Chuyển hóa Sinh thân thành Pháp thân

Giáo hội quy định Tăng Ni mỗi năm phải cấm túc an cư mới được một tuổi đạo; nhưng an cư có an cư tập trung và an cư tại chỗ. An cư tập trung quan trọng hơn đối với người xuất gia; vì nếu chỉ an cư tại chỗ sẽ không học được những điều tốt đẹp của chúng bạn, cũng như không cọ xát được thực tế cuộc sống. Vì vậy, mặc dù chúng ta tu hành đã lâu nhưng nghiệp và phiền não vẫn tiềm ẩn trong tâm, không phát hiện được. Có thể nói an cư tập trung vô cùng quan trọng để chúng ta nương vào con mắt của đại chúng mà quan sát nghiệp của chúng ta; nhờ đại chúng chỉ bảo chúng ta mới sửa đổi được lỗi lầm.

Có thể lần đầu chúng ta an cư tập trung cảm thấy bị ràng buộc, khó chịu; vì người dòm ngó làm "mình" mất tự do. Nhưng thử nghĩ xem "mình" này là gì? "mình" này là nghiệp, là phiền não, là ma ngũ ấm. Nếu nhận ngũ ấm ma và phiền não là "mình" mà tu thì ngũ ẩm ma sẽ tăng trưởng, nghĩa là chúng ta càng tu càng phiền não, càng bị nghiệp bức bách mình nhiều hơn; cho đến mức độ quyết định cất am, cất cốc tu một mình cho dễ. Nhưng cái dễ này sẽ giúp cho phiền não và nghiệp của mình tăng trưởng; vì sống một mình, muốn tụng kinh hay không tụng kinh cũng được, không muốn ngồi thiền cũng không sao. Tu như vậy chỉ luẩn quẩn trong sinh tử luân hồi.

Vì lợi ích của việc an cư tập trung, Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh quyết định tất cả Tỳ kheo, Tỳ kheo ni dù tu bao nhiêu lâu cũng phải có ít nhất mười lần an cư tập trung, mới được tấn phong giáo phẩm. Thời xưa, trong đạo chúng ta cũng có quy định mười hạ trở lên mới được làm Hòa thượng, đó là mười hạ an cư tập trung.

Bắt đầu năm nay, Giáo hội chúng ta tổ chức an cư tập trung cấp thành phố vâ cấp quận, huyện ít nhất Tăng Ni phải có ba hạ an cư tập trung ở cấp thành phố. An cư tập trung cấp thành phố quan trọng hơn ở quận huyện, vì an cư tập trung cấp thành phố, chúng ta được tu học chung với nhiều tu sĩ thuộc nhiều tự viện của các quận, huyện khác nhau, chúng ta lần quen biết và kết bạn tâm giao với đại chúng trong toàn thành phố và nhờ có sống chung mới có cơ hội học hỏi, trao đổi, chúng ta mới có tầm nhìn và sự hiểu biết rộng hơn, giúp cho chúng ta sau này dễ dàng hành đạo.

Theo kinh nghiệm riêng tôi, nhờ những mùa an cư vào những năm còn ngồi ghế nhà trường ở Phật học đường Nam Việt, mà tôi có thể trao đổi với những bạn đồng tu về sinh hoạt từng vùng khác nhau, cho nên sau này tôi đến những nơi đó hành đạo, đã biết được dân tình và những điểm đặc biệt của vùng đó, lại thêm có bạn đồng học với mình năm xưa ở đó thì việc hành đạo của tôi gặp nhiều thuận lợi hơn.

Năm nay Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hai trường hạ an cư tập trung cấp thành phố, một trường hạ dành cho chư Tăng và một trường hạ của chư Ni. Ngoài ra, trong ba tháng an cư, mỗi tháng Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh sẽ chọn thêm ba ngày thích hợp để Tăng Ni thành phố về học tập trung. Khi mãn hạ, Thành hội Phật giáo sẽ cấp chứng nhận cho những hành giả đã an cư tập trung ở cấp thành phố.

