Chương 7 Khái lược về Thiên văn theo Tư Mã Thiên thời Tiền Hán

Chương 7

Khái lược về Thiên văn theo Tư Mã Thiên thời Tiền Hán

 

 

Sau đây tôi trân trọng giới thiệu quí vị một tài liệu về thiên văn Trung Hoa do Tư Mã Thiên 司 馬 遷 viết trong bộ Sử Ký của ông, nơi chương 27, nhan đề là Thiên Quan.

Tư Mã Thiên là một sử gia kiêm thiên văn gia, từng làm Thái sử lệnh thời Hán Vũ Đế từ năm 140 đến 110 tcn. Như ta đã biết, bộ Sử Ký Tư Mã Thiên là một tác phẩm vĩ đại, có 526.500 chữ, gồm 130 thiên, chia làm 5 phần:

(1) Phần Bản Kỷ chép việc các đế vương, gồm 12 thiên, đánh số từ 1 đến 12.

(2) Phần Biểu ghi những việc lớn nhỏ theo từng năm, sau khi đã tính toán cho các niên đại được phù hợp; gồm 10 thiên, đánh số từ 13 đến 22.

(3) Phần Thư ghi lại ít nhiều hình thái của nền văn hóa Trung Hoa; gồm 8 thiên, đánh số từ 23 đến 30. Chương Thiên Quan nằm trong phần này, ghi số 27.

(4) Phần Thế Gia chép truyện các vương hầu, tướng quốc, tướng soái; gồm 30 thiên, đánh số từ 31 đến 60.

(5) Phần Liệt Truyện chép lại đời những vị anh hùng, hào kiệt, danh nhân, danh tướng; gồm 71 thiên, đánh số từ 60 đến 130.

Chương Thiên Quan chuyên khảo về thiên văn này chưa từng dịch ra Việt văn, chính vì vậy mà tôi muốn bình dịch kỹ càng để cống hiến quí vị độc giả làm tài liệu.[1]

Chương Thiên Quan này gồm nhiều đề mục sau:

- Các sao quanh Bắc Cực (les étoiles circumpolaires)

- Nhị thập bát tú, tức là những chòm sao chính trên vòng Hoàng Đạo (les constellations zodiacales)

- Mặt trời, mặt trăng và 5 hành tinh: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ (gọi chung là Thất chính).

- Phân dã, tức là các miền dưới đất tương ứng với các chòm sao trên trời.

- Tinh tượng, thiên tượng với dân gian.

- Các hiện tượng mặt trời với dân gian.

- Các hiện tượng mặt trăng với dân gian.

- Các hiện tượng tinh tú với dân gian.

- Các hiện tượng mây, khí với dân gian.

- Thiên văn với mùa màng.

- Cảm nghĩ của sử gia Tư Mã Thiên.

Để cho chương Thiên Quan này được dễ hiểu, tôi sẽ dựa vào tập Atlas céleste của Gustave Schlegel, phụ đính vào bài bình dịch này 5 bản đồ sao. Ngoài ra, khi bình dịch xong chương này, tôi sẽ đăng một bản phụ lục ghi lại tên các vì sao mà Tư Mã Thiên đã đề cập song song với tên các vì sao tương ứng theo thiên văn học Âu Châu hiện đại.

Khi nào cần chú thích thêm, tôi sẽ cố chú thích cho bản văn được thêm sáng sủa. Bây giờ mời quí vị đi vào chương Thiên Quan.

THIÊN QUAN (Các vì sao trời)

I. TRUNG CUNG (các vì sao quanh Bắc Cực)

Ở Trung Cung,[2] sao Thiên Cực[3] sáng nhất. Đó là sở cư của Thái Nhất.[4] Bên cạnh là 3 ngôi sao, gọi là Tam Công[5] hay Tử Thuộc.

Phía sau, xếp theo hình cong, có 4 sao: sao phía sau cùng sáng nhất là Chính Phi, còn 3 sao kia cũng thuộc về hậu cung.[6] Chung quanh có 12 sao hợp thành một đội cận vệ, gọi là Phiên Thần. Tất cả (4 chòm sao nói trên: Thiên Cực, Tử Thuộc, Tứ Phụ, Phiên Thần) là Tử Cung.[7]

Phía trước[8] xếp thẳng hàng với miệng Bắc Đẩu (le Boisseau) là 3 ngôi sao hợp thành một hình nhọn, đầu hướng về phía Bắc, lúc ẩn, lúc hiện, gọi là Âm Đức[9] hay Thiên Nhất.[10]

Phía tả Tử Cung có 3 sao gọi là Thiên Thương (cây giáo trời). Phía hữu có 3 sao gọi là Thiên Bảng (gậy trời dùng để đánh).[11]

Phía sau có 6 sao, băng qua sông Ngân Hà đến tận chòm sao Doanh Thất,[12] nên gọi là Các Đạo (đường treo).[13]

Bắc Đẩu gồm 7 sao, đã được Thư Kinh đề cập đến khi nói rằng (vua Thuấn) quan sát tuyền ki và ống ngọc hành để điều chỉnh thất chính.[14]

Sao Tiêu gần với sao Giác.[15] Sao Hành dẫn tới chòm sao Nam Đẩu.[16] Sao Khôi dựa vào chòm sao Sâm.[17] (Xem lời giải về đoạn này của Joseph Needham dưới đây.)[18]

Nếu xem sao vào chập tối, sẽ thấy sao Tiêu Tử khoảng núi Hoa đến Tây Nam.

