Đầu năm 2007, nhà khoa học Mỹ - Tiến sĩ Waine tuyên bố với giới báo chí: Ông đã giải mã được bí ẩn của chiếc “Gương soi ma quỷ” từng gây tai họa cho người Pháp suốt hơn 200 năm qua.
Chân tướng hư ảo
Việc Tiến sĩ Waine đệ đơn xin phép Hiệp hội Sưu tập đồ cổ Pháp, muốn tiến hành điều tra nghiên cứu chiếc “gương ma”, một lần nữa khơi dậy lòng hiếu kỳ của dân chúng đối với chiếc gương “đáng nguyền rủa” này, họ đầy lòng hoài nghi đổ dồn ánh mắt vào cái ông Tiến sĩ người Mỹ coi thường cái chết này, một mặt họ mong đợi Waine có thể khám phá, giải đáp được câu đố bí ẩn “rối bòng bong” ẩn chứa trong lòng họ suốt mấy trăm năm qua, mặt khác cũng khiến một số người lo lắng niềm tin thiêng liêng vào lời nguyền mà họ gửi gắm vào chiếc gương ma quỷ này bị vạch trần, phá vỡ.
Chuyện Waine có trở thành kẻ bị hại thứ 39 không, bỗng trở thành tiêu điểm chú ý của giới truyền thông và dân chúng. Nhưng Hiệp hội đồ cổ nước Pháp sau nhiều lần bàn thảo cân nhắc, đã quyết định từ chối lời đề nghị của Tiến sĩ Waine, bởi họ không muốn phải chứng kiến thêm một bi kịch mới nữa.
Waine hơi thất vọng nhưng không thối chí, ông quyết định tìm tới người cháu nội của Tiến sĩ Smith, chàng trai này bị thuyết phục bởi lòng chân thành và quyết tâm vì khoa học của Tiến sĩ Waine, tuy nhiên anh ta vẫn không an tâm, đã nhiều lần nhấn mạnh với Waine về cái chết “bất đắc kỳ tử” của ông nội mình.
Thấy Tiến sĩ Waine vẫn không tỏ ra nao núng trước lời “cảnh tỉnh”, cuối cùng anh ta đã đem chiếc tráp gỗ có đựng chiếc gương được niêm phong kỹ giao cho Tiến sĩ Waine. Thực ra, tấn bi kịch mấy năm trước dày vò mọi người thân trong gia đình tiến sĩ Smith rất nhiều, họ không muốn giữ lại chiếc gương sát nhân trong nhà mình chút nào, nhưng tuân theo lời trăng trối thiết tha của Tiến sĩ Smith, họ đành giữ lại và bảo quản rất kỹ lưỡng chiếc gương này.
Cuối cùng Tiến sĩ Waine theo chân chàng trai bước xuống tầng hầm chứa đồ và tận mắt nhìn thấy chiếc tráp gỗ niêm phong rất cẩn thận, bám đầy bụi bặm, bên trong có đặt chiếc gương ma quỷ.
Tiến sĩ Waine đặt chiếc tráp gỗ đựng gương vào chiếc va-ly du lịch, từ biệt gia đình tiến sĩ Smith đáp máy bay trở về Mỹ.
Tiến sĩ Waine mang chiếc tráp đựng gương về thẳng nhà riêng, đặt trong phòng thí nghiệm. Khi ông nóng lòng định bật nắp chiếc tráp, bỗng bà Maria vợ ông từ ngoài đẩy cửa xộc vào, khóc lóc yêu cầu hãy dừng ngay hành động điên rồ đó lại. Sau khoảnh khắc bối rối, Tiến sĩ Waine quay ra dỗ dành khuyên giải và nói rõ mục đích việc làm của mình cho Maria nghe, bà hơi nguôi ngoai và gạt nước mắt rời phòng thí nghiệm.