Trở lại đề tài chúng ta học là kinh Pháp Hoa. Bộ kinh Pháp Hoa được kiết tập và phiên dịch mà chúng ta thường thọ trì, đọc tụng, gồm có 28 phẩm. Nương theo bộ kinh Pháp Hoa bằng văn tự có giới hạn này, để lần mở ra cho chúng ta thấy tổng quát những tinh ba Đức Phật chỉ dạy, mà ngài Trí Giả gọi lâ Viên giáo .

Viên giáo có nghĩa là pháp cốt lõi của đạo Phật, là sở đắc của Đức Phật Người tu phải đạt cho được phần cốt lõi này và mỗi ngày chúng ta tụng kinh là để bóc lần cái vỏ bên ngoài, mới đi vào phần cốt lõi bên trong quan trọng Kinh Pháp Hoa được gọi là thuần Viên độc Diệu; còn kinh Hoa Nghiêm là Viên giáo.

Trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật nói rằng khi Ngài thành đạo ở Bồ Đề Đạo Tràng, đạt đến đỉnh cao nhất là Vô thượng Bồ đề, tức trí giác cao nhất, Ngài quán sát thấy rằng không có người nào có thể tiếp thu sự hiểu biết mà Ngài đã chứng đắc. Kinh Hoa Nghiêm diễn tả sự tuyệt phần này rằng hàng Nhị thừa hiện hữu trong pháp hội giống như nguời điếc có tai mà không nghe, như người mù có mắt mà không thấy. Ý thức sâu sắc điều này để tự biết rằng trên bước đường tu, khi chúng ta chưa đạt được quả vị của Nhị thừa, không phải là Bích Chi Phật, không phải là La hán, tất nhiên chỗ ngộ của mình còn cách Phật xa lắm. Có thể nói rằng dù chúng ta có học và tu suốt đời cũng không hiểu được Phật. Thật vậy, Đức Phật cũng khẳng định trong kinh Pháp Hoa rằng nếu tập hợp tất cả Bích Chi Phật và A la hán nhiều vô số và suốt đời tìm hiểu Vô thượng Bồ đề của Đức Phật thì cũng không hiểu được gì. Còn chúng ta đọc vài lần tự cho là đã học, đã hiểu kinh Pháp Hoa, thì chắc chắn là "Hiểu mà không hiểu", nghĩa là ta hiểu văn tự, hiểu nghĩa của kinh, nhưng chưa hiểu được Đức Phật. Phải thấy được Phật, mới hiểu được Phật.

Khi Đức Phật chứng quả Vô thượng Bồ đề là đạt đến hiểu biết cao tột nhất về toàn thể Pháp giới, thì không ai hiểu được sở đắc này của Phật, chỉ có hàng Bồ tát Nhứt sanh bổ xứ, tức hàng Bồ tát từ thập địa trở lên là Đẳng giác và Diệu giác Bồ tát mới tiếp cận được với sở đắc vô thượng này của Phật.

Như vậy, từ A la hán cho đến hàng Bồ tát thập địa trở xuống còn không hiểu được trí tuệ của Như Lai thì làm sao hàng phàm phu chúng ta biết được. Vì không có đối tượng để truyền trao trí giác, cho nên Đức Phật Thích Ca muốn nhập Niết bàn. Không riêng gì Đức Phật Thích Ca, lịch sử cho thấy ngay cả hàng A la hán, thậm chí những vị mới chứng sơ quả Dự lưu mà các Ngài cũng muốn vào Niết bàn; vì nói sở đắc của mình cho người khác nghe được rất khó. Mình hiểu đã khó, mà làm cho người khác hiểu còn khó hơn . Bồ tát còn kẹt trần sa  hoặc và vô minh hoặc, nên độ chúng sinh rất khó. Thật vậy, trên bước đường tu, sở đắc trong pháp Phật làm cho mình sống rất an lạc, nhưng dấn thân hành đạo thì phải chịu hết khổ này đến khổ khác. Đối với tôi, ngồi yên ở chùa tu quả là dễ vô cùng, một ngày không ăn cũng không cần và mình hoàn toàn tự do, muốn nhập thiền bao nhiêu lâu cũng được, muốn đọc sách đến chừng nào tùy ý. Sống với nội tâm, với tuệ giác của mình, cảm thấy thú vị lắm chứ. Những vị chứng quả Dự lưu không còn lệ thuộc việc ăn uống, tức không bị trạng thái đói khát hành hạ thân tâm, nên họ sống nội tâm nhiều hơn là sống với bên ngoài và giáo hóa độ sinh, phải tiếp xúc với Phật tử, khiến họ mất công suy nghĩ những việc không đáng, làm động tâm. Vì vậy, đắc đạo rồi, nhiều vị không muốn giáo hóa độ sinh.

