1/ Quan niệm về thuyết phong thủy và mộ táng của người xưa.
Trong lịch sử cổ đại của người Việt Nam cũng như Trung Quốc đã có một tín ngưỡng truyền thống, một tập tục rất phổ biến quan niệm rằng việc chọn đất mai táng tổ tiên (âm trạch), cũng như chọn đất để làm nhà cho người sống (dương trạch) có quan hệ mất thiết đối với cuộc sống tồn vong, họa, phúc của con cháu.
Người ta thường nói: “Táng tiên ấm hậu” tức là chọn đất mai táng tổ tiên để tổ tiên phù hộ cho con cháu được hưởng phúc lộc.
Tất cả những hoạt động có liên quan đến việc chọn đất mai táng hoặc đất làm nền nhà được người xưa gọi là thuyết phong thủy hoặc thuật phong thủy.
Những người am hiểu các lý thuyết phong thủy, biết làm những pháp thuật huyền bí như quan sát địa hình, địa thế để tìm “long mạch”, để định vị phương hướng… là các thầy địa lý hoặc thầy phong thuỷ, ở Trung Quốc gọi là kham dư gia (kham nghĩa là trời, là đạo trời, dư là đất, là địa lý, gia là nhà tức là người am hiểu về đạo trời và địa lý). Những người này lấy hoạt động phong thuỷ làm nghề mưu sinh và phục vụ cho nhu cầu bức thiết của xã hội và cũng được xã hội coi trọng. Ví dụ như: Quách Phác đời Tấn bên Trung Quốc, thầy Tả Ao đời Lê-Trịnh của Việt Nam.
Thuyết phong thuỷ được phát triển gắn liền với tên tuổi của Quách Phác và trước tác nổi tiếng do ông soạn là: “Táng thư”, còn được gọi là “Táng kinh”.
Quách Phác đời Tấn là người đầu tiên giải thích khái niệm phong thuỷ và từ đó thuyết phong thuỷ có cơ sở lý luận ổn định và phát triển.
Trong “Táng thư”, Quách Phác viết: “Việc mai táng là để tích tụ sinh khí. Sinh khí gặp gió thì tản đi, gặp nước ngăn thì dừng lại. Vì vậy gọi là thuật phong thuỷ”
Khi chú giải “Táng thư”, ông Phạm Nghi Tân (đời Thanh), viết thêm rằng: “Không có nước ngăn lại thì sinh khí sẽ bị gió cuốn làm cho tan đi, có dòng nước ngăn lại thì sinh khí ngưng tụ và gió cũng không còn nữa. Vì thế hai chữ Phong và Thuỷ (gió và nước) là hai yếu tố quan trọng nhất của thuyết địa lý, mà trong đó “đắc thuỷ” (chỉ chỗ đất có dòng nước chảy quanh) là điều quan trọng hơn hết. Sau đó mới kể đến “ tàng phong” hay “tỵ phong” (tức là thu giữ gió hay kiêng tránh gió) là điều quan trọng thứ hai”
Như vậy, theo lý thuyết kinh điển về phong thuỷ, chỉ có trong điều kiện “tàng phong” và “đắc thuỷ” thì mới tích tụ và giữ gìn được sinh khí.
Vậy sinh khí là gì? Sách Lã Thị Xuân Thu giải thích rằng sinh khí là do dương khí thịnh mà phát tiết ra. Sinh khí là nguyên tố đem lại sức sống cho mọi sinh vật, là cái khí làm cho mọi vật nẩy nở và trưởng thành. Sinh khí luôn luôn tồn tại và vận hành trong lòng đất. Tùy theo hình thế cao thấp của đất mà sinh khí vận động, khi chuyển đi, khi tụ lại, biến hóa mà phát sinh ra vạn vật, kể cả phát sinh ra con người. Chính vì vậy mà muôn vật đều xuất phát, đều bắt nguồn từ trong lòng “đất mẹ vĩ đại”. Cho nên thuyết phong thủy quan niệm đất là “Đại mẫu”.
Thuyết phong thủy lấy âm dương ngũ hành làm nguyên lý cơ sở. Kim, mộc, thuỷ, hỏa, thổ là 5 yếu tố cơ bản cấu thành thế giới, trong đó Thổ là yếu tố quan trọng bậc nhất (là Trung ương), mà Thổ thuộc quẻ “Khôn” tức là thuộc âm tính, là giống cái.
