Tam phủ là danh từ để chỉ ba vị thánh thần trong hệ thống
tín ngưỡng Việt Nam gồm:
Bà Trời (các tên khác: Thiên mụ, Bà Chúa Xứ,
Mẫu Thượng Thiên),
Bà Đất (tên khác: Bà Chúa Sông,
Mẫu Thượng Ngàn),
Bà Nước (tên khác: Bà Chúa Lạch,
Mẫu Thoải), cai quản những lĩnh vực quan trọng nhất của một xã hội
nông nghiệp.
Tứ phủ
(Bách khoa toàn thư mở Wikipedia) Tứ phủ công đồng hay Tứ phủ là một tín ngưỡng nằm trong của đạo Mẫu của Việt Nam. Tứ phủ bao gồm:
- Thiên phủ (miền trời): có mẫu đệ nhất (mẫu Thượng Thiên) cai quản bầu trời, làm chủ các quyền năng mây mưa, gió bão, sấm chớp.
- Nhạc phủ (miền rừng núi): có mẫu đệ nhị (mẫu Thượng Ngàn) trông coi miền rừng núi, ban phát của cải cho chúng sinh.
- Thuỷ phủ (miền sông nước): mẫu đệ tam (mẫu Thoải) trị vì các miền sông nước, giúp ích cho nghề trồng lúa nước và ngư nghiệp.
- Địa phủ (miền đất): mẫu đệ tứ (mẫu Địa Phủ) quản lí vùng đất đai, là nguồn gốc cho mọi sự sống.
Tứ phủ được thờ tại hầu hết các chùa chiền ở miền Bắc Việt Nam. Tại điện Hòn Chén ở Huế, Thánh Mẫu Thiên Ya Na, nguyên là một nữ thần của người Chăm, được nhập vào hệ thống tứ phủ và thờ làm Mẫu Thiên [1]. Trong khi đó, nhiều tài liệu cho rằng ở miền Bắc, Mẫu Thiên lại là Liễu Hạnh Công chúa.
Tứ phủ
nhập hồn của các vị Thánh Tứ Phủ vào thân xác
Tứ phủ là khái niệm thường được đi liền với tam phủ – hệ thống ba vị mẫu nhất, nhị, và tam (không bao gồm mẫu đệ tứ). Có tài liệu cho rằng hệ thống tứ phủ được xây dựng từ tam phủ cộng thêm mẫu Liễu. Tuy nhiên, do các tín ngưỡng Việt Nam hầu như chỉ được gìn giữ từ đời sang đời khác qua các hình thức truyền khẩu mà không có tài liệu rõ ràng và ít được nghiên cứu. Do đó có sự đa dạng tùy theo từng vùng, và chúng được giải thích theo nhiều hướng khác nhau.
Liễu Hạnh công chúa
(Bách khoa toàn thư mở Wikipedia) Liễu Hạnh Công chúa là một trong những vị thần quan trọng nhất của tín ngưỡng Việt Nam. Bà còn được gọi bằng các tên: Bà Chúa Liễu, Liễu Hạnh, Mẫu Liễu Hạnh hoặc ở nhiều nơi thuộc vùng Bắc Bộ bà được gọi ngắn gọn là Thánh Mẫu.
Liễu Hạnh Công chúa được thờ ở rất nhiều nơi như phủ Giầy (Nam Định), phủ Tây Hồ và đền Sòng Sơn Vọng Từ (phố Tôn Đức Thắng) ở (Hà Nội), đền Sòng và đền Phố Cát (Thanh Hóa), đền Phủ Giày (Thành phố Hồ Chí Minh) … trong đó, phủ Giầy ở Vụ Bản Nam Định là nơi quan trọng nhất. Hàng năm, đến ngày huý của bà, dân chúng đi trẩy hội rất đông, đặc biệt là ở hội Phủ Giầy vào tháng 3 âm lịch. Thành ngữ có câu: “Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ“, nói về ngày giỗ của hai vị được dân gian thờ cúng: “Cha” là Vua Cha Bát Hải Động Đình và Trần Hưng Đạo, còn “Mẹ” chính là bà Chúa Liễu.