Nếu xem sao vào nửa đêm, sẽ dùng sao Hành làm chuẩn. Sao Hành ở giữa khoảng miền Trung Châu, giữa sông Hoàng Hà và sông Tế.

Buổi sáng nhìn sao Khôi. Sao Khôi ở giữa miền biển, núi Đại, và phía Đông Bắc.[19]

Chòm sao Bắc Đẩu là xe trời. Nó vận chuyển ở trung ương, chỉ huy bốn phương, phân Âm Dương, định bốn mùa, điều hòa ngũ hành, chi phối mọi sự, chuyển hó`a thời tiết, định độ số trời.

Ở đầu sao Khôi có 6 sao xếp theo hình vuông, gọi là Văn Xương. Sao thứ nhất là Thượng Tướng, sao thứ hai là Thứ Tướng, sao thứ ba là Quí Tướng, sao thứ tư là Tư Mệnh (định vận mệnh), sao thứ năm là Tư Trung (coi về nội vụ), và sao thứ sáu là Tư Lộc (coi về tưởng thưởng).

Ở khoảng giữa nhửng sao Khôi Đẩu[20] là nhà lao giam những bậc quí nhân.

Ở phía dưới sao Khôi có 6 sao xếp thành từng đôi một, gọi là Tam Năng (Tam Thai).

Nếu sao Tam Thai mà sáng đều, quân thần sẽ hòa hợp; nếu không sáng đều, quân thần sẽ gàng quải, xung đột.

Nếu sao Phụ mà sáng, thì các quan đại thần sẽ mạnh; nếu sao Phụ mà nhỏ thì đại thần nhát sợ và yếu.

 Ở đầu sao Tiêu có hai sao: Một sao phía trong là Mâu, hay Chiêu Diêu; một sao phía ngoài là Thuẫn, hay Thiên Phong.

Ngoài ra, còn có 15 sao hợp thành một vòng tròn, cũng thuộc sao Tiêu, gọi là tiện nhân chi lao (lao tù của người hèn). Nếu sao ở giữa chòm mà sáng, thì tù nhân sẽ nhiều; nếu mờ thì tù nhân sẽ ít.

Nếu sao Thiên Nhất, Thiên Bảng, Mâu, Thuẫn mà lấp lánh nhiều và tỏa ra nhiều tia sáng, thì sẽ có giặc giã lớn.

II. ĐÔNG CUNG

(Bàn về 7 chòm sao: Giác, Cang, Đê, Phòng, Tâm, Vĩ, Cơ)

Đông Cung Thanh Long có các chòm sao Phòng, Tâm.

(1) Tâm là Minh Đường. Sao lớn nhất là Thiên Vương (Antarès). Sao phía trước và sao phía sau nó là các sao con gái. Ba sao này không nên thẳng hàng nhau. Nếu thẳng hàng nhau, thì sao Thiên Vương sẽ sai lầm trong mưu tính.

(2) Sao Phòng là Phủ Khố, cũng gọi là Thiên Tứ (sao Tứ mã nhà trời).

Sao về phía Bắc nhất là con ngựa phía bên phải nhất của cỗ xe. Cạnh nó có hai ngôi sao gọi là Kiềm. Phía Bắc có một sao gọi là Hạt. Ở phía Đông Bắc có 12 sao, xếp thành hình cong gọi là Kì (cờ). Bốn vì sao giữa chòm sao Kì gọi là Thiên Thị. Sáu ngôi sao ở giữa gọi là Thị Lâu.

Nếu ở trong Thiên Thị mà có nhiều sao, thì dân chúng buôn bán phát tài. Nếu ít sao thì sẽ bị hư hao. Phía Nam chòm sao Phòng là Kị Quan.

(3) Phía tả sao Giác là sao Lý (Thiên Điền), phía hữu là sao Tướng (Thiên Môn).

Sao Đại Giác (Arcturus du Bouvier) là Thiên Vương đế đình. Mỗi phía cạnh sao Đại Giác đều có 3 sao như hình chân vạc, gọi là Nhiếp Đề. Nhiếp Đề chỉ thẳng vào miền sao Tiêu của Bắc Đẩu chi, vì thế gọi là Nhiếp Đề cách.

(4) Sao Cang là Sơ Miếu, chủ tật bệnh. Phía Nam và phía Bắc sao Cang có hai sao sáng gọi là Nam Môn.

(5) Sao Đê là Thiên Căn, chủ ôn dịch.

