Giải mã các hiện tượng dị thường - Kỳ 25: Lợi ích của Thiền

Kỳ 25: Lợi ích của Thiền

Đại tá, nhà nghiên cứu Đỗ Kiên Cường

Viện Vật lý Y Sinh học - Trung tâm Khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự - Bộ Quốc phòng
Thể thao Văn hóa


Khi môn đồ của một trong những tôn giáo cổ xưa nhất trên trái đất là Phật giáo Thiền tông muốn đạt tới một trạng thái tinh thần cao hơn, họ thường dùng một kỹ thuật đã có từ hơn 5.000 năm trước để biến đổi các trạng thái của ý thức. Đó là thiền định.

Thiền là gì?

Theo định nghĩa, thiền là một thực hành để tập trung sự chú ý nhằm đạt tới các trạng thái ý thức biến đổi. Nó cũng có thể giúp đạt tới các mục đích khác như tăng tính sáng tạo và sự tự nhận thức, hay đơn giản là thư giãn và tĩnh tâm.

Tượng thần Shiva đang thiền được đặt tại Bangalore - Ấn Độ

Thiền xuất hiện trong hầu hết các tôn giáo. Nó cũng được dùng rộng rãi ngoài phạm vi tín ngưỡng. Hiện nay các kỹ thuật thiền phương Đông được dùng rất phổ biến ở phương Tây, với một số chỉnh lý để phù hợp với tập quán văn hóa xã hội địa phương. Hiện ở Mỹ, nhiều người tập thiền theo phương pháp của Maharishi Mahesh, một nhà Yoga nổi tiếng. Kỹ thuật của ông khá đơn giản. Đó là lặp đi lặp lại một mantra - một âm thanh, một từ hay một vần.

Ở các phương pháp khác, sự chú ý được tập trung vào một bức tranh, ngọn nến hay một bộ phận cơ thể nào đó. Cho dù dùng phương pháp nào thì chìa khóa thành công cũng là tập trung tinh thần cho đến khi quên hết các yếu tố kích thích xung quanh để đạt tới một trạng thái khác của ý thức. Nói cách khác, đó là xóa bỏ tạp niệm và làm trống bộ não.

Kiểm soát cảm xúc

Người thực hành thiền ngày hai lần, mỗi lần 20 phút thấy tinh thần thư giãn, đôi khi đạt tới trạng thái nhìn thấy bản thân và các vấn đề vướng mắc dưới một góc nhìn khác. Kiên trì tập thiền có thể cải thiện sức khỏe rõ rệt. Năm 1989, nhà thần kinh học Alexander thấy người già tập thiền hơn ba năm sẽ có tuổi thọ cao hơn người không tập.


Hội thảo về thiền tại New Zealand năm 1979

Số các nghiên cứu thiền trong lâm sàng ngày càng tăng. Richard Davidson, giáo sư tâm lý và tâm thần học tại ĐH Wisconsin, là một trong những người đầu tiên ghi sóng điện não của các thầy tăng Tây Tạng khi họ đang thiền. Kết quả cho thấy, trong trạng thái thiền định, hoạt tính sóng gamma của thầy tăng tăng gấp hai lần so với bình thường, cho thấy họ làm chủ các cảm xúc tích cực và kiểm soát các cảm xúc tiêu cực tốt hơn. Trên nhóm người tình nguyện mới được dạy cách thiền định, sóng gamma tăng không đáng kể. Giới nghiên cứu tin rằng, những thay đổi đó có lợi cho cả sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể chất, vì trong cơ thể con người, tinh thần và thể chất không bao giờ chia tách nhau.

Thay đổi thực thể

Qua hệ thần kinh, thiền tạo ra một số thay đổi sinh lý có lợi cho sức khỏe, như giảm mức độ tiêu thụ ô-xy (đến 20%), giảm nhịp thở, giảm nhịp tim và hạ huyết áp, hạ mức thán khí và lactate trong máu. Tuy nhiên những thay đổi như thế cũng xuất hiện trong các kỹ thuật thư giãn khác, cho thấy chúng là các tiêu chí còn tương đối thô trong việc lượng giá một hoạt động tinh tế như thiền.

Ứng dụng thực tế

Như một kỹ thuật thư giãn, thiền được dùng giảm stress trong các cơ sở y tế cho bệnh mãn tính hay bệnh giai đoạn cuối để giảm các biến chứng liên quan với stress, bao gồm suy giảm miễn dịch. Trong cuốn sách mở đường Thiền và bộ não do nhà xuất bản ĐH Cambridge ấn hành năm 1999, bác sĩ James Austin kết luận thiền giúp tái kết nối các mạch thần kinh trong não, một kết luận dựa trên các hình ảnh cộng hưởng từ chức năng.

Năm 1993, nhà tâm lý Herbert Benson của Viện Y học tâm thể chứng tỏ, có thể thực hành thiền định qua một kỹ thuật rất đơn giản là ngồi nhắm mắt trong phòng kín, thở sâu theo nhịp, đếm đi đếm lại 1 - 2 - 3 - 4 hay lặp đi lặp lại mãi một từ. Sau 20 phút thực hành, đa số người tập đều thấy thư giãn rõ rệt. Tập ngày hai lần, kỹ thuật Benson đạt hiệu quả tương đương các phương pháp thiền định truyền thống trong việc thư giãn tâm hồn và cơ thể.

Nói chung thiền là một biện pháp hiệu quả để thư giãn và hạ thấp các ngưỡng sinh lý. Đặc trưng điện não thay đổi cho thấy, ngưỡng kích thích vỏ não thay đổi, phản ánh sự giảm mức độ của các hoạt động tinh thần. Thiền cũng giúp giảm lo âu, căng thẳng, hệ quả của nền văn minh, và tăng cường sự tự tin cho người tập luyện. Một số nhà tâm lý còn dùng thiền để cải thiện thành tích vận động viên, chí ít cũng giúp họ trấn tĩnh trước các sự kiện thể thao quan trọng. Thậm chí qua thiền, vận động viên có thể thư giãn hoặc kích thích từng nhóm cơ thích hợp để phát lộ được hết những năng lực còn đang tiềm ẩn. Hoàn toàn không quá lời khi có người cho rằng, thiền có thể giúp chúng ta sống khỏe mạnh và yên bình hơn.