Bà còn được tôn vinh trong hệ thống tứ bất tử. Bà thường được thờ cùng với hệ thống tam phủ, nên tạo thành tứ phủ. Mẫu Liễu Hạnh còn được thờ trong một tín ngưỡng riêng gọi là Tam Tòa Thánh Mẫu.
Đời thứ nhất Mẫu giáng sinh tại thôn Quảng Nạp xã Vỉ Nhuế huyện Thái An phủ Nghĩa Hưng trấn Sơn Nam, trong nhà thái ông họ Phạm hiệu là Huyền Viên, thái bà hiệu là Thuần hai người cùng một quê. Ở đời này mẫu cũng luôn giữ chữ Trinh hiếu thảo thờ phụng cha mẹ, sau trở về chốn linh tiêu, mẫu tại thế từ năm Giáp Dần niên hiệu Thiệu Bình nguyên niên (1434) cho tới năm Quí Tỵ niên hiệu Hồng Đức thứ 4 (1473). Đời thứ hai của mẫu giáng sinh vào nhà thái công họ Lê tại xã Vân Cát huyện Vụ Bản phủ Nghĩa Hưng, thái công họ Lê tên húy là Đức Chinh. Tới tuổi trưởng thành được gả cho Trần Đào Lang ở thôn An Thái (sau đổi là Tiên Hương), sinh được một con trai tên là Nhâm. Ở kiếp này mẫu tại thế từ năm Đinh Tỵ niên hiệu Thiên Hựu nguyên niên (1555) cho tới năm Đinh Sửu niên hiệu Gia Thái thứ 5 (1577). Đời thứ ba của mẫu giáng sinh tại xã Tây Mỗ huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hóa, lấy chồng họ Mai (là tái hợp với hậu thân của Đào Lang), sinh được một con trai tên là Cổn, được hơn một năm mẫu quay gót trở về đế hương. Sau Ngọc hoàng chuẩn cho mẫu được trắc giáng xuống cõi trần thường xuyên tiêu dao khắp nơi, được miễn vòng sinh tử luân hồi
Lâm Cung Thánh Mẫu
(Bách khoa toàn thư mở Wikipedia) Động tối ở chùa Bái Đính (Ninh Bình), nơi thờ bà chúa Thượng Ngàn
Lâm Cung Thánh Mẫu hay Mẫu Thượng Ngàn hoặc Bà Chúa Thượng Ngàn là một trong ba vị mẫu được thờ cúng tại điện Mẫu, cạnh đình,
Lâm Cung Thánh Mẫu
chùa của người Việt, chủ yếu ở miền bắc và miền trung Việt Nam. Bà được tạc thành hình một phụ nữ đẹp, phúc hậu, ngồi ở tư thế thiền, chân xếp bằng và hai tay chắp và mang trang phục màu xanh khi được đặt cùng hai vị mẫu kia là Mẫu Liễu Hạnh và Mẫu Thoải hoặc được thờ riêng trong một điện. Việc thờ phụng Mẫu Thượng Ngàn là một đặc điểm của tín ngưỡng gắn liền với núi rừng của người Việt. Bà là một nhân vật mang tính truyền thuyết và đóng vai trò quan trọng trong tín ngưỡng hầu bóng tam phủ hay tứ phủ.
Truyền thuyết
Bà là con gái của Sơn Tinh (tức Tản Viên Sơn Thánh) và công chúa Mỵ Nương (trong truyền thuyết Sơn Tinh-Thủy Tinh cả hai cùng cầu hôn Mỵ Nương, con gái vua Hùng). Khi còn trẻ, Mẫu là một cô gái đức hạnh, lại tài sắc vẹn toàn, được cha mẹ đặt tên là La Bình.