(6) Nhóm sao Vĩ gồm 9 sao. Nếu những sao này mà hoặc mờ hoặc sáng thất thường thì vua tôi sẽ lục đục bất hòa.

(7) Chòm sao Cơ còn gọi là Ngạo Khách, chủ khẩu thiệt. Nếu Hỏa Tinh phạm vào địa phận sao Giác, sẽ có chinh chiến. Nếu thấy sao Hỏa phạm vào không phận sao Phòng, Tâm, thì vua chúa cũng rất lo ngại.

III. NAM CUNG

(Bàn về Thái Vi viên và 7 sao Tỉnh, Quỉ, Liễu, Tinh, Trương, Dực, Chẩn; và Hiên Viên kỳ)

[Thái Vi viên][21]

Nam Cung Chu Điểu gồm có hai chòm sao tiêu biểu là Quyền và Hành. Hành tức là sân đình Thái Vi của Tam Quang.

12 sao xếp thành hàng vây quanh gọi là Phiên Thần. Phía Tây gọi là Tướng (võ), phía Đông gọi là Tướng (văn). Phía Nam có 4 sao gọi là Chấp Pháp. Ở giữa là Đoan Môn, hai bên là Dịch Môn. Trong cửa có 6 sao, gọi là Chư Hầu. Trong nữa, có Ngũ Đế Tọa.

Phía sau có một chòm sao dày, gồm 15 sao, gọi là Lang Vị. Cạnh đó có một sao lớn gọi là Tướng Vị (Lang Tướng).

Nếu mặt trăng và Ngũ Tinh vào vùng Thái Vi thuận chiều (tức là từ phía Tây lại), và ra thuận chiều, ta sẽ để ý chỗ chúng ra nơi đâu, nhà vua sẽ chém giết ở đó.

Nếu chúng mà vào ngược chiều (tức là từ phía Đông lại) và phạm vào Đế Tọa, thì biết rằng bầy tôi sẽ mưu loạn. Nếu Kim Tinh và Hỏa Tinh phạm vào Thái Vi thì lại càng tệ hơn nữa.

Phía Tây hàng sao Phiên Thần có 6 sao gọi là Thiếu Vi, chia thành Sĩ và Đại Phu.

[Hiên Viên Kỳ]

Chòm sao Hiên Viên. Hiên Viên tức là mình con rồng vàng. Trước nó có một ngôi sao lớn gọi là Nữ Chủ (Régulus). Nếu mặt trăng và Ngũ Tinh phạm vào chòm sao Quyền (Hiên Viên), thì hay và dở cũng y như là đối với chòm sao Hành.

[7 sao: Tỉnh, Quỉ, Liễu, Tinh, Trương, Dực, Chẩn]

(1) Chòm sao Đông Tỉnh chủ về nước. Phía Tây nó có một ngôi sao gọi là Việt. Phía Bắc sao Việt là sao Bắc Hà. Phía Nam sao Việt là sao Nam Hà.

(2) Chòm sao Dư Quỉ chủ sự cúng tế tổ tiên. Ở giữa chòm sao này thấy có vệt trắng, đó là Chất. Nếu sao Hỏa Tinh mà ở nơi các sao Nam Hà và Bắc Hà, thì sẽ xảy ra binh đao, mất mùa.

Như vậy nếu có đức, thì thấy [sao Hỏa] ở chòm sao Hành, muốn coi điềm thì xem [sao Hỏa] ở chòm sao Hoàng. Sao Hỏa mà ở nơi sao Việt thì sẽ thất trận; sao Hỏa ở nơi chòm sao Quỉ sẽ có sự tàn sát. Nếu sao Hỏa ở chòm sao Tỉnh, sẽ có tai họa.

(3) Sao Liễu là mỏ chim (Chu Tước) chủ về cây cỏ.

(4) Chòm sao Thất Tinh hay Cảnh là cổ chim (Chu Tước) chủ về những chuyện cấp thời.

(5) Trương hay Tố, là cái diều [chim], chủ bếp nước và yến tiệc.

(6) Dực là lông cánh, chủ về viễn khách.

(7) Chẩn là cỗ xe, chủ gió. Cạnh nó có một sao gọi là Trường Sa. Trường Sa thường không sáng. Nếu sáng thì cũng sáng tỏ như 4 vì sao khác trong chòm sao Chẩn.

Phía Nam sao Tỉnh có nhiều sao, gọi là Thiên Khố Lâu. Khố Lâu có 5 xe. Nếu chúng chiếu sáng, tăng thêm số sao, thì sẽ không có đủ chỗ để chứa xe và ngựa.

IV. TÂY CUNG

(Bàn về chòm sao Hàm Trì và 7 sao: Khuê, Lâu, Vị, Mão, Tất, Chủy, Sâm)

[Chòm sao Hàm Trì: le Cocher]

Tây Cung là Hàm Trì. Người ta còn gọi nó là Thiên Ngũ Hoàng hay Ngũ Đế Xa Xá (nhà chứa 5 xe của vua).