Đức Phật đắc đạo, thấy biết cao tột mọi diễn tiến của muôn loài, của cả vũ trụ bao la và Ngài cũng biểt rõ tất cả mọi người trong tam giới này không thể học, không thể hiểu được trí giác ấy, thì làm sao Ngài dạy; cho nên Đức Phật Thích Ca muốn nhập Niết bàn. Bấy giờ mười phương Phật xuất hiện để an ủi Ngài rằng chỗ ngộ của Phật Thích Ca đồng với chỗ ngộ của chư Phật mười phương; nhưng có khác ở điểm Đức Phật Thích Ca có thân tứ đại, còn chư Phật mười phương đã xả thân tứ đại và vào Niết bàn rồi, thì làm sao các Ngài giáo hóa được chúng sinh. Nói cho dễ hiểu, tôi có thân tứ đại ngũ uẩn, dù nó gây khó dễ cho tôi, nhưng tôi còn đến đây thuyết pháp, nhắc nhở quý vị tu hành được. Trong khi Sư bà Huyền Học muốn xuất hiện ở đây để dạy dỗ quý vị cũng không được, vì Sư bà không còn thân tứ đại ngũ uẩn nữa.

Chư Phật mười phương ở thế giới Thường Tịch Quang, không hiện hữu trên cuộc đời này, nên các Ngài không giáo hóa chúng ta được; ngoại trừ những người có căn lành mới có niềm tin, nghĩ về Phật và đi tìm Phật, thì họ thấy Phật. Thuở nhỏ, tôi xuất gia cũng nhờ căn lành, tuy chưa thấy Phật, nhưng trong lòng tin Phật một cách sâu sắc, tôi mới cố gắng đi từ chùa này sang chùa khác để tìm Phật.

Khi Đức Phật Thích Ca thành đạo ở Bồ Đề Đạo Tràng là chuyển đổi được ngũ uẩn thân thành Pháp thân. Huyền Giác Đại sư diễn tả ý này rằng huyễn hóa sanh thân tức Pháp thân. Nghĩa là tu hành, phải chuyển đổi ngũ uẩn thân thành pháp khí Đại thừa; nếu không thì giữ nguyên ngũ ấm ma, dù có tu suốt đời cũng rơi vào thế giới ma, tức càng tu thì càng tham lam, càng hung dữ thêm.

Chuyển hóa ngũ ấm thân thành Pháp thân bằng cách nào và làm sao chúng ta biết được mình đã chuyền hóa?

Đức Phật dạy rằng phá được một phần vô minh, phiền não, nghiệp chướng trần lao thì một phần Pháp thân hiện ra. Vì phiền não, vô minh và nghiệp chướng trần lao cấu tạo nên con người phàm phu tội lỗi; cho nên chúng ta phải phá lần những hạt nhân xấu này để chuyển đổi và có hai cách chuyển đổi. Một là chuyển đổi tâm trước và phần vật chất sẽ thay đổi theo. Hai là chuyền đổi vật chất trước và tâm theo đó thay đổi, phần nào dễ chuyển đổi, chúng ta làm trước.

Khi Đức Phật Thích Ca chứng được Pháp thân và được chư Phật mười phương nhắc nhở phải sử dụng sanh thân để tiếp cận, giáo hóa chúng sinh. Như vậy, Đức Phật Thích Ca có sanh thân và Ngài đã chuyển đổi thành Pháp thân. Chuyển đổi sanh thân thành Pháp thân nghĩa là gì?