Học tập
La Bình thường được cha cho đi cùng, đến khắp mọi nơi, từ miền núi non hang động đến miền trung du đồi bãi trập trùng. Trong địa hạt mà Tản Viên Sơn Thánh cai quản, ông đã dạy dân không thiếu điều gì, từ săn bắn thú dữ đến chăn nuôi gia súc, từ trồng cây ăn quả, trồng lúa nương đến việc đắp ruộng bậc thang, trồng lúa nước v.v. hay dựng nhà dựng cửa, hái cây thuốc chữa bệnh. Ông cũng thường cùng các vị sơn thần, tù trưởng luận đàm thế sự và bàn soạn công việc. Do luôn luôn được theo cha như thế nên La Bình cũng học hỏi được rất nhiều điều. Vốn thông minh sáng dạ, lại chăm chỉ thực hành nên việc gì La Bình cũng biết, cũng giỏi. Những khi Sơn Tinh bận việc hay không thể đi khắp những nơi mà dân chúng cần đến thì La Bình thường được cha cho đi thay. Những lần như thế, La Bình luôn tỏ ra là một người đầy bản lĩnh, biết tự chủ trong giao tiếp, lại cũng biết thành thạo trong mọi công việc.
Các sơn thần, tù trưởng đặc biệt quý trọng nàng, coi nàng là người đại diện xứng đáng của Sơn Thánh. Còn bản thân nàng, chẳng những hòa hợp, ân cần với mọi người, mà còn rất thân thuộc, quyến luyến với phong cảnh, từ cây cỏ hoa lá đến hươu nai chim chóc …
Cai quản
Khi Tản Viên và Mỵ Nương, theo lệnh của Ngọc Hoàng Thượng đế trở về trời thành hai vị thánh bất tử thì La Bình cũng được phong là công chúa Thượng Ngàn, thay cha đảm nhận công việc dưới trần, nghĩa là trông coi tất cả 81 cửa rừng và các miền núi non hang động, các miền trung du đồi bãi trập trùng của nước Nam.
Trở thành chúa tể của miền núi non và trung du, công chúa Thượng Ngàn vẫn luôn luôn chăm chỉ, hàng ngày hết sức làm tròn các trọng trách của mình. Bà bảo ban các loài cầm thú phải biết sống hòa hợp với nhau, dạy chúng đừng ăn những loài quả độc, nấm độc, biết tránh khỏi những cây cối đổ, những cơn lũ quét …
Bà dạy bảo con người cũng thật chu đáo, tỉ mỉ. Những gì cha bà đã dạy, bà đều đem ra áp dụng. Khi tiếp xúc với các tù trưởng, bà cũng học thêm ở họ được nhiều điều. Thế là bà lại đem những điều hiểu biết mới đi truyền bá ra mãi.
Bà cải tiến và hoàn thiện thêm những gì mà trước kia, ở cha bà mới chỉ là bắt đầu. Làm nhà không những đã chắc chắn, lại còn phải biết chạm trổ cho thật đẹp đẽ. Ở mũi các thuyền độc mộc cũng thế, có khắc cả hình hai đầu rồng chạm hẳn vào nhau. Cách nấu nướng thức ăn,chẳng những chỉ có kho, luộc mà còn chế thêm ra được nhiều món mới. Rồi công việc đồng áng, bà dạy mọi người cách lấy ống bương để dẫn nước từ khe núi xuống. Lại đi phân phát hạt giống, cho nên nơi nào cũng có cơm dẻo nếp thơm. Trong các con vật nuôi trong nhà, bà đem về thêm nhiều giống gia súc mới. Lại trồng thêm nhiều giống cây ăn quả. Rồi trồng cả những hoa thơm cỏ lạ lấy từ trên rừng núi về …
Ngọc Hoàng Thượng đế còn ban tặng cho bà thêm nhiều phép thuật thần thông, đi mây về gió, và trở thành vị Thánh bất tử để luôn luôn gần gũi, gắn bó với cõi trần, vĩnh viễn ở miền trung du và núi non hùng vĩ. Khi dân chúng sinh sôi nảy nở ra thêm, từ miền núi non và trung du tràn xuống các miền đồng bằng và ven biển, đã mang theo những cách thức làm ăn và phong tục tập quán từ hồi còn ở trong rừng, dưới sự bảo ban dìu dắt của công chúa Thượng Ngàn.