Nếu sao Hỏa vào đó, sẽ xảy ra hạn hán. Nếu sao Kim Tinh vào đó, sẽ xảy ra lụt lội.

Ở giữa có sao Tam Trụ. Nếu Tam Trụ không đủ 3 sao, sẽ xảy ra chiến tranh.

[7 sao: Khuê, Lâu, Vị, Mão, Tất, Chủy, Sâm]

(1) Sao Khuê cũng gọi là Phong Thỉ, chủ ngòi lạch.

(2) Sao Lâu chủ về quần chúng tập hợp.

(3) Sao Vị là kho trời. Phía Nam sao Vị có một chòm sao gọi là Quái Tích (đống cỏ khô).

(4) Sao Mão cũng gọi là sao Mao Đầu, là sao của rợ Hồ, chủ về tang tóc.

(5) Sao Tất cũng gọi là sao Hãn Xa (xe săn), chủ về giặc giã nơi biên thùy, hoặc săn bắn. Gần một vì sao lớn của chòm sao này, có sao Phụ Nhĩ. Nếu sao Phụ Nhĩ mà sáng, thì sẽ có những bầy tôi xàm loạn bên cạnh vua.

Giữa sao Mão và Tất có sao Thiên Nhai (đường trời). Phía Bắc nó là các nước thuộc Âm, phía Nam nó là các nước thuộc Dương.

(6) Sâm là Bạch Hổ. ba sao thẳng hàng gọi là Hành Thạch. Dưới có 3 sao hình nhọn, gọi là Phạt, chủ về trảm quyết. Bốn sao phía ngoài là hai vai, hai đùi trái phải.

Ba sao xếp thành hình nhọn gọi là Trủy Huề. Trủy Huề là đầu hổ, chủ về quân lữ và bảo vệ đất đai. Ở dưới chúng có 4 sao gọi là Thiên Sí.

Dưới sao Thiên Sí có sao Thiên Thỉ. Nếu có màu vàng thì tốt; nếu có màu trắng thì hung.

(7) Ở phía Tây chòm sao Chủy có các sao hợp thành các đường khúc khuỷu, từng chòm sao một. Một chòm gọi là Thiên Kỳ, một chòm gọi là Thiên Uyển, một chòm gọi là Cửu Du.

Ở phía Đông các sao ấy có một sao sáng lớn gọi là sao Lang. Nếu sao Lang chiếu sáng hay thay mầu, sẽ có nhiều đạo tặc.

Ở dưới sao Lang có 4 sao gọi là Hồ, chiếu thẳng vào sao Lang.[22]

Đối ứng với sao Lang có một sao lớn gọi là Nam Cực Lão Nhân.[23] Khi sao này sáng tỏ, sẽ bình trị. Nếu không thấy nó, sẽ có binh biến. Thường người ta hay ra Nam giao (cánh đồng phía Nam) để xem sao này vào ngày Thu Phân.

Nếu sao Phụ Nhĩ mà tiến gần với sao Tất, sẽ có binh biến.

V. BẮC CUNG

(Nói về các sao: Đẩu Ngưu, Nữ, Hư, Nguy, Thất, Bích)

Bắc cung gọi là Huyền Vũ, đặc biệt tượng trưng bởi hai sao Hư và Nguy.

(1) Nguy chủ về mái nhà.

(2) Hư chủ về than khóc. Ở phía Nam có một chòm sao gọi là Vũ Lâm Thiên Quân. Phía tây chòm sao đó có chòm sao Lũy, nhiều khi còn gọi là Việt. Cạnh đó có một sao lớn gọi là Bắc Lạc (Fomalhaut du Poisson Austral). Nếu Bắc Lạc mà mờ, thì sẽ hao binh. Nếu sao Bắc Lạc mà không tỏa sáng đủ, hay nếu ngũ tinh mà phạm vào chòm sao Bắc Lạc hoặc Vũ Lâm Thiên Quân, thì sẽ có chuyện hưng binh.

Thủy, Hỏa, Kim Tinh mà phạm vào thì lại càng tệ. Hỏa Tinh phạm, sẽ hao binh. Thủy Tinh phạm, quân sĩ sẽ phải lo lường. Thổ và Mộc Tinh đóng vào, quân sĩ sẽ gặp may.

Ở phía Đông chòm sao Nguy có 6 sao gọi là Tư Không (đúng ra phải gọi là Tư Mệnh).

(3) Chòm sao Doanh Thất là Thanh Miếu, là Ly Cung, hay Các Đạo. Ở giữa giải Ngân Hà có 4 sao gọi là Thiên Tứ. Ở cạnh nó có một sao gọi là Vương Lương.[24] Khi Vương Lương mà đánh ngựa, thì binh mã sẽ chật đồng. Gần đó có 8 sao gọi là Thiên Hoàng.

Cạnh Thiên Hoàng có Giang Tinh. Nếu sao đó mà giao động, thì người ta phải lội sông.

Chử Cửu là 4 sao phía Nam sao Nguy. Khi sao Bào Qua bị hànmh tinh xanh hay đen đóng vào, thì cá và muối sẽ đắt.

