Chương 6
Khái lược về Thiên văn học Trung Hoa
theo Vương Trí Viễn đời Tống
I. THIÊN VĂN ĐỒ
II. NHẬN ĐỊNH
Những chương đại cương ở trên, tuy rất cần thiết về phương diện khảo cứu, nhưng đôi khi rất là khó. Tôi cũng biết vậy, nhưng thà rằng trình bày cùng độc giả những tài liệu tuy khó nhưng có giá trị, còn hơn là đưa ra những tài liệu tầm thường không đứng vững được với thời gian.
Trong những chương tiếp, tôi sẽ dùng những tài liệu cổ, trình bày dần dà cùng quý vị bầu trời và những vì sao trên trời.
Chúng ta sẽ dần dần làm quen với những vì sao trên trời, và nếu muốn, quí vị cũng có thể xem sao, và biết được sao nào trên trời tên gì.
Ngày nay, muốn xem sao trời cũng không khó, tôi xin mách quí vị bí quyết:
- Dùng phương pháp hình học để tìm sao. Phương pháp này đã được Đại úy Hải quân Pierre Sizaire trình bày trong các bộ sách của ông về thiên văn, đã được toát lược trong cuốn Le Guide des Étoiles.
- Có một bản đồ bầu trời của Pierre Sizaire.
- Có một bảng đối chiếu các tên sao Đông - Tây.
- Định được Đông, Tây, Nam, Bắc nơi mình ở.
- Định được Bắc Cực, Hoàng Đạo, Xích Đạo trên trời.
- Theo dõi các chòm sao (từ một sân thượng nhà nào đó) vào khoảng 9 giờ tối, 12 giờ đêm, và nếu được, 4 giờ sáng.
- Nhờ một người biết sao chỉ cho mình biết tên một vài ngôi sao sáng nhất, tùy theo mỗi mùa. Nhân đó mình suy đoán ra được các vì sao khác. Mà trong nước ta, các sĩ quan Hải quân, các nhân viên hàng hải thường rất am tường các sao.
Sau đây xin trở lại đề tài: Khái niệm về thiên văn học theo Vương Trí Viễn 王 致 遠 đời Tống.
Sở dĩ tôi muốn giới thiệu cùng quí vị tài liệu thiên văn học này vì đó là một trong bốn tài liệu đã được dùng để dạy vua Ninh Tông nhà Tống khi ngài còn là Thái Tử. Những tài liệu này sau đã được Vương Trí Viễn khắc vào bốn tấm bia đá lớn, năm 1247.
Gọi là của Vương Trí Viễn e cũng chưa được chỉnh lắm, Joseph Needham cho rằng tài liệu trên đã được Vương Trí Viễn khắc vào bia đá năm 1247, nhưng thực ra đã được Hoàng Thường, thái sư của vua Ninh Tông soạn năm 1193.
Tôi đề cập tài liệu này vì những lý do sau đây:
(1) Đó là tài liệu dùng để dạy một thái tử khi xưa.
(2) Nó toát lược thiên văn học và có cả một bản đồ bầu trời đầy sao, được khắc vào một tấm bia đá lớn 182 x 102 cm.
(3) Các học giả phương Tây đã đến sao chép, làm phóng bản, và những bản in ấy hiện được lưu giữ tại Bibliothèque d’Art et d’Archéologie do Mr. Doucet sáng lập.
(4) Tài liệu thiên văn học này đã được Joseph Needham chụp lại và in trong quyển Science and Civilisation in China, quyển 3, nhưng chỉ in có bản đồ sao chứ không có chữ Hán về thiên văn. Quý hơn hết là các tài liệu này đã được Ed. Chavannes đăng tải, chụp lại, và dịch trong quyển I bộ Mémoires concernant l’Asie Orientale từ trang 43 đến 57. Hình chụp lớn 40 x 25 cm, gồm cả hình lẫn chữ, có thể đọc được dễ dàng (Chavannes cũng chụp lại và dịch cả ba tài liệu về địa lý, lịch sử, và Tô Châu đồ nói trên).
(5) Tài liệu này đánh dấu trình độ hiểu biết về thiên văn của người Trung Hoa cách nay gần 1000 năm.
Sau đây xin dịch và bình bài Thiên Văn Đồ.