Cùng với nhiều vị thần thánh khác, công chúa Thượng Ngàn vẫn ngày đêm lặng lẽ âm phù cho sự bình yên của mọi người dân nước Việt. Nhiều người gọi bà là Mẫu, một cách vừa trìu mến gần gũi mà cũng vừa tôn kính.
Phù hộ
Người ta cho rằng các chiến công quân sự của nhiều triều đại Việt Nam đều có sự phù hộ của bà. Vì thế, các triều đại này, sau khi thắng lợi đều có lễ tạ ơn và có sắc thượng phong cho bà là công chúa.
Một truyền thuyết cho rằng hồi đầu thời kỳ khởi nghĩa Lam Sơn, lúc ấy lực lượng nghĩa quân còn yếu, đang đồn trú ở Phản Ấm thì quân Minh kéo đến bao vây. Nghĩa quân người ít chống cự không nổi, phải tan tác mỗi người mỗi nơi. Trong đêm tối, công chúa Thượng Ngàn đã hóa phép thành bó đuốc lớn, soi đường cho quân sĩ, tập hợp và dẫn dắt họ đi vào đất Mường Yên, về cơ sở núi Chí Linh. Ánh đuốc thiêng của bà, chỉ quân sĩ của Lê Lợi biết được, còn quân Minh không thể nào nhìn thấy.
Ở Chí Linh, nghĩa quân vừa sản xuất, vừa tập luyện và tập hợp, phát triển thêm lực lượng. Thật gian khổ, lắm phen không còn lương thực, phải lấy củ nâu củ mài thay cơm, nhưng nhờ sự che chở của công chúa Thượng Ngàn, quân đội của Lê Lợi vẫn ngày một thêm lớn mạnh. Quân Minh nhiều lần đến bao vây cũng đành phải chịu rút về. Từ Chí Linh, quân Lê Lợi tiến vào giải phóng Nghệ An, Thuận Hóa. Sau đó, với những trận thắng oanh liệt ở Tốt Động, Chúc Động, Chi Lăng và cuối cùng, bao vây quân Minh ở Đông Quan để kết thúc cuộc chiến, lập lại hòa bình cho nước Việt.
Thờ phụng
Công chúa Thượng Ngàn, cũng như nhiều vị thần thánh khác, được nhiều người tôn thờ, và được coi là hồn thiêng của sông núi, bao nhiêu đời nay dẫn dắt con cháu vững bước đi lên. Bà có mặt ở khắp nơi, theo bước chân của dân chúng, khi ở miền rừng núi rồi xuống miền đồng bằng. Vì vậy, ở nhiều nơi người dân lập điện thờ, thờ phụng bà. Tuy nhiên, đại bản doanh của bà vẫn là vùng núi non và các cửa rừng. Những người đi rừng, muốn được bình yên, vạn sự tai qua nạn khỏi, thường đến cầu xin sự che chở, phù trợ của bà. Ai muốn săn bắt hay khai thác thứ gì trong rừng, cũng đặt lễ, thắp hương, cầu xin để được bà chấp thuận.
Thiên Hậu Thánh mẫu
(Bách khoa toàn thư mở Wikipedia) Thiên Hậu Thánh Mẫu hay bà Thiên Hậu, còn gọi là “Ma Tổ”, “Mẫu Tổ” hay là “Thiên Thượng Thánh Mẫu”
Bà Thiên Hậu
là một vị thần quan trọng trong tín ngưỡng của người Trung Hoa và người Việt gốc Hoa.
Bà được xem như vị thần bảo trợ của ngư phủ và người đi biển, được tôn kính đặc biệt cả trong Phật giáo và Đạo giáo, ở các quốc gia Đông Á, và nhất là tại Đài Loan. Ngày tưởng niệm bà là ngày 23 tháng 3 âm lịch hằng năm.
Sự tích bà Thiên Hậu
Bà được người Quảng Đông gọi là “A Phò” (Đức Bà). Người Phúc Kiến và Hải Nam thích gọi bà là “Đạo Mẫu”.
