì bản chất tối hậu của Ngài, Ngài không phải được sanh ra từ nhân duyên. Vì thế trong Trung Quán Tụng, Ngài Long Thọ đã khẳng định: “Đức Phật siêu việt đối với tư tưởng và ngôn ngữ, và vô sanh vô tử; những ai xử dụng khái niệm phạm trù để mô tả Đức Phật đều là nạn nhân của loại trí tuệ bị chi phối bởi ngôn ngữ và hý luận, và như vậy không thể nào thấy được Như Lai trong bản thể đích thực của Ngài.” (TĐPHVATP)
Phần Tham Khảo: Quán Hơi Thở: Môt Pháp Thiền Đốn Ngộ. (Phổ Nguyệt, 2006)
Thật vậy, hơi thở là sợi dây nối liền giữa Vô Thức và Ý Thức. Nó có thể từ vô thức lôi ra những dòng tâm thức ứ động nhiều đời nhiều kiếp làm cho tâm trở nên trong sáng. Quán hơi thở là một pháp thiền đốn ngộ từ nguyên thủy vì nó rốt ráo không dính thêm mọi tư duy và quán tưởng như các loại thiền khác. Trong Đại Kinh Sáu Xứ Phật dạy, "Thấy Biết như Chơn lục căn lục trần, lục thức v.v...". Đối tượng nhận thức thường dùng quán từ vô thức với những vọng tưởng tự nhiên đột khởi hoặc những đối tượng diễn tả tâm trạng của con người như lời Phật dạy trong Tứ Niệm Xứ là một cách tốt. Tất cả đối tượng đó nói lên những điều có thể chấp chứa trong vô thức của con người có thể xả ra những ô nhiễm, nghiệp thức từ trong thân ngũ uẩn; nhưng chỉ có hơi thở là tốt hơn hết, vì nó thường trực tự nhiên trôi chảy từ vô thức và là trinh nguyên của hoạt động vô thức, chỉ dùng tự lực (đối tượng tự nhiện bên trong), không một chút dính dấp đến mọi quán tưởng hay tư duy, tha lực (đối tượng vay mượn) hay những điều kiện bên ngoài..
Vậy, sau khi chuẩn bị mọi thủ tục ngồi thiền, bắt đầu tu tập quán hơi thở với sự thực tập như sau:
Khi hít hơi vào, đồng thời ý thức hay nhận thức luồng hơi thở vào, biết tôi thở vô.
Khi thở hơi ra, đồng thời ý thức hay nhận thức luồng hơi thở ra, biết tôi thở ra.
Tiếp tục niệm biết từng hơi thở và cố gắng có thể thực hành niệm biết trong tứ oai nghi.
Hơi thở ra, vào là đối tượng vô thức và tự nhiên, nhận thức quán hơi thở là ý thức hay tâm thức. Vậy khi chúng ta quán hơi thở như trên là ta nhận thức (thuộc tâm thức) nó rồi ta tri nhận (tâm trí) thức đó, với vô thời gian ta sẽ có giác trí tuệ.Chúng ta ngồi với hai mắt khép một chút thôi, và chú tâm vào hơi thở. Chúng ta thở tự nhiên, tốt nhất là thở qua lỗ mũi, đừng tìm cách kiểm soát hơi thở, và chúng ta chú tâm vào cảm thọ về hơi thở khi hơi thở vào và ra hai lỗ mũi. Cảm thọ này là đối tượng thiền tập của chúng ta. Chúng ta nên cố gắng chú ý bền vững vào nó, và gác bỏ mọi thứ khác. Tuy nhiên có lúc ta cảm thấy bụng phống lên xộp xuống, liền biết bụng phồng lên, bụng xộp xuống, hay nghe tiế động hoặc tiếng ồn, ta biết nghe tiếng, hoạc khi ngứa, ta biết ngứa, khi ta gải , biết ta gải ngứa, v.v...
Chú Ý: Trong đốn pháp (pháp thiền trực chỉ nhân tâm) chỉ dùng những đối tượng (pháp) cụ thể và tự nhiên như hơi thở, bụng phồng lên xộp xuống, tiếng động đột phát hoặc trần cảnh hiển nhiên xuất hiện, lúc đó dùng lục căn nhận diện và nhận thức thành lục thức hay tâm thức, rồi tri nhận tâm thức ấy mới có tâm trí hay giác trí và không trụ vào giác trí, đó là giác trí tuệ vì giác trí vô thời gian tức giác trí tuệ vậy. Nhớ rằng những đối tượng phải cụ thể đột xuất được tri nhận cái tri thức nguyên thủy mà thôi, không tưởng tri thêm những đặc tính của chúng, như hơi thở tuyệt đẹp, phải luôn tĩnh giác, dù thể nghiệm (lúc tưởng thức khởi) thì tuệ tri nó mà thôi, còn hơi thở dài ngắn thí là đối tượng cụ thể hay đột phát được cảm nhận tự nhiên trong thân.
