5 đặc tính của phong thủy hiện đại


     










Phong thuỷ được xem như một thành tố có tính gạch nối giữa truyền thống và hiện đại trong kiến trúc và đời sống. Đối tượng nghiên cứu và tác động của kiến trúc và phong thuỷ đều là con người, do vậy phát triển bền vững được hiểu là khái niệm kép, tuy hai mà một. Điều này tương đồng với năm đặc tính của khoa học phong thuỷ hiện đại đã được tổng kết.

Phát triển phải đi đôi với bền vững, chịu tác động và hướng tới môi trường thiên nhiên, xã hội và kinh tế của một vùng, một không gian cụ thể, chứ không hề là những con số chung chung. Phong thủy được xem như một thành tố có tính gạch nối giữa truyền thống và hiện đại trong kiến trúc và đời sống. Đối tượng nghiên cứu và tác động của kiến trúc và phong thuỷ đều là con người, do vậy phát triển bền vững được hiểu là khái niệm kép, tuy hai mà một. Điều này tương đồng với năm đặc tính của khoa học phong thuỷ hiện đại đã được tổng kết, đó là:

 

- Tính tổng hợp: xem xét rất nhiều phương diện như địa chất, thuỷ văn, khí hậu, cảnh quan, nhân trắc... để tạo lập môi trường sống tốt nhất. Điều này tương tự với khâu khảo sát hiện trạng và đề ra giải pháp thích ứng với khí hậu trong thiết kế kiến trúc, xử lý kết cấu và kỹ thuật liên quan.

 

- Tính linh hoạt: khi gặp các thế đất bất lợi thì luôn có các giải pháp khắc phục từ ngoài vào trong, từ tổng thể đến chi tiết. Ngôi nhà hợp phong thuỷ là ngôi nhà có giải pháp ít tàn phá môi trường, tận dụng các lợi điểm và hạn chế các bất lợi của thiên nhiên.

 

- Tính quân bình: phong thuỷ luôn nêu cao tính cân đối giữa các thành phần nhà và đất, nhà và con người sao cho hài hoà, không quá thiên lệch, tạo sự cân bằng âm dương, động tĩnh trong môi trường ở. Cần xác định rằng, cân bằng không phải là tình trạng chia đều mà là cân bằng động, tuỳ theo trường hợp cụ thể. Vấn đề là xem xét phần nào cần chính, phần nào phụ, có điểm nhấn.

 

- Tính ổn định: phong thuỷ ở Việt Nam phát xuất từ cuộc sống cư dân nông nghiệp, do đó chọn đất cất nhà luôn hướng đến bình ổn hiện tại và tương lai, mong đời sau được phát triển vững bền. Ngôi nhà của người Việt gắn chặt với cộng đồng, tính ổn định trong quan hệ khá cao (chị em xa không bằng láng giềng gần, buôn có bạn bán có phường)...

 

- Tính văn hoá: các bố trí phong thuỷ luôn xem trọng yếu tố gia đình và đời sống tinh thần, có một chủ nhân cụ thể chứ không có ngôi nhà xếp đặt phong thuỷ chung chung. Phong thuỷ cũng là một “liệu pháp” tâm lý hiệu quả và đề cao yếu tố tâm linh, tưởng nhớ tổ tiên, kết nối thế hệ trong nếp nhà Việt.

 

Muốn hiểu biết thấu đáo Phong Thủy phương Đông không thể không nghiên cứu sâu về Kinh Dịch, cùng các khái niệm về Đạo, Âm Dương, Ngũ Hành, Bát Quái, Hình, Ý, Khí, Long Mạch, tuổi tác, hướng thích hợp theo tuổi và giới tính, ý nghĩa về màu sắc theo quan niệm phương Đông. Quan niệm về “khí” rất quan trọng trong khoa địa lý cũng được người phương Tây thấu hiểu, xem nó tương đương với cái mà khoa học gọi là “năng lượng” vận chuyển trong vũ trụ và con người. Ngoài ra họ còn phải đào sâu tìm hiểu thêm về các trường phái Phong Thủy khác nhau như phái Địa Lý (thiên về “hình”), phái Bát Trạch (nặng về “hướng”), phái Mật Tông (nghiêng về “ý”) v.v...

     Trong khoa học hiện đại ngày nay, nghiên cứu địa học là môn khoa học rất phong phú, các phân chỉ khoa học cũng rất nhiều, như: địa lý học, địa chất học, địa từ học, địa hình học, hoá học địa cầu, vật lý địa cầu, địa nhiệt học, v.v… Những tri thức này chắc chắn sẽ giúp ta rất nhiều để nghiên cứu thuật phong thuỷ. Sự phát triển của thuật phong thuỷ Trung Quốc đòi hỏi phải đưa vào những tri thức của các môn khoa học mới này. Chỉ có thế mới có thể phát ra ánh hào quang của sức sống.