Kỳ 22: Thực chất của viễn di sinh học
Viễn di sinh học (psychokinesis/telekinesis) là khả năng dùng tâm trí tác động lên thế giới vật chất mà không dùng đến các tương tác vật lý đã biết. Ví dụ điển hình của viễn di sinh học là dùng ý nghĩ làm cong thìa hay tác động lên bộ phát số ngẫu nhiên. Uri Geller người Israel mà TT&VH đã viết hay Nina Kalugina (1926-1990) người Nga là những nhà tâm linh nổi tiếng nhất trong lĩnh vực này.
Uri Geller người Israel
Nina Kalugina
Được xem là người có nhiều khả năng tâm linh, nhất là viễn di sinh học, Nina Kalugina được nghiên cứu tại Liên Xô trong một thời gian dài. Trong chiến tranh lạnh, một bộ phim đen trắng về khả năng làm di chuyển đồ vật bằng “sức mạnh tâm trí” của bà đã được phổ biến trên toàn thế giới, đem lại nỗi hào hứng ghê gớm cho những người ủng hộ, nhất là khi họ biết bộ phim được làm dưới sự kiểm soát của nhà nước.
Thí nghiệm nổi tiếng nhất được Kalugina thực hiện tại một phòng thí nghiệm tại Leningrad ngày 10/3/1970. Đã nghiên cứu khả năng di chuyển đồ vật, nay người ta yêu cầu bà dùng ý chí tác động lên tim ếch trong dung dịch nuôi. Nhà y khoa nổi tiếng Sergeyev là một trong số những nhà khoa học chứng kiến thí nghiệm. Ông nói Kalugina có thể điều khiển tim ếch đập nhanh hoặc chậm, thậm chí ngừng đập.
Nhiều cá nhân và tổ chức nghi ngờ đã phê phán thí nghiệm, như Quỹ giáo dục James Randi (nhà ảo thuật lặp lại mọi trò lừa giả danh tâm linh của Uri Geller, người đặt ra giải thưởng một triệu USD cho bất cứ ai thực hiện được một khả năng tâm linh dưới sự kiểm soát của ông năm 1999. Hiện tiền được gửi tại một ngân hàng New York và thời gian thử nghiệm kéo dài tới 2010) hay Ủy ban điều tra các tuyên bố dị thường Ý. Họ cho rằng thời gian chuẩn bị lâu và thí nghiệm thực hiện tại khách sạn giúp Kalugina dễ dàng lừa gạt. Việc không có giới ảo thuật tham gia thí nghiệm càng khiến sự nghi ngờ tỏ ra có lý. Ngoài ra là ước vọng chiến thắng trong cuộc “chiến tranh tâm linh”, giống như thắng trong chiến tranh vũ trụ hay trong chạy đua vũ trang.
Tác động lên bộ phát ngẫu nhiên
Đáp lại những chỉ trích như trên, giới tâm linh tổ chức các thử nghiệm có kiểm soát, như tác động lên bộ phát số hay sự kiện ngẫu nhiên. Điển hình nhất là nhà vật lí Helmut Schmidt, mà sự trung thực và sáng tạo trong tổ chức thí nghiệm được cả các đối thủ kính trọng. Một nhà nghiên cứu khác là Robert Jahn và phòng thí nghiệm tại ĐH Princeton. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của hai ông đều không thỏa mãn cả người ủng hộ lẫn người phản đối.
Qua hàng triệu lần ấn nút bộ phát số với nhiều nhà tâm linh, Schmidt thu được khác biệt tuy tin cậy về mặt thống kê, nhưng cực kì nhỏ, chỉ là 50.5% so với 50% của xác suất ngẫu nhiên. Còn trong phòng thí nghiệm của Jahn, sau 114 triệu lần thử nghiệm, chỉ thu được tỉ lệ 50.2%. Sai khác tuy nhỏ, nhưng tin cậy về mặt thống kê, nên Schmidt và Jahn tuyên bố viễn di sinh học là sự thật, tuy khá hiếm thấy.