Mọi người đều có sanh thân ngũ uẩn giống nhau, nhưng khác nhau ở công phu tu hành để chuyển đổi sanh thân thành Pháp thân. Trong ngũ uần sanh thân của chúng ta có thân vật chất và phần tinh thần. Chúng ta tu trên thân ngữ uẩn, nhưng từng bước chuyển đổi phần vật chất và tinh thần trở thành Pháp thân.

Thật vậy khi chưa xuất gia, chúng ta cũng mang thân này, nhưng cạo tóc, xuất gia và thọ giới rồi, thân vật chất của chúng ta liền trở thành pháp khí Đại thừa, hay công cụ của Đại thừa giúp chúng ta truyền giáo. Có thể trên thực tế, quý thầy cô học chưa bằng ai, nhưng chắc chắn quý vị hơn các cư sĩ tại gia ở chiếc áo tu hành và quan trọng hơn cả là hơn người đời ở nếp sống phạm hạnh thanh tịnh. Với hình thức và đời sống của người xuất gia, người ta biết rõ chúng ta là người truyền bá Chánh pháp. Như vậy, chúng ta đã chuyển đổi thân tứ đại của người thế tục bằng cách thay đổi chiếc áo thế tục và cuộc sống thế tục thành chiếc y Phật và cuộc sống tu hành phạm hạnh thanh tịnh. Tôi nhờ khoác áo Phật và sống đời phạm hạnh thanh tịnh, nên tôi giảng dạy, người ta mới nghe theo và thấy mình giống với Đức Phật hơn.

Và mặc áo Phật, phủi tóc theo Phật, sống trong chốn già lam là tự khẳng định mình là đệ tử xuất gia của Phật, chúng ta phải gánh lấy trách nhiệm rất lớn. Nếu ta làm điều sai trái, sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho đạo Phật; tội lỗi này khó mà trả nổi. Vì vậy, người tu phải giữ giới luật, thể hiện tứ oai nghi và sống phạm hạnh thanh tịnh.

Pháp thân Phật do Báo thân kết hợp mà thành, cho nên chúng ta phát triển Báo thân bao nhiêu thì có được Pháp thân bấy nhiêu. Báo thân là thân phước đức và trí tuệ, mà phước đức là do phạm hạnh thanh tịnh tạo nên. Và khi chúng ta thể hiện được cuộc sống phạm hạnh thanh tịnh, chúng ta lại hiện tướng giải thoát, tác động cho người nghĩ rằng chúng ta thay Phật thuyết pháp giáo hóa chúng sinh, họ thuyết pháp giáo hóa chúng sinh, họ mới cung kính cúng dường. Như vậy, do giữ giới mà thành đức và từ đức hạnh này thành tựu, chúng ta đã chuyển đổi được một phần thân vật chất ngũ uẩn thành Pháp thân.

Tuy nhiên, nếu do giữ giới và sống phạm hạnh thanh tịnh mà đắc quả vị A la hán, Trí Giả gọi đó là độn căn La hán. Chúng ta thấy có những vị tu hành tuy không có hiểu biết nhiều, nhưng nhờ thành tựu giới đức, sống phạm hạnh, họ được kính trọng Chúng ta nương những vị đức hạnh để rèn luyện mình thành người đức hạnh là chúng ta mới có được một nửa Báo thân mà thôi. Một nửa Báo thân còn lại là trí tưệ cần được phát triển; nhưng muốn tăng trưởng trí tuệ phải tu tập thiền quán.

Đạo đức do xây dựng bên ngoài và trí tuệ do nội quán bên trong. Tu giới ban đầu tạo thành đức và tu định tuệ tác động hỗ tuơng cho nhau. Có định sanh tuệ là tu từ nhân hướng quả và có tưệ mới định là từ quả hướng nhân.