Nhưng thật lạ là bà “bước đi một bước giây giây lại dừng”, ngoái cổ lại nhìn chồng với ánh mắt bịn rịn, nuối tiếc như trong giờ phút vĩnh biệt! Dường như linh tính báo cho bà hay: Waine chồng bà sẽ chết là điều không thể tránh khỏi trong tương lai rất gần.
Sự quấy rầy của Maria đã phá vỡ sự yên tĩnh của Tiến sĩ Waine, ông ngồi thừ trước bàn nhìn đăm đăm vào chiếc tráp gỗ đựng gương, chần chừ suy ngẫm có nên mở nắp tráp hay không. Nhưng trách nhiệm của một nhà khoa học giàu kinh nghiệm đã thúc giục tiến sĩ Waine bình tĩnh trở lại.
Tiến sĩ Smith đã chết vào ngày thứ ba sau khi tiếp xúc, nghiên cứu chiếc gương, vậy thì cho dù mình không thoát khỏi số phận hẩm hiu chăng nữa, cũng nhất định phải tranh thủ, khoảng thời gian ngắn ngủi 72 giờ đồng hồ để khám phá bằng được điều bí ẩn chứa đựng trong chiếc gương này.
Chiếc gương “ma” bao năm ngủ kỹ trong bóng tối đầy bụi bặm cuối cùng đã nhìn thấy lại ánh sáng mặt trời, nó chỉ là một chiếc gương cổ bình thường loang lổ phai màu theo thời gian, nhưng Tiến sĩ Waine không dám khinh suất chủ quan, ông nhẹ nhàng lật qua lật lại chiếc gương, săm soi quan sát rất kỹ lưỡng từng phần một, từ hoa văn chạm trổ trên khung gương tới mặt gương, dựa vào kinh nghiệm khảo cổ lâu năm, ông nhận định rằng, tuổi của chiếc gương không “cổ kính” tới mức như lời đồn đại bấy lâu, và thế là ông bắt tay tiến hành giám định, quả nhiên cho thấy tuổi của chiếc gương này chưa quá 100 năm.
Điều này có nghĩa là mặt gương đã bị ai đó thay mới vào! Như vậy xem ra bí mật không phải chứa đựng ở mặt gương, vì vậy Waine đổ dồn ánh mắt hoài nghi vào chiếc khung gương bằng gỗ được chạm khắc tinh vi. Chẳng lẽ chiếc khung gỗ xinh xắn này lại là hung thủ giết người hàng loạt?
Suốt một buổi sáng ngày đầu tiên qua đi, sự nghiên cứu của Tiến sĩ Waine đối với chiếc gương vẫn chưa có tiến triển gì đáng kể, còn vợ ông, bà Maria lòng dạ như có lửa đốt, cứ đi đi lại lại phía ngoài cửa phòng thí nghiệm, chính điều đó khiến ông càng thêm rối ruột, khó tập trung. Bỗng trong óc ông loé lên một ý nghĩ lạ lùng, ông vui sướng tới mức muốn hét lên, vỗ bàn đứng bật dậy, vội đẩy cửa chạy ra ngoài như bị ma đuổi.
Chạng vạng tối, Tiến sĩ Waine rời thư viện có trường đại học quay về nhà, ông cố kìm nén niềm vui phơi phới trong lòng. Nếu như sự suy đoán của ông là chính xác, thì bí mật về chiếc gương “ma quỷ” này sẽ sớm được khám phá, giải mã.
Bà Maria thấy một ngày đằng đẵng qua đi mà tiến sĩ Waine chồng bà không hề hấn gì, lòng đã khấp khởi mừng thầm, thở phào nhẹ nhõm, nhưng vẫn không yên tâm, nên khi thấy ông Waine quay về, bà cứ xoắn xuýt bám theo sau.
Khi tiến sĩ Waine móc chìa khoá vừa mở toang cánh cửa phòng thí nghiệm, bà vội chen lên trước nhìn vào, bỗng bà ré lên một tiếng hét kinh hoàng, không dám bước thêm vào. Bởi bà nhìn thấy hai con chuột bạch thí nghiệm nhốt trong lồng sắt đặt trước chiếc gương đã chết đứ đừ tự bao giờ! Xem ra chiếc gương “ma” lại một lần nữa tác yêu tác quái!