Theo học giả Vương Hồng Sển thì bà có tên là Mi Châu, thuộc Bồ Dương (Phước Kiến). Bà sinh ngày 23 tháng Ba năm Giáp Thân (1044), đời vua Tống Nhân Tông. Sau đó, tám tuổi bà biết đọc, mười một tuổi bà tu theo Phật giáo. Mười ba tuổi, bà thọ lãnh thiên thơ: thần Võ Y xuống cho một bộ “Nguyên vị bí quyết” và bà tìm được dưới giếng lạn một xấp cổ thư khác, rồi coi theo đó mà luyện tập đắc đạo.
Một lần, cha bà tên Lâm Tích Khánh ngồi thuyền cùng hai trai (anh của bà), chở muối đi bán tỉnh Giang Tây, giữa đường thuyền lâm bão lớn…Lúc đó bà đang ngồi dệt vải cạnh mẹ nhưng xuất thần để đi cứu cha và hai anh. Bà dùng răng cắn được chéo áo của cha, hai tay nắm hai anh, giữa lúc đó mẹ kêu gọi bà, ép bà trả lời, bà vừa hở môi trả lời thì sóng cuốn cha đi mất dạng, chỉ cứu được hai anh. Từ đó mỗi khi thuyền bè ngoài biển bị nạn người ta đều gọi vái đến bà. Năm Canh Dần (1110) nhà Tống sắc phong cho bà là “Thiên Hậu Thánh Mẫu”.[1]
Theo những tài liệu khác cho biết bà sinh năm 960 tại đảo My Châu, huyện Bồ Điền, phủ Hưng Hóa, tỉnh Phước Kiến, là con thứ 7 của ngư phủ Lâm Nguyện [2], còn gọi là Lâm Thiện Nhân, ông nội bà từng là Tổng đốc ở Phúc Kiến. Khi sinh ra bà không khóc không la, nên còn gọi là Mặc Nương (“Cô gái im lặng”). Nổi tiếng bơi giỏi từ năm 15 tuổi. Năm 16 tuổi, Lâm Mặc Nương lượm được 2 miếng “Đồng phù” (bùa vẽ trên miếng đồng) ở dưới giếng nước và tập luyện theo, nên trở thành có phép lạ và nổi danh từ đó qua những sự việc được cứu người vượt biển và thu phục và cảm hóa các vị ác thần (như 2 hung thần Thiên lý nhãn và Thuận phong nhĩ) được kể lại[2] . Có 2 thuyết khác nhau về năm mất của bà, thuyết đầu cho rằng bà mất năm 987 khi 28 tuổi, lúc bà lên núi và bay về trời, thuyết khác cho biết bà mất năm 16 tuổi khi bơi ra biển để tìm cha [3].
Sau khi bà mất được dân làng nhớ ơn, suy tôn là “Thông hiền linh nữ” và lập đền thờ. Triều đình nhà Tống sắc phong cho bà là “Thần nữ”, “Nam Hải thần nữ”, đời Tống Cao Tông phong bà là “Sùng Linh Huệ Chiêu Ứng Phu nhân”. Đời Nguyên Thế Tổ phong là “Hộ Quốc Linh Trước Thiên Phi” [2] .
Thờ phụng
Tượng thờ bà Thiên Hậu tại Chùa Bà Kuala Lumpur
Bắt đầu từ Phúc Kiến, sự linh ứng của bà Thiên Hậu được lan truyền sang các tỉnh lân cận ven biển của Chiết Giang và Quảng Đông, eo biển Đài Loan và từ đó đến tất cả các khu vực ven biển của Trung Quốc đại lục. Với sự di cư của người Trung Quốc trong thế kỷ 19 và 20, sự thờ phượng tiếp tục lây lan sang Đài Loan, Việt Nam, Nhật Bản, và Đông Nam Á; bà Thiên Hậu dược xem như thần bảo trợ của các vùng biển và những người nhập cư mới đến thường dựng lên ngôi đền cho Bà đầu tiên, cảm tạ ơn cho đến nơi an toàn. Hiện nay, sự thờ phượng Thiên Hậu cũng được tìm thấy ở các nước khác có số dân đáng kể đến từ những khu vực này. Tổng cộng, có khoảng 1.500 ngôi đền Thiên Hậu ở 26 quốc gia trên thế giới .