(4) Chòm sao Nam Đẩu là miếu mạo. Phía Bắc nó có chòm sao Kiến Tinh, và Kiến Tinh có hình lá cờ.

(5) Sao Khiên Ngưu chủ về vật hi sinh. Phía Bắc nó có chòm sao Hà Cổ. Sao lớn là Thượng Tướng, hai sao tả hữu là Tả Tướng và Hữu Tướng.

(6) Ở phía Bắc Vụ Nữ có sao Chức Nữ. Chức Nữ là cháu gái trời.[25]

VI. NHẬT NGUYỆT VÀ NGŨ TINH

(Mặt trời, mặt trăng và 5 hành tinh: Kim. Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ)

* Mộc Tinh (Tuế Tinh: Jupiter)

Người ta quan sát sự vận hành của mặt trời, mặt trăng để định xem Tuế Tinh đi thuận hay nghịch ra sao.

Tuế Tinh (Mộc Tinh) ứng với phương Đông, mùa Xuân, và các ngày Giáp Tí.

Nếu làm điều trái lẽ, Tuế Tinh sẽ gia phạt. Khi Tuế Tinhđi nhanh hay chậm, nó sẽ định vận mệnh quốc gia tương ứng với cung nó đang ở.

Nước nào mà nó đang chiếu vào, thì không thể bại trận, trái lại có thể đi chinh thảo.

Tuế Tinh đi nhanh quá thì gọi là Doanh; đi chậm quá thì gọi là Súc. Nếu đi nhanh quá (doanh) thì quốc gia tương ứng sẽ có chiến tranh và suy yếu; nếu nó đi chậm quá (súc) thì quốc gia tương ứng sẽ bị lao lung, tu7ớng soái sẽ bị chết.

Nếu Tuế Tinh mọc đúng chỗ, lại hội cùng ngũ tinh, thì quốc gia tương ứng sẽ có thể dựa theo lẽ phải mà được Thiên hạ.

* Chu kỳ 12 năm của Tuế Tinh

[Năm thứ I]: Năm Nhiếp Đề Cách

Tuế Âm (Thái Tuế) chuyển về phía trái và ở cung Dần. Tuế Tinh chuyển phía phải và đóng ở cung Sửu. Tháng Giêng vào buổi sáng, Tuế Tinh sẽ mọc ở phía Đông, nơi các chòm sao Đẩu và Khiên Ngưu, có tên là Giám Đức.

Sắc xanh và sáng. Nếu nó mọc sai chỗ và nếu nó mọc nơi chòm sao Liễu thì đầu năm đó sẽ mưa nhiều, cuối năm đó sẽ nắng nhiều.

Tuế Tinh mọc, tiến về phía Đông 12o. Sau 100 ngày dừng lại, rồi thoái. Thoái 8o. Sau 100 ngày lại tiến về phía Đông.

Trong một năm nó đi được 30o 7/16 và như vậy mỗi ngày di chuyển trung bình là 1/12o. Trong vòng 12 năm nó đi được một vòng trời. Bao giờ nó cũng mọc ở phía Đông lúc bình minh, và lặn về phía Tây lúc chập tối.

[Năm thứ 2]: Năm Đơn Ất

Tuế Âm ở Mão, Tuế Tinh ở Tí. Tháng Hai mọc phía Đông, buổi sáng, nơi chòm sao Vụ Nữ, Hư, Nguy. Có tên là Giáng Nhập. Nếu mọc không đúng chỗ, mà lại mọc nơi chòm sao Trương thì gọi là Giáng Nhập. năm đó nước lớn.

[Năm thứ 3]: Năm Chấp Từ

Tuế Âm ở Thìn. Tuế Tinh ở Hợi. Tháng Ba mọc buổi sáng nơi chòm sao Doanh Thất, Đông Bích, gọi là Thanh Chương. Ánh sáng rất xanh, rất sáng. Nếu nó mọc sai chỗ và mọc ở chòm sao Chẩn thì gọi là Thanh Chương. Năm đó đầu năm hạn hán, cuối năm nước to.

[Năm thứ 4]: Năm Hoang Lạc

Tuế Âm ở Tị, Tuế Tinh ở Hợi. Tháng Tư, sáng sớm mọc nơi chòm sao Khuê, Lâu, Vị, Mão, gọi là Biền Chủng. Có màu đỏ. Nếu nó mọc sai chỗ, không đúng cách, thì sẽ mọc nơi chòm sao Cang.

[Năm thứ 5]: Năm Đôn Tàng

Tuế Âm ở Ngọ, Tuế Tinh ở Dậu. Tháng Năm, mọc nơi chòm sao Vị, Mão, Tất, vào lúc buổi sáng, gọi là Khai Minh. Nó sáng rực. Không nên chinh chiến, vì chỉ lợi cho vương công mà không lợi cho tướng soái. Nếu mọc sai chỗ, không đúng cách, nó sẽ mọc nơi chòm sao Phòng. Năm đó thì đầu năm nắng nhiều, cuối năm nước lớn.