I. THIÊN VĂN ĐỒ
(Hoàng Thường 黃 裳 & Vương Trí Viễn 王 致 遠 )
» Nguyên bản chữ Hán
Phi Lộ
Trước khi Thái Cực chưa phân, tam tài (Trời, Đất, Người) còn hàm ngụ ở bên trong, nên gọi là Hỗn Độn.
Gọi là Hỗn Độn có ý nói: Trời, Đất, Người còn hồn nhiên, lộn lạo, chưa phân phôi.
Khi Thái Cực đã chia, thì Khinh thanh thành Trời, Trọng trọc thành Đất. Thanh trọc hỗn tạp pha trộn với nhau thành Người. Khinh thanh là Khí, Trọng trọc là Hình. Hình Khí hợp với nhau là Người. Cho nên những hiện tượng của Khí trên trời đều là do lý tự nhiên nơi Thái Cực. Lý ấy chuyển vận thì thành nhật nguyệt, phân chia mà thành Ngũ tinh, liệt bày mà thành Nhị thập bát tú, hội hợp mà thành Bắc Đẩu, Bắc Thần. Cái gì cũng theo những định luật cửu, cũng ứng hợp với nhân đạo, nên có thể dùng Lý mà suy biết.
Thiên Thể
Chu vi trời là 365o ¼. [4] Đường kính trời là121o ¾. Mỗi độ chia thành 100 phần. ¼ độ là 25/100, ¾ độ là 75/100. Trời tả tuyền (quay về phía trái). Phía Đông trời cao hơn đất, phía Tây trời xuống dưới đất. Trời chuyển vận không ngừng. Trong thời gian ngày một đêm trời chuyển vận một vòng 366o ¼.
Địa Thể
Đất đo được 24o mỗi chiều. Đất dày ½ như vậy (tức là 12o). Thế đất thấp hơn về phía Đông Nam. [6] Thế đất cao hơn về phía Tây, và cao hơn khoảng 1o.
Thiệu Ung cho rằng: Nước, lửa, đất, đá hợp nhau để tạo nên đất. Nhưng nay, cái mà tôi nói là có 24o một chiều, đó chỉ mới là thứ thành bởi đất và đá; ngoài đất và đá ra, còn có nước, mà nước liền với trời. Tất cả những thứ đó là hình trái đất, mà mỗi chiều cũng phải đo được 121o ¾.
Hai cực Bắc, Nam là hai cực trên dưới của trục. Bắc ở phía trên, Nam ở phía dưới, nếu ta trông từ trên xuống.
Bắc Cực
Bắc Cực cách đất 35o . [7]
Nam Cực
Nam Cực cũng cách chân trời hơn 35o về phía dưới. Đường ở khoảng giữa hai cực và cách hai cực 91o 1/3 là Xích Đạo.
Xích Đạo
Xích Đạo đi một vòng quanh ngang bụng trời. Xích Đạo dùng để đo khoảng cách giữa Nhị thập bát tú.
Nó ở khoảng cách giữa hai cực, và «Thiên tâm trung khí» ở đó. Nó chuyển vận đều đặn, không nhanh, không chậm, chuyển vận ngày đêm, là động cơ làm cho trời quay từ Đông sang Tây. Nó sinh ra bốn mùa, điều hòa nóng lạnh, điều hòa Âm Dương. Nó là hậu thiên Thái Cực.
Tiên thiên Thái Cực sinh ra trời đất trong vô hình. Hậu thiên Thái Cực chuyển vận trời đất trong hữu hình. Cái diệu dụng của Tam Tài (Trời, Đất, Người) ở hết trong đó vậy.
Mặt Trời
Mặt trời là tinh hoa của Thái Dương, chủ sinh dưỡng, làm ơn ích, đó là ảnh tượng của vua.
Nếu vua cai trị đúng lẽ, mặt trời sẽ có ngũ sắc; nếu vua cai trị sái lẽ, mặt trời sẽ lộ ra khuyết điểm để răn bảo nhà vua như Sử Ký đã chép về nhật thực, về mặt trời có vết đen, mặt trời hóa đỏ, mặt trời mất sáng, hoặc hóa thành sao chổi hiện ra ban đêm, sáng rực bốn phương.