Như đã nói, đối với chúng phàm phu, khi vừa thành đạo, Đức Phật Thích Ca nghĩ rằng Ngài không thể truyền dạy cho họ trí giác vô thượng. Nhưng nhờ chư Phật mười phương an ủi, Ngài mới nghĩ phương cách sử dụng phương tiện, tức các pháp môn tu hành, để giúp cho chúng phàm phu phát sinh trí tuệ và đạo đức.

Khởi đầu, từ Bỏ Đề Đạo Tràng đến Lộc Uyền, Đức Phật lập giáo khai tông, Ngài chỉ dạy một pháp môn duy nhẩt là Tứ Thánh đế, tức bốn chân lý. Trong Tứ Thánh đế, Khổ đế và Tập đế chúng ta phải biết, đi tu quan trọng nhất chúng ta phải làm là Đạo đế; còn Diệt đế chúng ta chưa chứng.

Đối với tất cả Tăng Ni xuất gia học đạo, Đạo đế thu gọn là 37 trợ học đạo, Đạo đế thu gọn là 37 trợ đạo phẩm, hay 37 phương tiện giúp chúng ta đắc Thánh quả; đó là giáo pháp cốt lõi quan trọng ban đầu. Theo Trí Giả đại sư, 37 trợ đạo phẩm cũng là kinh Pháp Hoa, nhưng là ẩn mật Pháp Hoa, tức kinh Pháp Hoa tiềm ẩn trong 37 trợ đạo phẩm. Vì kinh Pháp Hoa là Phật thừa, tiêu biểu cho tuệ giác vô thượng của Đức Phật Thích Ca mà chúng ta không thề nào hiểu được; cho nên Ngài phải sử dụng phương tiện huệ là 37 trợ đạo phẩm đề dìu dắt chúng ta từng bước.

Như vậy, chúng ta học ẩn mật Pháp Hoa, nương theo phương tiện huệ của Đức Phật là 37 trợ đạo phẩm của Đạo đế khởi đầu là Tứ niệm xứ quán để dẫn dắt chúng ta vào đâu, cần phải biết rõ.

Tứ niệm xứ quán gồm có quán thân bất tịnh, quán thọ thị khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã, sẽ giúp chúng ta đoạn trừ ái dục, hạn chế quan hệ với cuộc đời, không chấp vào việc thế gian và quán pháp vô ngã, để cuối cùng đi đến pháp Xả. Theo ngài Thế Thân, trong ba thọ là khổ thọ, lạc thọ và xả thọ, lấy xả thọ làm pháp tu hành đề chúng ta rời bỏ tâm chấp trước.

Thành tựu pháp Tứ niệm xứ quán, chúng ta sẽ chứng được Hư không thân, sẽ đi vào cảnh giới Phật của hàng Dự lưu. Hiểu như vậy, chúng ta nỗ lực thực hiện cho được pháp quán vô ngã, luôn ý thức mọi việc trên thế gian này là giả hợp mà thành, không có gì thật sự là ta, là của ta để chứng được Hư không thân. Và khi thân chúng ta như hư không, thì người có đánh mắng, mình trụ ở hư không, không trụ sắc thân, chắc chắn sẽ được giải thoát. Nếu trụ sắc thân, thí dụ như ta trụ trì chùa, khi chùa xuống cấp, hoặc bị chiếm giữ, chúng ta liền sanh tâm chấp giữ, buồn khổ, đấu tranh, v.v...

Đức Phật dạy chúng ta bất trụ sắc sanh tâm, bất trụ thanh, hương, vị xúc pháp sanh tâm, cho đến Ưng vô sở trụ sanh tâm, nghĩa là hoàn toàn không có sự chấp thủ nào cả mới được tự tại giải thoát thật sự. Đa số chúng ta khó thực hiện điều này, vì chúng ta sợ mất của cải, cho đến sợ mất thân mạng. Nhưng thử nghĩ xem tất cả mọi người đều phải chết, tài sản mất trước và thân mạng mất sau; cần phải luôn giác ngộ sự thật này.

