Chầu Lục Cung Nương

Chầu Lục Cung Nương. Chầu Lục vốn là người Nùng (vì vậy nên có người còn gọi bà là Mế Lục Cung Nương), con nhà lệnh tộc trên vùng Chín Tư, Lạng Sơn cũng dưới thời Lê Trung Hưng.

 

Tương truyền, chầu vốn là tiên nữ trên Thiên Đình, chẳng may để rơi chén ngọc nên bị trích giáng xuống trần gian. Chầu giáng sinh vào nhà họ Trần (cha họ Trần, mẹ họ Hoàng) vốn là lệnh tộc trên miền Lạng Sơn (lại có tài liệu cho rằng Chầu Bà giáng sinh vào nhà họ Quách vào giờ Mão, ngày Mão, tháng Mão, năm Kỉ Mão, được đặt tên là Quách Thị Hồng Hoa), được 19 năm thì mãn hạn về chầu Đế Đình, nhưng vì chầu còn thương nhớ phụ mẫu nơi trần gian nên Ngọc Đế cho bà hiển thánh, cai giữ miền non ngàn sơn trang, nơi rừng Chín Tư, Hữu Lũng. Cũng như Chầu Năm, Chầu Lục hiển ứng giúp dân làm trồng trọt. Tuy anh linh nhưng bà cũng rất đành hanh, còn lưu truyền rằng, chầu thường cùng các bạn tiên nàng giả làm các cô gái người Nùng, bán hàng, ung dung cợt khách qua đường.

Chầu Lục cũng là một trong các vị chầu danh tiếng trên ngàn có lẽ bởi vì chầu rất hay bắt đồng. Cũng như Chầu Đệ Nhị, người ta cũng thường hay thỉnh Chầu Lục về ngự đồng. Đôi khi Chầu Lục lại là giá chầu về sang khăn cho đồng tân lính mới và chứng đàn Sơn Trang trong lễ mở phủ. Chầu Lục cũng có thể chứng mâm giầu trình. Khi ngự đồng, chầu mặc áo màu lam (hoặc màu chàm xanh), khai cuông rồi múa mồi.

Đền thờ Chầu Lục Cung Nương được lập tại thôn Chín Tư, xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng tỉnh Lạng Sơn (tương truyền là nơi chầu hạ phàm và hiển thánh) được gọi là Đền Lũng hay Đền Chín Tư. Trong năm ngày tiệc Chầu Lục có hai ngày là ngày 10/5 âm lịch (có người nói đó là ngày đản sinh của chầu nhưng điều này cũng chưa chắc chắn) và ngày 20/9 âm lịch (có người cho đó là ngày hóa, có người lại cho rằng đó mới là ngày đản sinh của chầu chứ không phải là 10/5 âm lịch). Trong văn hát sự tích của bà có đoạn như:

“Đêm đông xuống trần gian báo mộng

Hoàng Thị Nương tâm động bào thai

Mãn tuần chín tháng lẻ mười

Sinh ra Chầu Lục tốt tươi lạ thường”

Hay với sự tích theo một tài liệu khác cũng có bản văn hát rằng:

“Hữu Lũng châu cao sơn vị thủy

Chín Tư ngàn tú khí anh linh

Vốn xưa chầu ngự đế đình

[...] Vừa gặp buổi trang đài mở yến

Chầu Lục vào dâng tiến kim bôi

Trống rung chưa kịp dư hồi

Bỗng dưng gió cuốn xảy rơi chén vàng

Trên bệ ngọc vua cha phật ý

Nổi lôi đình hạ chỉ chiếu ban

Đem đày chầu xuống trần gian

Thiên Đình định nhật khải hoàn hồi tiên

[...] Vừa năm Kỉ Mão, tháng hai

Ngày Mão, giờ Mão trang đài nở hoa

Giáng vào họ Quách lương gia...”

Hay có những đoạn rất buồn khi nói về cảnh chầu mãn hạn quy tiên:

“Vẹn một bầu nước trong leo lẻo

Trách trăng già sao khéo vẩn vơ

Vô tình ép uổng lòng tơ

Khéo sinh con tạo bởi duyên cớ gì

Hạn đến kì đôi mươi tháng chín

Ba thu về xa lánh hồn nương”

Hoặc còn có nhiều đoạn rất hay như:

“Ai lên tới sơn lâm châu thổ

Hỏi thăm đền chầu ngự nơi nao

Chín Tư, Hữu Lũng mà vào

Trên đền chầu ngự thấp cao mấy tầng

[...] Anh linh lừng lẫy thượng ngàn

Đản tuần tháng chín Nam Bang khấu đầu

[...] Trần gian đừng có trớ trêu

Hái măng kiếm củi chầu đều qưở ngay

Giở về mới biết linh thay

Nón xanh hài sảo kêu ngay chầu về”