[Năm thứ 6]: Năm Hiệp Hiếp

Tuế Âm ở Mùi, Tuế Tinh ở Thân. Tháng Sáu, mọc ở chòm sao Chủy, Huề, Sâm; gọi là Trường Liệt. Sáng láng. Nếu mọc sai chỗ thì sẽ mọc nơi chòm sao Cơ.

[Năm thứ 7]: Năm Huân Than

Tuế Âm tại Thân, Tuế Tinh tại Mùi. Tháng Bảy, sáng sớm mọc nơi chòm sao Đông Tỉnh, Dư Quỉ; gọi là Thiên Âm. Nếu mọc sai chỗ, sẽ mọc nơi chòm sao Thiên Ngưu.

[Năm thứ 8]: Năm Tác Ngạc

Tuế Âm tại Mão, Tuế Tinh tại Ngọ. Tháng Tám, mọc nơi các chòm sao Liễu, Thất, Tinh, Trương; gọi là Vi Trường Vương. Nếu sáng lóe thành tia thì quốc gia tương ứng sẽ thịnh và sẽ được mùa lúa. Nếu nó mọc sai chỗ và mọc ở chòm sao Nguy thì gọi là Đại Chương, nắng nhiều nhưng thịnh vượng. Đàn bà chết nhiều, dân chết nhiều.

[Năm thứ 9]: Năm Yêm Mậu

Tuế Âm tại Tuất, Tuế Tinh tại Tỵ. Tháng Chín, Tuế Tinhmọc nơi chòm sao Dực, Chẩn; gọi là Thiên Huy, sáng và trắng. Nếu mọc sai chỗ sẽ mọc nơi chòm sao Đông Bích. Năm đó mưa nhiều, con gái chết nhiều.

[Năm thứ 10]: Năm Uyên Hiến

Tuế Âm tại Hợi, Tuế Tinh tại Thìn. Tháng Mười, Tuế Tinh mọc nơi chòm sao Giác, Cang; gọi là Đại Chương. Nếu sao sáng xanh và lấp lánh nhiều và nếu hiện ra vào lúc rạng đông thì gọi là Chính Bình. Nên xuất binh chinh phạt. Quốc gia tương ứng sẽ có và lấy được Thiên hạ. Nếu mọc sai chỗ, sẽ mọc nơi chòm sao Lâu.

<Trong nguyên bản thiếu năm thứ 11>

[Năm thứ 12]: Năm Xích Phấn Nhược

Tuế Âm ở Sửu, Tuế Tinh ở Dần. Tháng 12, ban sáng mọc ở chòm sao Vĩ, Cơ; gọi là Thiên Hạo, sắc sẫm và sáng. Nếu mọc sai chỗ, sẽ mọc nơi chòm sao Sâm.

* Những điềm do Tuế Tinh

Nếu Tuế Tinh mọc sai chỗ, hay mọc đúng chỗ nhưng lại giao động lúc phải lúc trái, hay khi chưa đáng ra đi mà ra đi, lại hội với các sao khác, thì quốc gia tương ứng sẽ gặp điều hung.

Nếu Tuế Tinh mọc trên không phận nước nào lâu, nước ấy có đức. Nếu nó chiếu thành tia hay giao động, lúc to lúc nhỏ, nếu màu sắc thay đổi luôn, thì vị vua của nước tương ứng đang gặp điều buồn.

Nếu nó mọc sai chỗ, thì kết quả như sau:

- Nếu nó tiến về phía Đông Bắc, thì 3 tháng sau sẽ sinh ra sao chổi Thiên Bảng, dài 4 thước và đầu nhọn.

- Nếu nó thoái về phía Tây Bắc, thì 3 tháng sau sẽ sinh ra sao chổi Thiên Sam, dài 4 trượng và có đuôi nhọn.

- Nếu nó thoái về phía Tây Nam, thì 3 tháng sau sẽ sinh ra sao chổi Thiên Thương, dài vài trượng và có hai đầu nhọn.

Người ta sẽ quan sát cẩn thận xem các hiện tượng ấy xảy ra trên không phận nước nào, vì những nước đó sẽ không được dụng binh.

Nếu nó hiện ra mà khi nổi khi chìm, thì quốc gia tương ứng đang xây đắp nhiều. Nếu nó hiện ra chìm rồi lại nổi, thì quốc gia tương ứng sẽ mất.

Nếu nó có sắc đỏ và sáng, thì quốc gia tương ứng sẽ thịnh. Ai mà tiến ngược chiều ánh sáng nó, sẽ thất trận.

Nếu Tuế Tinh đỏ, vàng, nếu chìm, thì vùng đất tương ứng sẽ phì nhiêu. Nếu xanh, hay trắng, hay đỏ sẫm, thì vùng đất tương ứng sẽ có ưu khổ.

Nếu Tuế Tinh khuất sau mặt trăng thì vùng đất tương ứng sẽ có vị thừa tướng bị thải hồi.