Sinh khí bao hàm trong nó 2 yếu tố âm và dương, cũng như 5 yếu tố: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ chúng kết hợp, nương tựa, tác động lẫn nhau, đồng thời cũng ức chế lẫn nhau theo quy luật tương sinh, tương khắc. Sinh khí biến hóa, vận động, di chuyển trong lòng đất phát sinh ra muôn vật.
Các nhà phong thủy quan niệm rằng: sinh khí không phải chỉ tồn tại và vận hành trong lòng đất, mà dĩ nhiên cũng tồn tại trong bản thân mỗi con người. Con người cũng như hết thảy mọi vật đều do sinh khí cấu tạo thành.
Nhà phong thuỷ nổi tiếng đời Minh là Tưởng Bình Giai, khi bàn về “sự vận động thần diệu của khí” trong sách Thủy song kinh có viết: “Cái đầu tiên duy nhất chỉ là khí, tiếp ngay sau đó là nước. Không có gì xuất hiện trong nước, trong nước có những hạt cặn đục lắng đọng lại thành ra sông núi”.
Tưởng Bình Giai quan niệm sinh khí không những tạo ra diện mạo của sông, núi, cảnh quan môi trường xung quanh con người, mà còn tạo ra chính bản thân con người, thậm chí sinh khí còn được duy trì bảo lưu ngay sau cả khi con người đã chết. Tưởng Bình Giai nói: “Sinh khí kết tinh trong cơ thể của cha mẹ dưới hình thức nước, nó được di truyền cho con cháu. Do vậy mà con cháu thụ hưởng được anh khí của cha mẹ”. Ông còn nói tiếp: “Khi con người sống, khí ngưng tụ, kết tinh ở trong xương, khi chết đi thì chỉ có khí được giữ cùng với xương”, “vì vậy việc mai táng là để cho sinh khí tiếp tục trở lại với hài cốt”. Quách Phác đời Tấn và Tưởng Bình Giai thời Minh đều khẳng định như vậy.
Nhưng mai táng như thế nào để tích tụ được sinh khí, đưa sinh khí trở về với hài cốt. Đây chính là chức năng và bí quyết của các nhà phong thuỷ.
Thuyết phong thuỷ cho rằng, muốn đưa sinh khí trở về với hài cốt, muốn sinh khí được bảo lưu, được tích tụ và duy trì được lâu dài thì phải biết chọn đất mai táng (âm trạch), nơi có nhiều sinh khí.
Nhưng làm thế nào để tìm được một huyệt đất có nhiều sinh khí? Có nhiều thủ pháp chuyên môn, có những bí quyết nhà nghề phức tạp và thần bí, tựu trung lại có mấy phương pháp sau đây:
a) Xác định Long mạch (mịch long): Thuyết phong thủy cho rằng sinh khí vận hành trong lòng đất dựa theo hình thế của núi. Cần xem xét núi bắt đầu từ đâu và dừng lại nơi nào? Nơi núi dừng lại có địa thế bằng phẳng rộng rãi, có dòng nước chảy uốn quanh kề gần, huyệt đất đó sẽ tích tụ được nhiều sinh khí, huyệt đất đó có long mạch, tức là nơi “cát địa” hay “phúc địa”.
Núi bắt đầu từ xa chạy đến gọi là thế. Nơi núi dừng lại gọi là hình. Thế thì bao quát, hình thì cụ thể. Thế càng cao xa thì hình càng có chỗ dựa vững chắc, nơi cát địa đó sẽ mang lại nhiều phúc lộc cho con cháu.
Muốn tìm được cát địa, phải “sát sa” tức là phải quan sát, xem xét những ngọn núi xung quanh huyệt mộ (âm trạch), phải đạt được các tiêu chí sau đây:
- Huyệt mộ phải dựa lưng vào ngọn núi cao gọi là Huyền Vũ. Bên tả có núi gọi là Thanh Long, bên hữu có núi gọi là Bạch Hổ, hai ngọn núi này đứng chầu vào huyệt mộ, tạo thành vòng tay ngai che chống những luồng ác phong (gió độc), bảo vệ sinh khí không bị gió xua tan. Phía trước mặt huyệt mộ có một hòn núi nhỏ án ngữ gọi là Án Sơn (được gọi là Chu Tước), như người đứng khoanh tay, vái chào huyệt mộ. Ngoài xa cũng có một ngọn núi chầu về huyệt mộ gọi là Triều Sơn (núi chầu).