Trên bước đường tu, đạt được Ưng vô sở trụ sanh tâm là sanh được bốn tâm vô lượng, từ bi hỷ xả. Ai làm gì tổn hại, mình tha thứ bỏ qua. Đối với tôi ai khinh chê, chửi mắng, tôi lấy đó làm phương tiện hành đạo. Họ nói xấu, mình có mình mới sợ; nếu mình không có lỗi thì họ phải nợ mình và phải sợ mình.

Nếu tu thuần Tứ niệm xứ quán, trụ ở Không tâm, hay Ưng vô sở trụ sanh tâm, tức sanh tâm ở chỗ không trụ pháp, không trụ vật chất, nên đạt giải thoát. Đó là thành tựu pháp Tứ niệm xứ quán, có tâm nhẹ nhàng như hư không, mới phát triển pháp Tứ chánh cần là bốn việc siêng năng làm.

Trong thiền quán, chúng ta đã được an lạc, giải thoát nhưng xả thiền, đi vào cuộc đời thì không giống trong thiền định. Vì trong thiền định, chúng ta muốn sao được vậy, mọi điều diễn ra hoàn toàn theo ý muốn chúng ta; còn ở thực tế cuộc sống, đâu có việc gì cũng theo ý chúng ta, chúng ta muốn mà không được, vì phải đối diện với nghiệp và phiền não của người, của mình.

Nhờ đã thực tập Tứ niệm xứ quán vững vàng, chúng ta đi vào đời và đối cảnh, mới biết để thực hiện đúng đắn pháp Tứ chánh cần. Tâm xấu ác như ghét ganh, ty hiềm, hơn thua, hại người, v.v... chưa sinh ra, chúng ta có thể tránh mặt nguời để không cho tâm xấu này khởi lên. Tâm xấu ác đã sinh ra, phải xóa ngay, bằng cách niệm Phật, hoặc dùng pháp khác để quán tưởng. Trên bước đường tu, cần phải cọ xát với thực tế mới phát huy được pháp hành, mới tạo được công đức. Điều thiện đã sinh ra, nói cụ thể là càm tình tốt đẹp của người đành cho ta vì ta đã giúp đỡ họ, thì cần phát triển thiện cảm này. Điều tốt chưa sinh, chưa làm tốt cho người, nên cố gắng gieo trồng hạt giống lành này.

Phải nói rằng nhờ có trí tuệ chúng ta mới nhận ra điều thiện đề phát huy và điều xấu đề từ bỏ. Như vậy, có trí tuệ là thiện và không có trí tuệ là ác. Và cuối cùng Phật dạy rằng tịnh là thiện và động là ác. Tâm chúng ta vọng động thì dù có làm việc tốt cũng thuộc vọng tâm, nên có tạo được phước thì càng ở trong vòng nghiệp và quả báo. Thí dụ xây chùa cho người tu, mình được phước; nhưng nếu đầu tư công sức vào việc này, mình cũng phải tính toán, đối phó, lo lắng, buồn phiền...; tâm đâu có an lạc giải thoát. Thực tế cho thấy chúng ta lăn xả vào đời vì thương chúng sinh, muốn cứu giúp họ; nhưng rõ ràng chúng ta bị thiệt thòi rất nhiều, vì chúng ta dễ bị trần ai làm ô nhiễm.

Tóm lại, học kinh Pháp Hoa, chúng ta cần có cái nhìn tổng quát, nhận ra Tứ Thánh đế, giáo pháp cốt lõi ban đầu của Đức Phật chỉ dạy, cũng chính là kinh Pháp Hoa với tên gọi là ẩn mật Pháp Hoa, vì đã tiềm ẩn những hạt nhân cần thiết để dẫn dắt tất cả hàng đệ tử Phật vượt qua 500 do tuần đường hiểm, từng bước đến cứu cánh vô thượng Bồ đề.

HT.Thích Trí Quảng
(Bài giảng tại trường hạ chùa Vĩnh Phước ngày 7-6-2008)
Nguồn: Báo Giác Ngộ số 439 & 440
(Vi tính: phatphap.wordpress.com &  phatphapnhiemmau.com)