Nếu nó giao tranh với sao Thái Bạch (Kim Tinh) thì quân đội vùng quốc gia tương ứng sẽ bị tan tác.

Tuế Tinh còn có tên là: Nhiếp Đề, Trùng Hoa, Ứng Tinh, Kỹ Tinh. Chòm sao Doanh Thất là Thanh Miếu. Tuế Tinh là Miếu.

GHI CHÚ

(1) Tuế Tinh (Jupiter) chuyển vận từ trái sang phải. Mặt trăng chuyển vận từ phải sang trái. Vì thế người xưa đã lập ra sao Thái Tuế (Tuế Âm) tức là một vì sao tưởng tượng, di chuyển đối xứng với Tuế Tinh (Tuế Dương) theo trục đối xứng Sửu, Dần, Mùi, Thân.

Như vậy, nếu Tuế Tinh ở Sửu, thì Thái Tuế ở Dần; Tuế Tinh ở Hợi, thì Thái Tuế ở Mão, v.v. Nghĩa là trong khi Tuế Tinh di chuyển theo thứ tự các cung Sửu, Tí, Hợi, Tuất, Dần, Thân, … thì Thái Tuế là vì sao tưởng tượng đối xứng với nó, sẽ di chuyển theo thứ tự các cung Dần, Mão, Thìn, Tỵ, v.v. y hệt như mặt trời. Có lẽ nhờ đoạn này ta hiểu được sao Thái Tuế trong Tử Vi.

(2) Đời xưa, có khi cũng dùng vòng 12 năm Tuế Tinh để ghi chú sự việc. Nhưng thực ra, Tuế Tinh đi hết vòng trời không phải đúng 12 năm mà là trong 11 năm 86. Như vậy cứ 12 năm lại chậm hơn Âm lịch mất 0,14 năm. Lâu dần, lối tính năm theo vòng sao Thái Tuế chậm hơn Âm lịch mất 2 năm.

Như vậy mỗi khi gặp niên hiệu tính theo vòng Tuế Tinh, nếu chúng ta muốn biết nó là năm Âm lịch nào tương ứng thì phải làm như sau:

a. Đổi năm Tuế Tinh ra năm Thái Tuế, dựa vào đồ bản sau đây.

b. Cộng thêm 2 năm ta sẽ được năm theo Âm lịch thông thường.

Ví dụ 1: Trong sách Quốc Ngữ nơi chương Tấn Ngữ có chép: «Tuế Tinh tại Thọ Tinh, khi đến Thuần Vĩ thì ngài sẽ chiếm được đất.» Theo đồ bản sau, thì Tuế Tinh tại Thọ Tinh là tại Thìn. Như vậy Thái Tuế sẽ tại Hợi. Cộng thêm 2 năm ta được Sửu. Như vậy năm đó là năm Đinh Sửu, năm thứ 16 đời Lỗ Hi Công (năm 644 tcn).

Ví dụ 2: Trong Tả Truyện, năm 28 đời Trương Công, tức là năm Bính Thìn. Tả Truyện chép năm đó đáng lý Tuế Tinh phải ở Tinh Kỷ, nhưng nó lại mọc ở Huyền Hiêu. Tinh Kỷ là Sửu, như vậy Thái Tuế ở Dần, cộng thêm 2 ta sẽ được năm Thìn, v.v.

CHU KỲ A (TUẾ TINH)

CHU KỲ B (THÁI TUẾ)

Ở CHÒM SAO

CUNG CỦA NĂM

12 CHI

12 CHI

CUNG CỦA NĂM

ĐẨU

TINH KỶ

SỬU

DẦN

NHIẾP ĐỀ CÁCH

NỮ

HUYỀN HIÊU

MÃO

ĐƠN ẤT

NGUY

THÚ TÍ

HỢI

THÌN

CHẤP TỪ

KHUÊ

GIÁNG LÂU

TUẤT

TỊ

ĐẠI HOANG LẠC

VỊ

ĐẠI LƯƠNG

DẬU

NGỌ

ĐÔN TANG

TẤT

THỰC TRẦM

THÂN

MÙI

HIỆP HIẾP

TỈNH

THUẦN THỦ

MÙI

THÂN

HUÂN THAN

LIỄU

THUẦN HỎA

NGỌ

DẬU

TÁC NGẠC

CHẨN

THUẦN VĨ

TỊ

TUẤT

YÊM MẬU

ĐÊ

THỌ TINH

THÌN

HỢI

ĐẠI UYÊN HIẾN

TÂM

ĐẠI HỎA

MÃO

KHỐN ĐÔN

TRIẾT MỘC

DẦN

SỬU

XÍCH PHẤN NHƯỢC

(Tài liệu này trích từ Ed. Chavannes, Les Mémoires Historiques de Se-ma-Ts’en, Librairie d’Amérique et d’Orient, Paris, 1967, Tome 3, p. 652-663.)