Giới nghi ngờ không đồng ý như vậy, vì hai ông chưa tính tới các sự biến tự phát. Chẳng hạn trong một sô diễn truyền hình, nhà tâm linh nói sẽ dùng sức mạnh tâm trí làm đồng hồ của khán giả ngừng chạy. Vài chục phút sau, hàng chục người gọi điện thông báo, quả thật đồng hồ họ đã hỏng. Đó là “tâm linh”? Hoàn toàn không, đó chỉ là các sự biến tự phát: trong hàng triệu người xem ti vi, nhất định nhiều người sẽ hỏng đồng hồ, một kết quả chỉ mang tính thống kê thuần túy.
Các nhà khoa học còn phát hiện nhiều khiếm khuyết trong cách tổ chức thí nghiệm của Schmidt, Jahn và nhiều nhà nghiên cứu khác. Đây là vấn đề rất khó tránh, vì tổ chức một thí nghiệm đứng trên mọi chỉ trích hầu như là không thể trong lĩnh vực dị thường. Đó là một trong những lí do mà khoa học chưa thu được một bằng chứng không thể bác bỏ về các hiện tượng lạ.
Kết luận
Là một trong những đối tượng của bộ môn cận tâm lý, cùng ngoại cảm, viễn di sinh học là mối quan tâm hàng đầu của giới nghiên cứu chuyên ngành. Trong các “thử nghiệm tại thực địa” thiếu sự kiểm soát chặt chẽ, thường thu được kết quả rất ấn tượng nhưng không được các nhà khoa học chấp nhận. Còn trong các thử nghiệm tại phòng thí nghiệm, kết quả chưa vượt qua được xác suất ngẫu nhiên hay các sự biến tự phát. Vì thế giới khoa học có thẩm quyền chưa chấp nhận tính hiện thực của viễn di sinh học.
Kỳ 23: Người tự cháy
Một số hình ảnh nạn nhân tự bốc cháy thành tro tìm thấy trong tài liệu y học của Italia.
Các đồ vật xung quanh tro của các nạn nhân không bị hư hỏng nhiều. (Ảnh: horrormagazine)
Helen Conway ở Pennsylvania bị chết cháy năm 1964.
|
Robert Bailey bị chết cháy năm 1967 ở Lambeth
|
Henry Thomas bị chết cháy năm 1980
|
Mary Hardy Reeser ở St. Petersburg bị chết cháy năm 1951
|
Người tự cháy là một niềm tin tồn tại đã nhiều thế kỉ, khi những người ủng hộ tin rằng, trong một số trường hợp đặt biệt, cơ thể người có thể cháy mà không cần nguồn nhiệt khởi phát. Trong khi đó những người nghi ngờ cho rằng, quá trình đó không thể xảy ra theo các tiêu chí khoa học.
Lịch sử hiện tượng
Là niềm tin xuyên thời gian, không lạ khi một nhà văn như Charles Dickens để một nhân vật của mình, ông Krook nghiện ngập trong tiểu thuyết Ngôi nhà lạnh lẽo (1852) chết trong một vụ cháy tự phát. Với sự nổi tiếng của mình, Dickens đã đổ thêm dầu vào niềm tin của những người ủng hộ hiện tượng dị thường này.
Helen Conway ở Pennsylvania bị chết cháy năm 1964
Nổi tiếng nhất thời hiện đại là trường hợp Helen Conway, một phụ nữ nghiện thuốc lá nặng. Bà bị cháy năm 1964 khi đang ngồi trên ghế tựa trong phòng ngủ, với rất nhiều mẩu thuốc lá xung quanh. Tại sao đó là hiện tượng tự cháy? Vì viên sĩ quan chữa cháy nói ông tin như vậy. Ông cũng cho rằng, Comway cháy trong 21 phút. Milton, một nhà khoa học ủng hộ, dùng nhiều suy đoán để đưa ra con số 6 phút, hoàn toàn phù hợp với các giả thuyết dị thường (khoa học cho rằng, sự tự cháy, nếu có, phải kéo dài nhiều giờ).
Các giả thuyết dị thường
Những người ủng hộ đưa ra nhiều giả thuyết về người tự cháy. Larry Arnold cho rằng một loại hạt chưa biết là pyrotron gây ra phản ứng hạt nhân trong cơ thể, từ đó tạo nên sự tự cháy. Các giả thuyết khác bao gồm tạo maser (tức sự khuếch đại vi sóng nhờ phát xạ tự phát), biến động địa từ trường hay kundalini (một dạng tạo nhiệt bí ẩn của môn yoga). Cũng có người cho rằng, sự căng thẳng thần kinh có thể khởi phát quá trình cơ thể tự cháy.