Khi sát sa thấy có đủ hình thế tứ linh (long, lân, quy, phượng- bốn con giống theo thần thoại) thì huyệt đất đó có đủ điều kiện để tích tụ sinh khí, tức là có long mạch.
b) Quan thuỷ: Đây là phương pháp rất quan trọng. Vì theo thuyết phong thuỷ thì “đắc thuỷ” mới là yếu tố hàng đầu.
Thuyết phong thuỷ cho rằng khí là cha mẹ của nước, là bản thể của nước. Nơi nào có sinh khí, tất nhiên ở đó có nước. Nước là cái khí hữu hình, trong khi khí là vô hình. Ngược lại nơi nào có nước, chứng tỏ ở đấy có sinh khí.
Mặt khác, thổ là hình thể của khí. Trong điều kiện Thổ bị dòng nước cắt ngăn và giới hạn lại thì khí cũng theo Thổ mà dừng lại, không di chuyển phân tán được.
Các thầy địa lý khảo sát, xem xét các dòng sông, dòng suối, ao hồ xung quanh huyệt mộ (tức âm trạch). Dòng sâu, nguồn dài là khí vượng, dòng cạn, nguồn ngắn thì phúc lộc ít. Dòng nước chảy tới quanh co, uốn khúc hoặc chảy ngang qua mà vòng quanh trở lại bao bọc âm trạch, dòng nước chảy du dương, êm đềm là rất tốt, nếu dòng chảy xói thẳng vào huyệt như tên bắn, chảy sát huyệt mộ gây xối lở thì rất xấu.
Sau khi đã xác định được long mạch (mịch long) và quan thủy, thầy địa lý (phong thuỷ) mới tiến hành điểm huyệt và xác định minh đường.
Việc điểm huyệt và xác định minh đường yêu cầu phải rất thận trọng, vì đây là mục đích cuối cùng phải đạt được khi ứng dụng thuyết phong thủy. Việc làm này thật không đơn giản chút nào. Vì vậy, tục ngữ mới có câu: “Ba năm tầm long, mười năm điểm huyệt”.
Đất điểm huyệt có khi chỉ là mấy thước, có khi cũng có thể là mấy dặm. Địa điểm đó phải là nơi tích tụ được sinh khí, không hề làm cho sinh khí tiêu tán, đồng thời không ngừng hấp thụ được nguồn sinh khí của tự nhiên, của “đất mẹ”, thường xuyên tiềm ẩn và vận hành trong lòng đất.
Khoảng đất bằng phẳng rộng rãi bao bọc xung quanh huyệt mộ gọi là Minh đường.
Tiểu minh đường là quãng đất hẹp kề ngay trước huyệt mộ.
Trung minh đường (nội minh đường) là khoảng không ở phía trong các núi Thanh Long, Bạch hổ.
Đại minh đường (ngoại minh đường) ở phía ngoài án sơn.
Minh đường và hình thế của núi có quan hệ mật thiết, cần đạt được tỷ lệ thích hợp. Mạch núi từ xa đến thì minh đường rộng; Mạch núi ở gần thì minh đường hẹp. Nếu minh đường quá khoáng đãng thì sinh khí dễ phát tán. Nếu minh đường quá chật hẹp thì phúc lộc không được lâu bền.
Trong việc xác định huyệt mộ (âm trạch) và nền nhà (dương trạch), thuật phong thuỷ còn có nhiều bí quyết để cấm kỵ hoặc trấn yểm.
Tóm lại, ứng dụng thuyết phong thuỷ, sử dụng các thủ pháp chuyên môn, các nhà phong thuỷ (thầy địa lý) có thể phát hiện và điều chỉnh những khu đất có nhiều sinh khí để mai táng hoặc để xây dựng các công trìn kiến trúc như nhà ở, cung điện, thành trấn, thôn lạc v.v…
Đến đây một câu hỏi nữa được đặt ra là tại sao việc chọn đất có sinh khí để mai táng tổ tiên lại có thể đem phúc lộc cho con cháu, tức là “táng tiên” lại có thể “ấm hậu”.