Mặt trời có đường kính là 1o5 từ Tây sang Đông, mỗi ngày đi một độ, một năm đi hết một vòng chu thiên.[8] Đường mặt trời đi gọi là Hoàng Đạo.
Hoàng Đạo
Hoàng Đạo cắt Xích Đạo; nửa ở ngoài, nửa ở trong Xích Đạo. Ngày Đông Chí, Hoàng Đạo ở ngoài Xích Đạo 24o và xa Bắc Cực nhất. Mặt trời mọc giờ Thìn, lặn giờ Thân, cho nên khí trời lạnh, ngày ngắn mà đêm dài.
Ngày Hạ Chí, Hoàng Đạo ở trong Xích Đạo 24o và gần Bắc Cực nhất. Mặt trời mọc giờ Dần, lặn giờ Tuất, cho nên khí trời nóng, ngày dài và đêm ngắn.
Ngày Xuân Phân và Thu Phân, Hoàng Đạo và Xích Đạo gặp nhau. Lúc ấy Hoàng Đạo ở khoảng giữa hai cực. Mặt trời mọc giờ Mão, lặn giờ Dậu, nên khí trời hòa mà đêm ngày bằng nhau vậy.
Mặt Trăng
Mặt trăng là tinh hoa của Thái Âm, chủ hình phạt, uy quyền, tượng trưng cho đại thần. Nếu đại thần có đức, làm trọn được cái đạo phụ bật nhà vua, thì mặt trăng đi đúng độ.
Nếu đại thần lạm quyền, quí thích hay hoạn quan làm việc nước, thì mặt trăng lộ khuyết điểm và sinh ra những biến dị, như sử ký[9] đã chép về nguyệt thực, về mặt trăng che lấp ngũ tinh: Ngũ tinh lọt vào trong lòng gương mặt trăng; mặt trăng sáng ban ngày hay biến thành tuệ tinh lăng phạm Tử Vi cung, hay xâm phạm vào các cung trời.[10]
Mặt trăng đường kính là 1o ½. Mỗi ngày đi 13o 37/100. Hơn 27 ngày đi một vòng trời. Đường mặt trăng gọi là Bạch Đạo.
Bạch Đạo
Bạch Đạo cắt Hoàng Đạo: nửa nằm ngoài, nửa nằm trong vòng Hoàng Đạo. [Bạch Đạo] ờ trong hay ở ngoài [Hoàng Đạo] không quá 6o, cũng như Hoàng Đạo ở trong hay ở ngoài Xích Đạo 24o vậy.
Dương tinh như lửa, Âm tinh như nước. Lửa thì phát quang, nước thì hội ảnh, cho nên trăng sáng là nhờ mặt trời chiếu vào; trăng tối là vì không có ánh sáng mặt trời chiếu vào.
Khi mặt trăng xung đối (opposition) với mặt trời, thì sáng; khi trăng giao hội (conjonction) với mặt trời, thì tối.
Khi mặt trăng đồng độ với mặt trời, thì là ngày Sóc (mồng 1).[11]
Khi mặt trăng gần mặt trời ¼ vòng chu thiên (90o) [12] hay cách xa mặt trời ¾ vòng chu thiên (270o) [13] thì gọi là Thượng Huyền hay Hạ Huyền.
Gọi là 4, tức là muốn nói rằng: vào ngày mồng 8 và ngày 23 của tuần trăng, khi mặt trăng cách mặt trời ¼ vòng chu thiên (90o), thì gọi là «gần một» (Thượng Huyền).; khi cách mặt trời ¾ vòng chu thiên, thì gọi là «cách ba» (Hạ Huyền).
Khi gần mặt trời, chỉ cách có ¼ vòng chu thiên (90o), mặt trăng được ½ ánh mặt trời, nên nó ½ sáng, ½ tối, như một dây cung căng trên cung.
Ngày Thượng Huyền, ta thấy trăng sáng vào lúc chập tối, cho nên phía sáng ở về đàng Tây. Ngày Hạ Huyền, ta thấy mặt trăng sáng về lúc gần sáng, nên phía sáng của nó ở đàng Đông.
Khi mặt trăng và mặt trời đối xung nhau (opposition), thì là ngày Vọng (ngày Rằm; ngày 15, trăng tròn).[14] Đông Tây đối nhau, mặt trăng sáng hoàn toàn, không chỗ nào tối.