Mà Maria túm chặt tay Tiến sĩ Waine, không cho ông bước vào, tiến gần tới chiếc gương. Ông phải hứa với bà rằng mình sẽ hết sức cẩn trọng không tiếp cận đối diện với mặt gương, mới tạm “xua” được bà ra khỏi phòng thí nghiệm. Sau đó với cử chỉ đầy hưng phấn và tự tin, tiến sĩ Waine bước vào phòng và bắt tay giải phẫu khám nghiệm hai con chuột bạch đã chết, khi mổ phanh phần trong não chúng tích đầy máu đọng, thì ra chúng cũng bị chết vì chứng tràn máu não!
Tiến sĩ Waine dùng lưỡi dao cực sắc gọt trên khung gỗ chiếc gương lấy một vài mẩu dăm gỗ làm mẫu hoá nghiệm, sau đó lại cất kỹ chiếc gương vào trong tráp gỗ, bọc lại cất vào một chỗ kín, người ngoài không dễ nhìn thấy.
Sáng hôm sau, Tiến sĩ Waine mang mẩu dăm gỗ tới một cơ quan nghiên cứu khoa học chuyên ngành nhờ hoá nghiệm, phân tích giám định, sau đó trở về nhà ông hồi hộp chờ đợi kết quả trắc nghiệm. Quả nhiên đúng như dự đoán của Tiến sĩ Waine, chiếc khung gỗ của gương “ma” được chế tác bằng một loại gỗ rất hiếm gặp - gỗ cây coura, mà loại cây này đã bị tuyệt chủng từ hơn 100 năm trước.
Theo tài liệu ghi chép thì loại gỗ cây coura này có chứa một loại chất cực độc, khi hứng luồng ánh sáng tự nhiên càng mạnh chiếu dọi vào thì chất độc từ gỗ càng bay hơi tạo thành luồng khí độc, khiến mạch máu não của người hít phải chỉ sau một thời gian ngắn bị tắc nghẽn, nứt vỡ, dẫn tới chứng tràn máu não, đột tử!
Lần này chính thói quen khi làm việc đã cứu mạng cho tiến sĩ Waine. Thường ngày khi thao tác thực nghiệm trong phòng thí nghiệm ông có thói quen kéo đóng kín rèm cửa sổ, bởi vậy ánh sáng tự nhiên chiếu vào phòng rất yếu, nên khí độc từ khung gỗ bay hơi rất yếu, nhưng khi Waine rời khỏi phòng thí nghiệm, để thoáng khí, bà Maria đã mở toang tất cả các rèm cửa sổ, ánh sáng mặt trời ùa vào phòng, làm khí độc từ khung gỗ thoát ra nhiều, dẫn tới cái chết của 2 con chuột bạch.
Điều bí ẩn cuối cùng đã được khám phá! Nhưng khi Tiến sĩ Waine rất đỗi vui mừng chuẩn bị tổ chức cuộc họp báo lớn công bố “Bộ mặt thật của chiếc gương ma”, bỗng ông tá hoả khi phát hiện chiếc tráp gỗ có chứa chiếc gương ma đã không cánh mà bay! Tuy FBI ngay lập tức nhảy vào cuộc, tiến hành điều tra truy lùng, nhưng cho tới nay vẫn không có kết quả.
Bởi không có hiện vật gốc, nên Tiến sĩ Waine vô phương chứng minh được mẫu dăm gỗ là được tước từ khung chiếc gương ma ấy, do đó sự giải thích của ông vẫn bị phản bác, hoài nghi. Và chiếc “gương ma” giết người hàng loạt cho tới nay vẫn là một điều bí ẩn, cả loạt án mạng trong mấy trăm năm qua có liên quan tới chiếc gương “Alvarez 1743” vẫn còn là các vụ án mờ.