Chương 1 Tầm quan trọng của Thiên văn học Trung Hoa - Phần 3

Chương 1

Tầm quan trọng của Thiên văn học Trung Hoa

 

 

 Thiên văn đối với Trung Hoa xưa có một tầm mức hết sức quan trọng. Thiên văn quan trọng vì có nhiều lý do. Những lý do ấy sẽ được lần lượt trình bày trong chương này.

 


III. THIÊN VĂN VÀ LỊCH SỐ

Đời xưa cần biết thiên văn để làm lịch số. Lịch số cốt là cho ngày tháng gian trần được tương ứng với sự vận chuyển của mặt trời mặt trăng. Do đó đoán định đại khái trước được thời tiết, và biết ngày giờ thuận tiện mà làm các công việc nông tang.

Nhà vua xưa giành lấy độc quyền làm lịch. Theo Nguyệt Lệnh thì đời xưa phát lịch năm tới vào tháng cuối thu năm trước.

 

IV. BẦU TRỜI LÀ ĐÀI QUAN SÁT HẠ GIỚI

Các vua chúa Trung Hoa xưa còn dùng bầu trời như là một đài quan sát để kiểm soát, để theo dõi tình hình các miền trong nước và phiên trấn.

Vì thế mới phân trời đất thành châu, thành dã; mỗi vùng trời lại ứng với vùng đất, rồi nhân các điềm trời xảy ra ở vùng trời nào thì biết được các biến cố sẽ xảy ra ở vùng đất nào.

 

V. THIÊN VĂN VÀ QUÂN SỰ

Đời xưa, phàm là tướng soái giỏi đều phải biết thiên văn.

Lưu Địch, vị quân sư tương lai của Tống Từ Vận, đêm nọ vào ngủ nhờ nơi miếu của Gia Cát Võ Hầu. Đến đêm, được Võ Hầu ứng mộng truyền cho ba quyển thiên thư. Võ Hầu bảo Lưu Địch: «Lưu Địch, ngươi hãy ngồi đó đặng ta truyền thụ cho ngưới ba cuốn thiên thư của ta, đã để nơi phía sau lưng của ta đây. Vậy ngươi phải cất lấy sách mà đọc thuộc, thì ngươi sẽ có kế định quốc an bang, lục thao tam lược. Đây này, cuốn thứ nhất nói về việc thiên văn, coi xét nhật, nguyệt, tinh, thần, phong, sương, lôi, vũ mà rõ biết thời vận thịnh suy. Cuốn thứ nhì thì coi về việc quá khứ vị lai, lành dữ thế nào và dạy vẽ việc hành binh bố trận. Cuốn thứ ba thì dạy việc địa lý, bày kiểu cách mai phục, lên núi xuống sông thế nào, và dạy thế đạp cang bộ đẩu mà phá trừ yêu thuật. Mấy lời ta dặn đó thì ngươi phải ghi tạc vào lòng, đặng có bảo phò chân chúa, giúp vận quốc gia.» [6]

Truyện này chân giả khó lường, nhưng nó cho ta biết những điều kiện cần phải có của một vị nguyên nhung hay của một vị tham mưu trong quân lữ.

Muốn biết thiên văn quan trọng thế nào đối với vấn đề quân sự, ta hãy đọc đoạn Tam Quốc sau:

Tư Mã Ý đem 40 vạn quân đi đánh Thục. Khổng Minh sai hai tướng Vương Bình và Trương Ngục đem một nghìn quân ra ngả Trần Thương để chặn quân Ngụy.

Hai tướng nghe lệnh giật mình hỏi:

- Nghe tin báo: quân Ngụy kéo tới 40 vạn, nói phao lên là 80 vạn, thanh thế quá lớn như vậy, sao Thừa Tướng chỉ cho một ngàn quân đi giữ ải? Nếu quân Ngụy ào đến thì chúng tôi chống làm sao?

Khổng Minh giục:

- Thôi cứ đi đi. Ta cũng muốn cho nhiều, nhưng sợ quân sĩ thêm vất vả…

Hai tướng ngơ ngác nhìn nhau, không ai dám đi. Khổng Minh nói:

- Nếu sa sẩy chuyện gì thì không phải lỗi ở các người ! Thôi đừng nói nữa, lập tức đi cho mau !

Hai tướng càng sợ, mếu máo bẩm:

- Nếu Thừa Tướng muốn giết hai chúng tôi, xin hãy giết ngay đây. Chúng tôi thực không dám đi !

Khổng Minh bật cười rồi giảng giải rằng:

- Sao mà ngu đến thế ! Đã sai đi tức là ta đã có chủ kiến rồi chứ? Đêm qua ta đã xem thiên văn, thấy sao Tất đi xen vào thiên phận Thái Âm, ắt trời sẽ mưa dầm dề suốt tháng này. Thế thì quân Ngụy dù có 40 vạn cũng chẳng dám vào sâu nơi đường lầy núi hiểm. Cho nên ta chẳng đưa nhiều quân ra làm gì cho vất vả. Các ngươi nhất định không «bị hại» đâu ! Ta đem đại quân ra Hán Trung, cứ việc đóng lại một tháng nghỉ ngơi cho khỏe. Đợi Ngụy quân bị mưa dầm khốn khổ phải rút lui ta mới xua đại binh truy kích, thong thả đánh kẻ mệt mỏi, ắt 10 vạn quân ta thắng 40 vạn quân Ngụy !

Vương Bình, Trương Ngục vỡ lẽ mới hớn hở bái từ ra đi…

Mà quả thực Tư Mã Ý xem thiên văn biết sẽ có mưa dầm, nên truyền lệnh án binh bất động.[7]

VI. ẢNH HƯỞNG TÂM LÝ CỦA THIÊN VĂN

Thiên văn có ảnh hưởng lớn lao đến tâm lý dân gian, vì thế các chính trị gia thường lợi dụng thiên văn để đánh đòn tâm lý quần chúng.

Khi Vương Mãng tiếm ngôi nhà Hán, Lưu Tú – một hậu duệ của nhà Hán muốn phục hưng cơ đồ – đã dùng chiến thuật này. Ông được coi là sao Tử Vi, còn những tướng tá phụ bật ông đều được coi là hàng Nhị thập bát tú giáng trần. Ví dụ Sầm Bành là Vĩ Hỏa Hổ, Mã Võ là Khuê Mộc Lang, Ngô Hán là Cang Kim Long, v.v.[8]

Ghi chú: Đây vốn là loạt bài đã đăng tạp chí Phương Đông, các số 1 (tháng 7-1971), 2 (8-1971), 3 (9-1971), 4 (10-1971), 5 (11-1971), 6 (12-1971), 11 (5-1972), 15 (9-1972), 16 (10-1972), 22 (4-1973), 26 (8-1973), 27 (9-1973), 29 (11-1973), 33 (3-1974), 37 (7-1974), 42 (12-1974), 43 (1-1975).