Khi mặt trăng hết sáng, không còn hình thể nữa, thì gọi là ngày Hối (ngày cuối tuần trăng, tức là ngày 30), mặt trăng chuyển vận gần mặt trời nhất, nên không còn thấy được hình thể và vẻ sáng nữa.
Khi mặt trăng theo đường Bạch Đạo, ở đúng vào giao điểm với vòng Hoàng Đạo, nếu trường hợp này xảy ravào giữa tháng thì có nguyệt thực.
Khi nhật thực, mặt trăng che mặt trời; khi nguyệt thực, mặt trăng bị mờ tối, không còn nhận được ánh mặt trời (mặt trăng ám hư mờ tối vì ở vào chỗ chính đối chiếu của mặt trời).[15]
Kinh Tinh
Kinh Tinh gồm Tam Viên,[17] các sao trong và ngoài vòng Hoàng Đạo. Tổng cộng là 383 Quan,[18] 1565 vì sao.
Các vì sao này bất động.
Tam Viên là: Tử Vi, Thái Vi, Thiên thị viên.
Nhị thập bát xá (Nhị thập bát tú) là:
1- Đông phương thất tú: Giác 角, Cang 亢, Đê 氐, Phòng 房, Tâm 心, Vĩ 尾, Cơ 箕, có hình con Thanh Long.
2- Bắc phương thất tú: Đẩu 斗, Ngưu 牛, Nữ 女, Hư 虛, Nguy 危, Thất 室, Bích 璧, có hình con Linh Qui.
3- Tây phương thất tú: Khuê 奎, Lâu 婁, Vị 胃, Mão 昴, Tất 畢, Chủy 觜, Sâm 參, có hình con Bạch Hổ.
4- Nam phương thất tú: Tỉnh 井, Quỉ 鬼, Liễu 柳, Tinh 星, Trương 張, Dực 翼, Chẩn 軫, có hình con Chu Tước.
Quan, Tinh [chòm sao và các vì sao] trong [Tam Vi] và ngoài [Nhị thập bát tú] tượng trưng cho:
- Quan tước nơi triều đình, ví dụ: Tam Thai, Chư Hầu, Cửu Khanh, Kỵ Quan, Vũ Lâm, v.v.
- Muông thú ngoài đồng, ví dụ: Gà, Lang, Cá, Rùa, Ba ba, v.v.
- Sự việc nhân loại làm như: Ly cung (cung thất), Lạc đạo (đường treo), Hoa cái (lọng), Ngũ xa (5 xe), v.v.
Ngoài ra còn đặt tên các vì sao theo tính chất và ý nghĩa của nó, nên biết tên tức là hiểu ý nghĩa những vì sao đó.
Kinh Tinh thường đứng yên một chỗ, xoay vần theo sự vận chuyển của bầu trời, y như bách quan, vạn dân đều giữ y chức vụ, và tuân phục mệnh lệnh của Thất chính (tức mặt trời, mặt trăng và ngũ tinh: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ). Nếu Thất chính sai lạc vị trí, hoặc tiến thoái thất thường, biến dịch vô trật tự, thì thế nào cũng thấy có điềm tai họa theo sau, như bóng với hình, như lời nói với tiếng vang, cứ nhìn là biết vậy.
Vĩ Tinh
Vĩ Tinh (hành tinh) là tinh hoa của Ngũ hành:
- Mộc là Tuế Tinh (Jupiter).
- Hỏa là Huỳnh Hoặc (Mars).
- Thổ là Trấn Tinh (Saturne).
- Kim là Thái Bạch (Vénus).
- Thủy là Thần Tinh (Mercure).
Ngũ Tinh với mặt trời, mặt trăng gọi là Thất chính. Tất cả đều bám vào trời. Trời chuyển vận nhanh, Thất chính chuyển vận chậm; chậm bị nhanh lôi cuốn, nên Thất chính đều cùng với bầu trời mọc đàng Đông, lặn đàng Tây.
Ngũ Tinh phụ tá cho Nhật Nguyệt, khiến cho ngũ khí chuyển vần y như 6 hàng quan chức trong nước tùy theo chức vụ mà trị dân, ra mệnh lệnh cho thiên hạ. Lợi hại an nguy trong nước đều do đó sinh ra.