 

CHÚ THÍCH

[1] Bản tuyển dịch Sử Ký Tư Mã Thiên của Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê (nxb Lá Bối, trước 1975; nxb Văn Học tái bản 1994) và bản tuyển dịch của Nhữ Thành (nxb Văn Học, 1988) đều bỏ qua chương Thiên Quan này. (Phụ chú năm 2007)

[2] Xin xem bản đồ sao Trung Cung.

[3] Thiên Cực: Bắc Thần.

[4] Thái Nhất: Thượng Đế.

[5] Tam Công tương ứng với 3 vị quan lớn trong triều vua dưới trần gian: Tư Đồ, Tư Không, Thái Úy. Tứ Bộ Bị Yếu cho rằng: Tam Công ở gần chuôi sao Bắc Đẩu. Vì thế trong bản đồ sao, tôi vẽ Tam Công ở gần sao Bắc Đẩu.

[6] Còn gọi là Tứ Phụ.

[7] Tử Vi cung, Tử Vi viên.

[8] Phía trước tức là Nam Tử cung.

[9] Gọi là Âm Đức vì chủ về ban ân.

[10] Thiên Nhất tướng ứng với sao a du Dragon.

[11] Gồm một số sao trong chòm Le Dragon và trong chòm Hercule.

[12] Doanh Thất: a b Du Pégase.

[13] Các Đạo: thuộc chòm sao Cassiopée.

[14] Trong chương 3 (Dụng cụ và phương pháp dùng trong thiên văn học cổ Trung Hoa) tôi đã giải thích Thất Chính trong câu: «Tuyền ki dĩ tề thất chính» của Thư Kinh là Bảy sao Bắc Đẩu. Nơi đây ta cũng thấy Tư Mã Thiên cũng đồng quan điểm.

 Như vậy Thất chính trong thiên văn có hai nghĩa: (1) Bảy ngôi sao của Bắc Đẩu (như đã nói trên), (2) Mặt trời, mặt trăng, và 5 hành tinh (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) trong nhiều trường hợp khác.

[15] Giác: Épi de la Vierge.

[16] Các sao trong chòm Sagittaire.

[17] Một số sao thuộc chòm Orion.

[18] Joseph Needham, Science and Civilisation in China, vol 3, p.233, giải đoạn này như sau: «Nếu ta kẻ một đường thẳng từ sao Thiên Cực (Bắc Thần) đến sao Khai Quang, lại kẻ một đường thẳng từ sao Thiên Đế tinh (b Ursae Minoris) đến sao Tiêu, hai đường thẳng ấy sẽ gặp nhau tại sao Giác. Nếu kẻ một đường thẳng từ sao Hành song song với hai sao Ki Tinh và Quyền Tinh, sẽ gặp nhau chòm sao Nam Đẩu.  Nếu kẻ hai đường thẳng, một nối liền Quyền Tinh, Khu Tinh; một nối liền Ki Tinh, Tuyền Tinh, thì hai đường thẳng ấy sẽ dẫn đến chòm sao Sâm.»

[19] Edouard Chavannes trong quyển Mémoires concernant l’Asie Orientale, Tome I, nơi chú thích 1 (tr. 53) có bình luận rất dài về cách dùng sao Tiêu, Hành, Khôi của người xưa.

 Đại khái thì người Trung Hoa cho rằng mỗi một tháng chuôi sao Bắc Đẩu (sao Tiêu) lại chỉ vào một điểm nào đó nơi chân trời, và điểm ấy sẽ nằm một trong 12 cung: Tí, Sửu, Dần, Mão, v.v. Ví dụ tháng giêng chuôi sao Bắc Đẩu lúc chập tối chỉ cung Dần. Các sách Bốc Dịch gọi thế là Nguyệt Kiến. Và như vậy, nếu 6 giờ chiều sao Tiêu chiếu thẳng vào cung Dần, thì đến 12 giờ đêm, sao Hành sẽ chiếu thẳng vào cung Dần, 6 giờ sáng hôm sau, sao Khôi sẽ chiếu thẳng vào cung Dần.

[20] Sao Khôi chỗ này gồm cả 4 sao: Khu, Tuyền, Ki, Quyền.

[21] Thái Vi viên gồm nhiều sao thuộc các chòm sao Chiens de chasse, Lion, và Vierge.

[22] Sao Hồ ứng với sao Wezen du Grand Chien.

[23] Nam Cực Lão Nhân tức là sao Canopus.

[24] Vương Lương thuộc chòm sao Cassiopée.

[25] Ta không thấy Tư Mã Thiên đề cập sao Bích.

Ghi chú: Đây vốn là loạt bài đã đăng tạp chí Phương Đông, các số 1 (tháng 7-1971), 2 (8-1971), 3 (9-1971), 4 (10-1971), 5 (11-1971), 6 (12-1971), 11 (5-1972), 15 (9-1972), 16 (10-1972), 22 (4-1973), 26 (8-1973), 27 (9-1973), 29 (11-1973), 33 (3-1974), 37 (7-1974), 42 (12-1974), 43 (1-1975).