Quan điểm khoa học
Giới khoa học không đồng ý với các giả thuyết nêu trên. Họ nhấn mạnh, sự cháy của cơ thể chỉ có thể trải qua các giai đoạn như sau: 1) Nạn nhân đột tử (do đột quị tim chẳng hạn), mất ý thức hay không thể cử động do quá nặng; 2) Điếu thuốc đang cháy hay một nguồn lửa nào đó làm cháy quần áo nạn nhân, có thể đang thấm rượu bia nên rất dễ bắt lửa. Ngọn lửa giết chết nạn nhân, nếu đến lúc đó họ vẫn chưa chết; 3) Hiệu ứng bấc đèn xuất hiện, hoàn thiện bức tranh về hiện tượng.
Bác sĩ Bentley ở bang Pennsylvania bị cháy thành tro
trong nhà vệ sinh chỉ còn lại cẳng chân
Vai trò quyết định thuộc về hiệu ứng bấc đèn, khi quần áo nạn nhân có vai trò như sợi bấc đèn, cháy do lượng mỡ từ cơ thể nạn nhân chảy ra, càng cháy mỡ chảy càng nhiều. Cần lưu ý là ban đầu quần áo cháy làm chảy mỡ, sau đó thì mỡ chảy làm quần áo cháy tiếp như sợi bấc đèn, một quá trình tự duy trì cho tới khi hết nhiên liệu. Vì thế chỉ các phần cơ thể nhiều mỡ mới cháy hết, và quá trình cháy kéo dài hàng giờ. Đó là lí do chân Helen Conway không cháy và vật dụng trong phòng cũng vậy.
Như vậy điểm khác biệt giữa hai phía ủng hộ và phản đối hiện tượng người tự cháy nằm ở chỗ, người ủng hộ cho rằng đó là quá trình tự phát, còn khoa học thì đòi hỏi một mồi lửa khởi phát ban đầu, trước khi hiệu ứng bấc đèn xuất hiện. Vì thế thời gian cháy cũng là chủ đề tranh cãi. Các giả thuyết tự cháy cho rằng thời gian cháy chỉ trong vòng vài chục phút; trong khi theo khoa học, nó dài hơn hàng chục lần. Vậy thực nghiệm ủng hộ giả thuyết nào?
Thí nghiệm của BBC
Năm 1998, BBC tài trợ một nghiên cứu về hiện tượng, với việc sử dụng lợn chết. Xác lợn được quấn trong chăn và đặt trong một căn phòng mô hình. Một lượng xăng nhỏ được tẩm vào chăn và được châm lửa để khởi phát hiện tượng. Sau khi da bị cháy, mỡ bắt đầu chảy, giúp hiệu ứng bấc đèn xuất hiện. Tủy xương nhiều mỡ cũng góp phần vào sự cháy. Đồ vật xung quanh không cháy, kể cả ti vi vỏ nhựa đặt trên cao. Lửa được dập bằng tay sau bảy giờ. Hầu hết lợn cháy thành tro, trừ phần không quấn chăn (nên không xuất hiện hiệu ứng bấc đèn).
Thí nghiệm của BBC – Phần lợn không quấn chăn
không hề bị cháy
Những người tổ chức thí nghiệm kết luận: 1) Ngọn lửa có tính định xứ rất cao, nên không cháy lan sang vật dụng trong phòng. Ngọn lửa chỉ bốc cao 50cm; 2) Thân lợn cháy đen, trừ phần không quấn chăn, và ngọn lửa cháy rất lâu, cho thấy hiệu ứng bấc đèn đúng là yếu tố quyết định; 3) Lửa cháy lâu tạo dòng đối lưu khí nóng, làm chảy vỏ nhựa chiếc ti vi.
Kết luận
Theo các qui luật vật lý, hóa học và sinh học, không thể có hiện tượng người tự cháy như suy luận của những người ưa thích chuyện lạ. Cơ thể người chỉ có thể cháy khi có mồi lửa khởi phát cho hiệu ứng bấc đèn, yếu tố quyết định bức tranh toàn cảnh về hiện tượng tuy khá lạ thường này nhưng hoàn toàn không khó hiểu.