Gặp thời bình yên thịnh trị, mọi người xử sự hẳn hoi, thì Ngũ tinh, Thất chính đều đi đúng độ số.
Nếu vua rây vào việc bầy tôi, nếu bầy tôi chuyên quyền vua, thì chính lệnh sẽ sai lạc, phong giáo sẽ suy vi, rối loạn. Cái bầu không khí gàng quải ấy sẽ cảm tới Thất chính, nên Thất chính sẽ biến hóa lung tung, không còn theo lẽ thường.
Như Sử Ký đã chép:
Huỳnh Hoặc (Hỏa Tinh) vào không phận sao Bào Qua (các sao thuộc chòm sao Dauphin) và không trông thấy suốt một đêm.
Bào Qua ở vào khoảng 30o Bắc Hoàng Đạo; [20] hoặc di chuyển vặn vẹo, phát ra những tia sáng chói chang, hình thù thì lớn lên bằng cái đấu lớn.
Hoặc Thái Bạch bỗng xâm phạm sao Lang Tinh. Lang Tinh ở vào hơn 40o về phía Nam Hoàng Đạo.[21]
Thái Bạch cũng còn hiện ra ban ngày, băng qua nền trời, cùng mặt trời tranh sáng. Trong những trường hợp tệ hại nhất, [Ngũ tinh và nhật nguyệt] còn biến thành sao chổi (Yêu Tinh).
Như tinh của Tuế Tinh biến thành sao chổi Sâm Thương.
Tinh của Huỳnh Hoặc biến thành cờ Si Vưu (một loại sao chổi).
Tinh của Trấn Tinh biến thành sao chổi Thiên Tặc.
Tinh của Thái Bạch biến thành sao chổi Thiên Cẩu.
Tinh của mặt trời biến thành sao chổi Bo65t.
Tinh của mặt trăng biến thành sao chổi Tuệ.
Nếu chính giáo mà hỏng nơi trần thế thì biến dị sẽ hiện ra trên trời. Người làm chính trị phải hết sức thận trọng mà quan sát các hiện tượng đó.[22]
Sông Thiên Hán (Sông Ngân Hà)
Sông Thiên Hán là tinh hoa của bốn sông.[23] Bắt đầu từ Thuần Hỏa qua các chòm sao phía Tây và đến phương Bắc tới Vĩ Cơ, thời xuống dưới đất.
Nhị Thập Tứ Khí (24 tiết khí trong năm)
Nhị thập tứ khí gốc là do một khí. Lấy cả năm mà nói, thì chỉ có một khí. Lấy bốn mùa mà nói thì cũng chỉ là một khí phân thành bốn khí. Lấy 12 tháng mà nói thì cũng là một khí phân thành 6 khí. Cho nên 6 khí Âm, 6 khí Dương là 12 khí.
Lại trong 6 khí Âm, 6 khí Dương mỗi khí đều có đầu có cuối, nên lại chia thành 24 khí. Mỗi khí trong 24 khí lại có 3 ứng, cho nên lại chia thành 3 hầu. Như vậy có 72 hầu, mà chung quy vẫn là một khí. Từ một khí thành 4, thành 12, thành 24, thành 72, tất cả đều là phân đoạn của một khí mà thôi.
Thập Nhị Thần
Thập Nhị Thần là nơi mà các sao Đẩu Cương của Bắc Đẩu[25] chỉ vào mỗi tháng. Đẩu Cương của Bắc Đẩu chỉ vào đâu thì nguyên khí của tháng ở tại đấy.
- Tháng Giêng, Đẩu Cương Bắc Đẩu chỉ Dần.
- Tháng Hai, Đẩu Cương Bắc Đẩu chỉ Mão.
- Tháng Ba, Đẩu Cương Bắc Đẩu chỉ Thìn.
- Tháng Tư, Đẩu Cương Bắc Đẩu chỉ Tị.
- Tháng Năm, Đẩu Cương Bắc Đẩu chỉ Ngọ.
- Tháng Sáu, Đẩu Cương Bắc Đẩu chỉ Mùi.
- Tháng Bảy, Đẩu Cương Bắc Đẩu chỉ Thân.
- Tháng Tám, Đẩu Cương Bắc Đẩu chỉ Dậu.