Trong trước tác “Táng thư”, Quách Phác đã nêu luện điểm: “Khí cảm như ứng, quỷ phúc cập nhân”, có nghĩa là những vật đồng chất với nhau có quan hệ cảm ứng lẫn nhau. Quỷ mà Quách Phác viết trong “Táng thư” là cha mẹ hoặc tổ tiên sau khi đã chết (theo cổ tự quỷ có nghĩa là quy, là về, là chết). Thuyết phong thuỷ quan niệm chết là về với đất, về với “đại mẫu” để chuẩn bị cho giai đoạn tái sinh kiếp sau. Vậy “quỷ” chính là tổ tiên, là cha mẹ đã chết, con “nhân” là những con cháu đang sống, là di thể của cha mẹ để lại.
Vì vậy, tổ tiên, cha mẹ và hậu duệ con cháu là đồng khí, là một chất, chúng có quan hệ cảm ứng với nhau. Cho nên “quỷ phúc cập nhân” nghĩa là tổ tiên mang lại phúc ấm cho con cháu.
Trong sách “Táng thư”, Quách Phác còn giải thích thêm: “Thi dĩ đồng sơn tây băng, linh chung đồng ứng, mộc hoa vu xuân, lật nha vi thất”. Nghĩa là “mỏ đồng ở phía tây bị sụt lở thì chuông thiêng ở phía đông cũng ứng theo (chuông tự kêu). Mùa xuân cây lật nở hoa thì quả lật ở trong phòng cũng nẩy chồi”. Như vậy, ý của Quách Phác nói: Chuông đồng và mỏ đồng cùng một khí chất, cây lật và quả lật cùng một khí chất, mặc dầu chúng để ở nơi cách biệt nhau, nhưng vẫn có quan hệ cảm ứng theo lẽ tự nhiên của tạo hoá. Vì thế tổ tiên, cha mẹ tuy đã chết, nhưng vẫn có thể phù hộ cho con cháu, hậu duệ của mình bằng cảm ứng.
Nhà phong thuỷ Quách Phác đã lấy một sự kiện đời Hán Vũ để chứng minh cho quan hệ cảm ứng: Có một quả chuông treo ở lầu Vi Ưởng tại kinh đô Tràng An, một hôm bỗng nhiên quả chuông tự kêu “ô ông…ô ông”. Các vị đại thần hôm ấy vô cùng kinh sợ, cho đó là điềm xấu. Đông Phương Sóc là người có trí tuệ siêu quần thời bấy giờ, đứng lên tâu rằng: “Nhất định lúc này đã có núi đồng khoáng sụt lở”. Mấy ngày sau, quả nhiên có tin từ miền biên cảnh phía Tây xứ Thục báo cáo về triều đình rằng ở đó núi đồng khoáng đã lở vào ngày giờ ấy. Triều đình đem đối chiếu lại thì đúng vào lúc chuông đồng ở cung Vi Ưởng phát ra tiếng kêu. Hán Vũ đế kinh ngạc hỏi vì sao mà Đông Phương Sóc biết được như vậy? Đông Phương Sóc đáp: “Đồng đúc chuông lấy từ mỏ đồng trên núi, khí của chúng cảm ứng nhau mà phát ra tiếng kêu, giống như thân thể người ta là do cha mẹ sinh ra vậy”. Hán Vũ đế chép miệng than rằng: “Vật còn như vậy, huống chi người ta”.
Các nhà phong thuỷ cũng thường kể chuyện bà mẹ ông Tăng Tửng để biện minh cho thuyết cảm ứng.
Chuyện kể rằng: đời Xuân Thu, ông Tăng Tử là người con rất mực hiếu thảo, mỗi khi Tăng Tử đi xa, vắng nhà, mẹ Tăng Tử ở nhà nhớ con da diết, thường cắn vào ngón tay để kiềm chế niềm thương. Tăng Tử ở ngoài xa, mỗi khi ở nhà mẹ cắn ngón tay như vậy thì ông cảm thấy đau nhói ở tim. Điều đó chứng tỏ giữa mẹ và con có mối quan hệ cảm ứng vô hình, nhưng sâu sắc biết chừng nào.
Như vậy từ thời xưa thuyết phong thủy hướng dẫn cho con người tìm huyệt đạo cát địa (phúc địa) để mai táng tổ tiên, cha mẹ hoặc làm nhà ở, dựng cung điện, thành quách v.v… đã có tác động đến đời sống của con người, đã trở thành một bộ phận văn hoá phương Đông nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng...