Thân phụ ông là một nhà nho tên là Nguyễn Sinh Sắc, từng đỗ Phó bảng. Thân mẫu ông là bà Hoàng Thị Loan (1868-1901).
Bác có một người chị là Nguyễn Thị Thanh (1884-1954), một người anh là Nguyễn Sinh Khiêm (1888-1950), tự là Tất Đạt, còn gọi là ông Cả Khiêm và một người em trai nhưng mất sớm là Nguyễn Sinh Nhuận (1900-1901).
Thăm quê ngoại Bác
Hoàng Trù là cái nôi văn hóa đồng quê xứ Nghệ. Làng Hoàng Trù xưa có tên Nôm là Cồn Trùa sau thành làng Chùa. Đến cụm di tích Hoàng Trù, sau cánh cổng tre rộng mở là lối đi giữa hai bờ dậu dẫn chúng ta đến một ngôi nhà thờ và hai ngôi nhà tranh thân thuộc, giống những ngôi nhà của cư dân vùng này thuở trước.
Bác Hồ ra đời trong ngôi nhà tranh ba gian ở khu di tích Hoàng Trù này. Ngôi nhà nằm gần sát nhà cụ Hoàng Đường, được cụ dựng lên vào dịp lễ thành hôn của con gái Hoàng Thị Loan và ông Nguyễn Sinh Sắc vào năm 1883.
Gian nhà ngoài để làm nơi học tập, nghỉ ngơi và là chỗ cụ Đường dạy học. Ở đó có một bộ phản, một chiếc án thư, hai cái ghế kê sát cửa sổ, hai cái giá để sách.
Gian thứ hai là nơi nghỉ của bà Hoàng Thị Loan - ở đó bà đã sinh thành, nuôi nấng ba người con khôn lớn. Trong gian nhà này có chiếc giường nhỏ đơn sơ, khung giường làm bằng gỗ xoan đâu, thang làm bằng tre, liếp bằng nứa, trên trải chiếu mộc.
Gian thứ ba để bộ khung cửi dệt vải. Bà Loan thường khuya sớm dệt vải, dệt lụa giúp gia đình những lúc khó khăn, thiếu thốn. Sát bên là chiếc võng cói dài để bà tiện tay ru con những lúc đang đưa thoi dệt vải. Những lời ru ngọt ngào và âm thanh của khung cửi êm đềm là ký ức khó quên trong quãng thời thơ ấu của ba chị em cậu Nguyễn Sinh Cung ngày ấy.
Ngôi nhà này sau khi đậu Phó bảng vào năm 1901, được nhân dân làng Sen và bà con bên họ Nguyễn Sinh đón về quê nội ở, thân sinh của Bác Hồ đã để lại cho bà con trong họ Hoàng Đường sử dụng.
Thăm quê nội Bác
Trở về quê nội của Bác - làng Kim Liên xưa có tên là trại Sen, sau này gọi là làng Sen. Đây là nơi còn lại những di tích quý giá về gia đình của Bác và là nơi hoạt động thuở thiếu thời của Người.
Ngày 14/6 năm Đinh Hợi này là chẵn 50 năm ngày Bác Hồ về thăm quê lần thứ nhất, cũng là ngót 100 năm từ ngày Bác rời quê hương làng Sen bôn ba đi khắp góc bể chân trời. Buổi sáng ngày tháng sáu ấy trời nắng chan hoà. Những tia nắng như cùng reo vui chiếu rọi lên từng nét mặt chan chứa vui sướng tự hào cuồn cuộn đổ về Nam Đàn, về Kim Liên.
Bác kia rồi! Trong bộ quần áo ka ki bạc màu, đôi dép cao su mòn gót, Bác tươi cười vẫy chào nhân dân. Cả rừng người hò reo mừng đón Bác. Một đồng chí lãnh đạo tỉnh Nghệ An trịnh trọng mời Bác đi vào nhà khách mới được xây cách đấy không lâu, nhưng Bác ngăn lại:
- Tôi xa nhà, xa quê đã lâu nay mới có dịp trở về, tôi phải về thăm nhà tôi trước đã. Nhà tiếp khách là để dành cho khách, tôi có phải là khách đâu!
Nói rồi Bác rẽ đi về lối nhà mình. Đến trước chiếc cổng tre dẫn lối đi vào nhà ngang thấy hàng chữ ghi trên tấm bảng nhỏ “Nhà Bác Hồ”, Bác quay lại bảo với mọi người:
- Đây là nhà Cụ phó bảng chứ có phải là của Bác Hồ đâu!
Đúng vậy. Ngôi nhà gỗ 5 gian lợp tranh là của dân làng Kim Liên xuất quĩ công mua và dựng mừng quan đại khoa Nguyễn Sinh Sắc vừa thi đậu Phó bảng khoa thi Hội năm Tân Sửu 1901. Người anh của Cụ là Nguyễn Sinh Trợ cùng bỏ tiền dựng 3 gian nhà nhỏ dùng làm nhà ngang, mừng người em sắp vinh qui bái tổ.
Bác đứng tần ngần, nhìn bao quát 2 ngôi nhà, sân vườn. Khi nghe tiếng người cán bộ hướng dẫn mời Bác đi vào nhà, Bác ngập ngừng trong vài thoáng rồi thong thả đi dọc theo hàng rào bước đến góc vườn rẽ phải, theo hàng rào dâm bụt đi thẳng vào sân:
- Các chú mở lối đi vừa rồi là sai, cổng nhà Cụ Phó bảng ở hướng đông này chứ!
Bác dừng lại giữa sân, như muốn thu toàn bộ cảnh quan vào đôi mắt. Người chỉ cho những người đi theo đâu là nơi trồng cây ổi, chỗ nào có cây thanh yên đã mọc trên mảnh vườn xưa của nhà Bác. Bác đi vào nhà lớn, đi hết năm gian, đi đến đâu Bác chỉ cho mọi người vị trí đặt, để các đồ vật theo ký ức của Người.
Ở gian thứ nhất có kê bộ phản lớn làm nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc tiếp khách. Chính tại nơi đây, Nguyễn Sinh Cung đã được nghe không ít cuộc đàm đạo của các chí sĩ yêu nước, những người đồng chí hướng với thân phụ mình. Bàn thờ được đặt ở gian thứ 2. Chiếc bàn thờ này không có chân mà nó được đỡ trên 2 tấm gỗ đóng ống vào cột nhà. Bàn thờ là một tấm liếp bằng nứa trên trải chiếu mộc. Đồ thờ đều làm bằng gỗ mộc không sơn son thiếp vàng.
Gian thứ 3 được quây kín thành một gian buồng giành cho chị gái bác là Nguyễn Thị Thanh tức Bạch Liên. Gian thứ 4 giành riêng để Cụ Phó bảng đọc sách, nghỉ ngơi. Ngoài bộ phản còn có một cái án thư. Gian thứ 5 cũng được kê một bộ phản dành riêng cho 2 anh em Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung. Bác chỉ cho mọi người biết chiếc võng đay được mắc ở đâu, cái rương gỗ đựng thóc kê ở vị trí nào, cái tủ 2 ngăn đựng chén bát được đặt ở đâu... Đi hết nhà lớn, Bác bước xuống nhà ngang, ngày trước dùng để nấu nướng và để đồ.
Bác lại đi ra sân, đứng ngắm lại ngôi nhà đã gắn bó một giai đoạn rất quan trọng trong cuộc đời Bác. Ngôi nhà này là một kỷ vật chứng kiến quá trình lao động, học tập và trưởng thành từ năm mười một tuổi đến năm mười sáu tuổi của Bác, là nơi ghi dấu những cảm xúc đầu tiên về lòng yêu nước, về nhận thức xã hội và ghi dấu những hoạt động cứu nước bước đầu của Người.
Đã 50 năm trôi qua, những ai được vinh dự có mặt trong giờ phút thiên liêng của buổi sáng ngày 14/6/1957, hẳn không quên lời Bác:
- Tôi xa quê đã 50 năm rồi. Thường tình người ta xa nhà, lúc trở về thì mừng mừng tủi tủi. Nhưng tôi không tủi mà chỉ thấy mừng. Bởi, khi tôi ra đi, nhân dân ta còn nô lệ, bị bọn phong kiến đế quốc đè đầu cưỡi cổ. Bây giờ tôi về thì đất nước đã được giải phóng, nhân dân đã được tự do.
"Quê hương nghĩa nặng tình cao Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình"
Khu vực đài tưởng niệm Bác
Bác Hồ đã về thăm lại quê hương hai lần đó là vào năm 1957, 1961 và lần nào Người cũng bồi hồi xúc động khi nhìn thấy những kỷ vật quen thuộc thân thương.