- Tháng Chín, Đẩu Cương Bắc Đẩu chỉ Tuất.
- Tháng Mười, Đẩu Cương Bắc Đẩu chỉ Hợi.
Gọi là Nguyệt Kiến vì nguyên khí của trời thì vô hình, nên cứ trông sao Bắc Đẩu chỉ vào đâu, thì biết nguyên khí ở đó.
Bắc Đẩu có 7 sao. Sao thứ nhất là Khôi, sao thứ năm là Hành, sao thứ bảy là Tiêu. Ba sao ấy gọi là Đẩu Cương. Như tháng Dần, thì buổi tối, sao Tiêu chỉ Dần; nửa đêm, sao Hành chỉ Dần; tảng sáng sao Khôi chỉ Dần. Các tháng khác cũng phỏng theo đó.
Thập Nhị Thứ
Thập Nhị Thứ là 12 vùng trời mà mặt trời, mặt trăng giao hội. Trong một năm mặt trời và mặt trăng gặp nhau 12 lần, nên gọi là 12 thứ.
- Tháng Tí, thứ là Huyền Hiêu.
- Tháng Sửu, thứ là Tinh Kỷ.
- Tháng Dần, thứ là Tích Mộc.
- Tháng Mão, thứ là Đại Hỏa.
- Tháng Thìn, thứ là Thọ Tinh.
- Tháng Tị, thứ là Thuần Vĩ.
- Tháng Ngọ, thứ là Thuần Hỏa.
- Tháng Mùi, thứ là Thuần Thủ.
- Tháng Thân, thứ là Thực Trầm.
- Tháng Dậu, thứ là Đại Lương.
- Tháng Tuất, thứ là Giáng Lâu.
- Tháng Hợi, thứ là Tưu Tí.
Thập Nhị Phân Dã
Tức là nơi Thần,[26] Thứ[27] ảnh hưởng tới. Ở trên trời có 12 Thần, 12 Thứ, thì ở dưới đất có 12 nước (dã), 12 châu.
Phàm Nhật Nguyệt giao hội, hay nhật thực, nguyệt thực, hay tinh thần (các sao) biến dị, cứ xem ứng vào phân dã, phân châu nào thì biết được cát hung ứng vào nơi đó ra sao.
II. Nhận định
Trên đây là nguyên bản Thiên Văn Đồ khắc trên bia đá. Ta có thể bình luận thêm như sau:
1. Nhận xét bản đồ bầu trời và sao của Vương Trí Viễn:
Nhìn vào bản đồ bầu trời và sao của Vương Trí Viễn, ta thấy:
(1) Vòng ngoài cùng có ghi: 12 thần, 12 thứ, 12 châu (miền), 12 dã (nước). Nếu ta đọc theo chiều kim đồng hồ, từ khoảng 13 giờ trở đi, ta sẽ có:
12 THẦN
|
12 THỨ
|
12 DÃ
|
12 CHÂU
|
Hợi
Tuất
Dậu
Thân
Mùi
Ngọ
Tị
Thìn
Mão
Dần
Sửu
Tí
|
Tưu Tí
Giáng Lâu
Đại Lương
Thực Trầm
Thuần Thủ
Thuần Hỏa
Thuần Vĩ
Thọ Tinh
Đại Hỏa
Tích Mộc
Tinh Kỷ
Huyền Hiêu
|
Vệ
Lỗ
Triệu
Tấn
Tần
Chu
Sở
Trịnh
Tống
Yên
Ngô
Tề
|
Tinh Châu
Từ Châu
Ký Châu
Ích Châu
Ung Châu
Tam Hà
Kinh Châu
Duyên Châu
Dự Châu
U Châu
Dương Châu
Thanh Châu
|
(2) Nhìn vào trong thêm một chút, ta thấy có hai vòng tròn cắt nhau, đó là Xích Đạo và Hoàng Đạo. Xích Đạo có cùng một tâm điểm với các vòng tròn trong và ngoài. Hoàng Đạo thì không.
(3) Trong cùng lại có một vòng tròn, đó là vòng của các vì sao quanh Bắc Cực, thuộc Tử Vi viên.
Giải Thiên Hà được định bởi 2 đường như 2 bờ sông, một đầu Thiên Hà ở cung Ngọ, một đầu ở cung Dần.
Các tên Nhị thập bát tú đều khoanh thêm một vòng tròn, lại nằm sát một đường bán kính chạy ra đến vòng ngoài cùng, cho biết Nhị thập bát tú thuôc vào địa phận nào ở Trung Hoa.
2. Nhận định về Nhị thập bát tú:
Nhị thập bát tú tương ứng với những không phận, địa phận sau đây, ngoài ra còn chiếm một khoảng trời rộng hẹp khác nhau được định bằng những độ số sau đây:
TÚ
|
THỨ
|
THẦN
|
DÃ
|
CHÂU
|
ĐỘ
|
Giác
|
Thọ Tinh
|
|
|
|
12o
|
Cang
|
|
|
Trịnh
|
|
9o
|
Đê
|
|
|
|
Duyên
|
16o
|
Phòng
|
Đại Hỏa
|
|
|
|
6o
|
Tâm
|
|
|
Tống
|
|
6o
|
Vĩ
|
|
|
|
Dự Châu
|
19o
|
Cơ
|
|
|
Yên
|
|
11o
|
Đẩu
|
|
|
|
U Châu
|
25o
|
Ngưu
|
|
|
Ngô
|
|
7o
|
Nữ
|
|
|
|
Dương Châu
|
11o
|
Hư
|
Huyền Hiêu
|
|
|
|
9o ¼
|
Nguy
|
|
|
Tề
|
|
16o
|
Thất
|
|
Hợi
|
|
Thanh Châu
|
17o
|
Bích
|
|
|
Vệ
|
|
9o
|
Khuê
|
|
|
|
Tinh Châu
|
16o
|
Lâu
|
Giáng Cung
|
|
|
|
12o
|
Vị
|
|
|
|
Từ Châu
|
15o
|
Mão
|
|
|
Đại Lương
|
|
11o
|
Tất
|
|
|
Triệu
|
|
17o
|
Chủy
|
Thực Trầm
|
Thân
|
|
|
1o
|
Sâm
|
Thực Trầm
|
Thân
|
|
|
10o
|
Tỉnh
|
|
|
Tấn
|
|
34o
|
Quỉ
|
|
|
Tần
|
|
2o
|
Liễu
|
|
|
Tần
|
Ung Châu
|
14o
|
Tinh
|
|
|
|
|
1o
|
Trương
|
Thuần Hỏa
|
Ngọ
|
Chu
|
|
17o
|
Dực
|
|
Tị
|
|
|
19o
|
Chẩn
|
|
|
Sở
|
|
17o
|
|
Nơi sao Hư thấy đề 9o với chữ tiểu cường tức là hơn 9o.
Cộng các độ với nhau, ta được 365o, lại cộng với một chút «tiểu cường» ta sẽ có 365o ¼ của vòng Chu Thiên.
3. Nhận định về Tam Viên:
Các chữ chỉ Tam Viên cũng đều được khoanh bên ngoài. Chữ «Tử Vi Viên» nằm trên vòng tròn trắng gần tâm điểm. Chữ «Thái Vi Viên» được viết gần sát đường bán kính của sao Chẩn. Chữ «Thiên Thị Viên» được viết giữa hai chòm sao Vĩ, Cơ.
CHÚ THÍCH
[1] Pierre Sizaire, Le Guide des Étoiles, Éditions Française. Rue de Penthievre, Paris 8. Quyển này được ông Nguyễn Xuân, Hoàng Quân và anh em Đuốc Hồng (hướng đạo) dịch và bán, với nhan đề: SAO.
[2] Bốn tài liệu này đã được khắc trên bốn tấm bia đá lớn gần Khổng Miếu, tỉnh Tô Châu. Sau này đã được các học giả Âu Châu làm phóng ảnh. Bốn bi ký đó là: (1) Thiên văn đồ (bia cao 185 cm, rộng 102 cm). (2) Địa lý đồ (185x100 cm) tức là địa dư giản lược về nước Trung Hoa và các nước phụ cận (đời Tống), trong đó nhấn mạnh đến phần đất mà Trung Hoa đã mất, vì bị các nước lân bang chiếm hữu cho đến đời Tống. (3) Đế vương thiệu vận đồ (182x94 cm) tức là lịch sử Trung Hoa giản lược. (4) Bình Dương đồ (197x137 cm) tức là bản đồ thành phố Tô Châu với các danh lam thắng cảnh, các đền đài miếu mạo ở trong.