Cảm Giác+ Nhận thức= Tâm thức
Tri nhận tâm thức = Tri thức
Tri thức + vô trụ (phi thời gian) = tri thức nguyên thủy hay giác trí tuệ.
Thí dụ: khi thấy con bò (ta đã nhận diện và nhận thức con bò chỉ là nhãn thức), ta biết (tri nhận) là con bò và không trụ vào cái biết đó nữa. Đó cái biết sát- na hiện tiền vượt khỏi thời không, không sanh diệt, không tăng không giảm, không sạch không nhơ, là tánh giác vậy, là tâm tri nhận thực tại vậy.
IV. Kết Luận
Khi cái tâm thường tình hay tâm thức được hoàn toàn thanh lọc, là giống như chúng ta đã phá tan cái kho chứa nghiệp thức của mình và không còn nguyên liệu nghiệp để cung cấp cho tái sanh tương lai. Tuy vậy, chúng ta có thể hoàn toàn thanh lọc tâm đời nầy, cũng còn tàn dư những nghiệp từ nhiều kiếp, hay những khuynh hướng tập quán cũ đang nằm trong kho chứa nghiệp của chúng ta. Khi gặp điều kiện thích hợp, chúng sẽ xuất hiện để đẩy chúng ta vào những tái sanh mới. Do vậy, có thể nói thiền để thanh lọc cái tâm vốn mang đầy tạp nhiễm một cách triệt để và miên mật đến đâu đi nữa, nếu không súc sạch kho nghiệp cũ lẫn mới thì khó lòng giải thóát khỏi dòng bộc lưu sanh tử và mãi luân hồi quả báo không dứt. Dùng nhiều đời nhiều kiếp tu tập giới luật nghiêm minh dùng thiền quán hay thiền nói chung (tiệm hay đốn pháp), mà các pháp môn Phật dạy để trong sạch hóa triệt để tình năng hoạt năng và trí năng (thân tâm), cứu cánh là giác ngộ để giải thoát khỏi bể khổ trầm luân. Có thể đến đích đạo, dùng văn tư tu để mở rộng tầm tư duy sâu sắc, dần dần (tiệm tu) nắm bắt thực tướng của bản tâm (từ tiệm pháp đến thiền đốn ngộ) để hoàn thành Phật đạo, là phải có tâm nguyện kiên cố liên tục duy trì sức mạnh bi trí dũng mới mong đạt được. Từ nguyên thủy Phật dạy dùng quán niệm là một loại thiền quán để tiệm tu trở thành bậc A-La-Hán là những vị xứng đáng được cúng dường, người đã tiêu diệt hết ma chướng não phiền và vô sanh tức là không còn tái sanh vì đã diệt hết nghiệp luân hồi sanh tử. Cho tới Như Lai, với sự diệt trừ hoàn toàn các ái, sự ly tham, sự đoạn diệt, sự xả ly, sự trừ bỏ hoàn toàn các ái, đã chơn chánh giác ngộ vô thượng chánh đẳng chánh giác (Trực nhận được bản tâm, loại thiền đốn ngộ) há không phải giới luật kiên cố và phần lớn là Ngài đã chứng tri được chánh trí trong thiền định, đã hoàn thành tam học "giới định tuê" hay sao?
Tham khảo
Cốt Tủy các Kinh Căn Bản Phật Giáo. Phổ Nguyệt, 2006, đăng trong website Tạng Thư Phật Học:
http//:www.tangthuphathoc.com
Kinh Pháp Môn Căn Bản (Mùlapariyàya sutra). Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikaya). Thích Minh Châu Việt dịch
(Chữ nghiên) đăng trong website Quảng Đúc (Kinh Điển): http://www.quangduc.com/
TĐPHVATP. Tự Điển Phật Học Việt Anh. Thiện Phúc đăng trong website Quảng Đức
Thiền: Một Loại Tri Thức của Tâm Trí. Phổ Nguyệt, 2006, đăng trong websiteTạng Thư Phật Học.
Phổ Nguyệt