Như vậy ta thấy các vua chúa xưa được học về: thiên văn, địa lý, nhân văn (lịch sử). Chắc là vì nghĩ rằng một vị anh quân phải quán tam tài: Thiên, Địa, Nhân.
[3] Lời Phi Lộ này là một bằng chứng rõ rệt về quan niệm xưa coi vũ trụ này là một phân thể của Đại thể, của Thái Cực. Hỗn Độn là trạng thái chưa phân; Tam Tài sau này là trạng thái đã phân. Khí ứng Thiên, Hình ứng Địa, Hình cộng Khí ứng Nhân.
[4] Người Trung Hoa chia trời thành 365o ¼, tương ứng với số ngày. Người Âu Châu chia trời thành 360o. Như vậy độ Trung Hoa nhỏ hơn độ Âu Châu.
[5] Nếu ta quay mặt về hướng Bắc, ta sẽ thấy trời như chuyển từ Hữu qua Tả.
[6] Chính vì thế mà người Trung Hoa cho rằng sông chảy về phía Đông Nam.
[7] Tức là vĩ tuyến của Lạc Dương.
[8] Đường kính biểu kiến của mặt trời theo Âu Châu là 32’3, tức là có hơn ½ độ. Như vậy đường kính nói trên quá lớn. Có thể là «nhất độ chi bán» thì đúng hơn, thay vì «nhất độ bán».
[9] Nguyên bản dùng chữ Sử chí.
[10] Nhị thập bát tú.
[11] Ngày sóc thì mặt trăng ẩn sau mặt trời và giao hội với mặt trời.
[12] Người Trung Hoa xưa gọi là «nhĩ nhất» tức là «gần một».
[13] Người Trung Hoa xưa gọi là «viễn tam» tức là «xa ba».
[14] Nghĩa là chiều tối ngày 15, mặt trời lặn đàng Tây, mặt trăng mọc đàng Đông.
[15] Chính ra có nguyệt thực vì lúc ấy địa cầu ở giữa mặt trời và mặt trăng, nên chắn hết ánh sáng mặt trời.
[16] Kinh tinh tức là Định tinh. Gọi là Kinh vì kinh là đường chỉ dọc trong khung cửu, mà đường chỉ dọc bao giờ cũng đứng nguyên, chỉ có đường chỉ ngang (Vĩ) là chạy đổi.
[17] Sau này sẽ nói nhiều về Tam Viên (Tử Vi, Thái Vi, Thiên thị viên).
[18] Quan: có lẽ là các chòm sao (constellation).
[19] Vĩ Tinh là những hành tinh. Vĩ: nguyên nghĩa là những đường sợi ngang trong khung cửi nên chạy và thay đổi chỗ luôn.
[20] Nên ghi nhớ rằng Ngũ Tinh chỉ di chuyển trong vòng đai đường Hoàng Đạo, chứ không đi xa ra. Ra tới hơn 30o là quá xa.
[21] 40o là quá xa.
[22] Xem lại chương I: Tầm quan trọng của thiên văn học Trung Hoa.
[23] Tư Mã Thiên cho rằng 4 sông là: sông Giang, sông Hà, sông Hoài, sông Tế.
[24] Cũng còn gọi là Nguyệt Kiến.
[25] Đẩu Cương Bắc Đẩu gồm 3 sao: Khôi, Hành, Tiêu.
[26] Nơi có ảnh hưởng của các sao Đẩu Cương của Bắc Đẩu.
[27] Nơi có ảnh hưởng của Nhật Nguyệt giao hội.
Ghi chú: Đây vốn là loạt bài đã đăng tạp chí Phương Đông, các số 1 (tháng 7-1971), 2 (8-1971), 3 (9-1971), 4 (10-1971), 5 (11-1971), 6 (12-1971), 11 (5-1972), 15 (9-1972), 16 (10-1972), 22 (4-1973), 26 (8-1973), 27 (9-1973), 29 (11-1973), 33 (3-1974), 37 (7-1974), 42 (12-1974), 43 (1-1975).